Trong mấy ngày vừa qua, súng đạn lại một lần nữa lên tiếng ở khu vực ngôi đền Preah Vihear giữa Campuchia và Thái Lan. Vì tranh chấp ngôi đền này mà hai bên đã từng độ súng với nhau, nhưng chiến sự mấy ngày vừa qua ở mức độ dữ dội nhất kể từ hơn 2 thập kỷ nay, gây thiệt hại về người cho cả hai bên và làm ngôi đền bị tổn hại. Nguyên cớ của vụ tranh chấp có nhiều, liên quan đến quá khứ lịch sử, đến tình hình chính trị nội bộ ở cả hai phía, đến đặc thù của mối quan hệ song phương, nhưng trước hết đến hiệu lực của luật pháp quốc tế liên quan tới ngôi đền này, tức là chuyện chủ quyền lãnh thổ.
Từ giác độ kiến trúc, văn hoá và tôn giáo thì “tính Campuchia” ở ngôi đền này nổi trội hơn hẳn “tính Thái Lan”. Đền Preah Vihear – giống như Angko Vat - được xây dựng ở thời Đế chế Khmer (thế kỷ 9 đến thế kỷ 15), thờ Thần Shiva của Đạo Hindu, trong dãy núi Gangrek ở độ cao 525 mét so với mặt nước biển, cách Phnom Pênh 245 km và Bangkok 450 km. Trong thế kỷ 19, Vương quốc Xiêm (Thái Lan ngày nay) chiếm ngôi đền này. Đầu thế kỷ 20, Pháp chiếm Campuchia làm thuộc địa và giành quyền quản lý ngôi đền. Năm 1953, Campuchia được độc lập và khu đền thuộc về Campuchia. Năm 1904 và 1907, Pháp và Thái Lan đã ký hiệp ước phân định ranh giới ở khu vực này, nhưng lại không tiến hành cắm mốc cụ thể nên cuộc tranh chấp vẫn tiếp diễn. Năm 1962, Toà án quốc tế LHQ phán quyết ngôi đền thuộc về Campuchia, nhưng lại không quyết định rõ về khu vực rộng gần 5 km2 xung quanh ngôi đền. Vì thế nên hiện tại, lối vào chính của ngôi đền lại ở phía Thái Lan, trong khi từ phía Campuchia lên ngôi đền phải trèo theo vách núi dốc cao. Năm 2008, UNESCO chấp nhận đề nghị của Campuchia coi ngôi đền là “Di sản văn hoá thế giới”, gián tiếp khẳng định ngôi đền thuộc về Campuchia.
Về phương diện pháp lý, nguyên do cuộc tranh chấp ngôi đền là thiếu sót trong việc thực hiện hiệp ước năm 1904 và 1907 cũng như trong phán quyết của Toà án Quốc tế của LHQ năm 1962 và việc Thái Lan không chấp nhận ngôi đền thuộc về Campuchia với viện dẫn những thiếu sót nói trên. Việc giải quyết cuộc tranh chấp này bây giờ và cả trong tương lai còn khó khăn hơn nhiều so với năm 1904 hay 1907 và 1962. Một khi thoả thuận song phương không được và đa phương cũng chẳng xong thì biết nhờ cậy đến ai và với luật pháp nào bây giờ để làm vừa lòng cả hai phía?.
Thiên Lang