Trong thời gian 5 tháng qua, khu vực các nước thành viên EU đã nhanh chóng trở thành một trong những tâm điểm nghiêm trọng nhất của diễn biến của dịch bệnh viên phổi cấp do virus corona gây ra. Lần đầu tiên có một dịch bệnh khiến cho cả EU gặp phải những khó khăn to lớn và thách thức ghê gớm như chưa từng thấy trong lịch sử hình thành và phát triển đến nay của EU.
Tác động, hậu quả và hệ luỵ của dịch bệnh đối với các thành viên EU nghiêm trọng đến mức bản thân EU cũng phải công nhận rằng không có thành viên riêng lẻ nào có đủ khả năng khắc phục và vượt qua được.
Trong bối cảnh tình hình như thế, việc EU phải ra tay và xung trận để giải cứu các thành viên khỏi khó khăn và thách thức không có gì là khó hiểu. Giải cứu các thành viên lúc này trong thực chất còn là giải cứu chính EU. Vấn đề là cách thức giải cứu mà EU hiện đang thực hiện.
Vì phải giải cứu bằng mọi giá và theo mọi cách mà EU đã bất chấp mọi luật lẫn lệ suốt bao lâu nay vẫn chế tài các quyết sách động chạm đến sự tồn vong và tương lai chung của EU. Trên thực tế, thời thế hiện tại đã buộc EU phải làm như vậy, đơn giản vì không có sự lựa chọn nào khác. Cụ thể ở đây là việc Uỷ ban EU đưa ra chương trình tài chính cứu trợ các thành viên của liên minh trị giá 750 tỷ Euro.
Chương trình cứu trợ này lớn chưa từng thấy đã đành, lại còn rất đặc biệt trên hai phương diện. Thứ nhất, để có được số tiền này, EU không bắt các thành viên đóng góp, bởi các thành viên có dư dả tiền của để đóng góp thì đâu còn cần đến sự trợ giúp tài chính của EU. Họ thiếu tiền của nên mới phải trông cậy vào EU, mà dùng cách đi vay để có, cụ thể là thông qua phát hành trái phiếu chung. Phát hành trái phiếu để kiếm tiền trong thực chất là đi vay nợ.
Gói hỗ trợ 750 tỷ Euro khiến EU nợ nần, nội bộ EU thêm rạn nứt |
Luật pháp hiện hành của EU không có quy định cho phép EU hoạt động trên cơ sở nền tảng tài chính là vay nợ. Luật xưa nay là thế và cả trong nhận thức xưa nay của EU đã hình thành cái lệ là phải có kỷ cương rõ ràng và nghiêm khắc về việc không tùy ý vay nợ công và thâm hụt ngân sách nhà nước. Chính vì thế mà EU có những biện pháp trừng phạt đối với những thành viên EU tham gia Liên minh kinh tế và tiền tệ châu Âu sử dụng đồng tiền chung Euro (còn được gọi là Khu vực Euro) không tuân thủ nghiêm chỉnh quy định và tiêu chí giới hạn, trong đó có về mức độ thâm hụt ngân sách nhà nước và vay nợ công.
Vậy mà bây giờ EU lại vay nợ. Như thế có nghĩa là từ nay rồi đây sẽ có tình trạng EU vay nợ và dùng để trang trải cho các hoạt động. Nhưng không vay nợ như thế thì EU lấy đâu ra tiền của để trợ giúp các thành viên bây giờ? Thời thế hiện tại đã buộc EU phải vứt bỏ hết mọi luật lẫn lệ nói trên. Thứ hai là trong 750 tỷ Euro nêu trên có 500 tỷ dùng để trợ giúp không hoàn lại cho các thành viên mà lại phân bổ chứ không chia đều. Vay nợ chung nhưng hưởng nợ khác nhau.
Nếu tất cả các thành viên đều đồng tình thì EU sẽ có được sự đồng thuận trong nội bộ. Nhưng hiện tại EU không được như thế. Kẻ tiết kiệm, người phung phí thì làm sao có thể đoàn kết thống nhất được với nhau. Nền tảng cho sự ra đời, phát triển và thành công của EU là đoàn kết nhất trí và gắn kết nội bộ.
Cái lệ trong EU lâu nay là không làm gì gây tổn hại cho tình đoàn kết thống nhất và sự gắn kết nội bộ ấy. Nhưng bây giờ, chính chương trình tài chính này của Uỷ ban EU lại làm cho nội bộ EU thêm rạn vỡ. Âu cũng là cái giá mà EU hiện phải trả cho tình cảnh luật lệ thua thời thế.