Giữa Italia và Ấn Độ hiện đang bùng phát bất đồng quan điểm có thể khiến cho quan hệ song phương trở nên căng thẳng và trắc trở. Về phương diện pháp lý, gốc rễ của bất đồng mới này là mỗi bên có cách hiểu riêng về sử dụng luật lệ nào để xử lý chuyện xảy ra ở bên ngoài phạm vi chủ quyền lãnh thổ của mình.
Italia đang cố gắng giúp đỡ cho hai công dân của mình. Ảnh: AFP |
Mới rồi, Ấn Độ bắt giữ hai binh lính Italia và dự định đưa ra xét xử về tội giết người. Hai người này được cử đi cùng chiếc tàu thuỷ chở dầu Enrica Lexie của Italia với nhiệm vụ chống cướp biển ở Vịnh Aden. Họ đã bắn chết hai ngư dân Ấn Độ, không phải ở Vịnh Aden tận Châu Phi xa xôi mà ở ngay ngoài khơi bờ biển Ấn Độ vì nhầm lẫn với cướp biển.
Chính phủ Italia lập luận chuyện xảy ra ở vùng biển quốc tế thì việc xử lý không thuộc thẩm quyền của cơ quan tư pháp Ấn Độ, mà phải theo luật lệ của đất nước chủ sở hữu con tàu chở dầu đó, trong trường hợp này là Italia. Chính phủ Italia viện dẫn luật pháp liên quan của Italia và những nghị quyết của LHQ về chống cướp biển. Vì thế, phía Italia đòi Ấn Độ phải trả tự do ngay cho hai binh lính nói trên của Italia.
Bảo hộ công dân là trách nhiệm của mọi nhà nước. Cho nên việc chính phủ Italia can thiệp để cứu hai binh lính bị bắt ở Ấn Độ không có gì là khó hiểu. Nhưng cả việc Ấn Độ bắt giữ hai người Italia đã nổ súng làm hai công dân Ấn Độ bị thiệt mạng cũng dễ hiểu tương tự. Đương nhiên, không thể có chuyện làm công dân của quốc gia khác bị thiệt mạng rồi chỉ nói rằng đã nhầm lẫn là xong. Cũng không thể chấp nhận việc vận dụng luật pháp của Italia ở vùng biển quốc tế. Lại càng không có chuyện LHQ cho phép chống cướp biển theo kiểu "thà nhầm còn hơn sót" như lập luận của phía Italia trong vụ việc này.
“Luật nào vận dụng ở đâu?” vì thế đã trở thành câu hỏi mấu chốt nhất cần được trả lời trước hết nếu muốn xử lý thoả đáng vụ việc này. Vùng biển quốc tế là của chung nhưng không phải ai muốn làm gì ở đó cũng được.
Câu trả lời đương nhiên sẽ rất khác nhau tuỳ thuộc vào việc ai trả lời. Ưu tiên hàng đầu của Italia là giải thoát cho công dân mình. Trong khi đó, Ấn Độ không có sự lựa chọn nào khác ngoài phải nắm dao đằng chuôi vì chỉ có thể truy cứu trách nhiệm của hai binh lính này khi có họ trong tay, chứ còn một khi đã thả họ về Italia để cơ quan tư pháp Italia xét xử thì sẽ chẳng khác gì thả mồi bắt bóng. Giải quyết chuyện này bằng ngoại giao xem ra còn khả dĩ đối với Italia.
Mạc Thầy