Hiến pháp hiện hành khẳng định: “Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân”. Thực tế thi hành Hiến pháp năm 1992 đã chứng minh điều đó, song cũng có những người lợi dụng quyền công dân, trong đó có quyền tự do dân chủ, để vi phạm pháp luật.
Đình chỉ vụ án với nguyên Thiếu tướng Công an
Gần 5 năm trước, TAND TP Đà Nẵng đã đưa ra xét xử lưu động tại Nhà hát Trưng Vương vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Bốn bị cáo bị truy tố gồm: Trần Văn Thanh (nguyên Thiếu tướng, Chánh Thanh tra Bộ Công an), Nguyễn Phi Duy Linh (39 tuổi, Đà Nẵng), Đinh Công Sắt (43 tuổi, nguyên thiếu tá Công an TP Đà Nẵng) và Dương Tiến (còn gọi là Dương Ngọc Tiến, nguyên Trưởng Văn phòng đại diện Báo Công an TP.HCM tại Hà Nội).
Theo cáo trạng của VKSND TP Đà Nẵng, từ cuối tháng 11/2006 đến nửa cuối năm 2007, Thanh, Linh, Tiến đã có hành vi lôi kéo, xúi giục cung cấp tài liệu của VKSND TP Đà Nẵng, một số tài liệu của chính quyền TP Đà Nẵng cùng các thông tin không có cơ sở cho Sắt và gia đình Sắt để những người này phát tán, khiếu kiện, tố cáo lãnh đạo cao nhất của TP Đà Nẵng.
Bị cáo Nguyễn Phi Duy Linh tại phiên tòa. |
Những hành vi này đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, công dân, gây mất ổn định, ảnh hưởng tới tình hình trị an của Đà Nẵng và một số nơi vào thời điểm trước, trong và sau ngày bầu cử Quốc hội khóa XII. Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, HĐXX tuyên phạt bị cáo Thanh 12 tháng tù cho hưởng án treo, Sắt 12 tháng tù cho hưởng án treo, Linh 36 tháng tù và Tiến 17 tháng 5 ngày tù.
Sau phiên phúc thẩm mới nhất vào tháng 6/2012, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng đã tuyên đình chỉ vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân” đối với ông Trần Văn Thanh vì đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, HĐXX cũng kiến nghị cơ quan chủ quản ông Thanh tiến hành xử lý hành chính về hành vi liên quan của ông Thanh đến vụ án. Đối với Linh, HĐXX khẳng định bị cáo có hành vi hướng dẫn, cung cấp tài liệu cho Sắt viết đơn tố cáo sai sự thật nên vẫn giữ nguyên mức án 36 tháng tù.
Xét xử nhân văn kẻ lợi dụng quyền tự do dân chủ
Còn tại Tây Ninh, trong phiên sơ thẩm ngày 14/3/2012, TAND huyện Gò Dầu cũng đã tuyên phạt hai bị cáo Hồ Thị Huệ (46 tuổi, ngụ xã Phước Ðông, huyện Gò Dầu) và Nguyễn Bích Thủy (41 tuổi, ngụ xã Phước Thạnh, Gò Dầu, Tây Ninh) mỗi người 3 năm tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức”.
Theo cáo trạng, Dự án Khu liên hợp Công nghiệp - Ðô thị - Dịch vụ Phước Ðông - Bời Lời (Dự án PÐ - BL) được UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt, giao cho UBND huyện Gò Dầu trực tiếp thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng để giao cho Công ty đầu tư Sài Gòn VRG, thuộc Tập đoàn cao-su Việt Nam thi công.
Trong quá trình thu hồi, đền bù đất, hầu hết người dân chấp hành chủ trương chung, giao đất, nhận tiền đền bù. Riêng Huệ có hơn 7 nghìn m2 đất nông nghiệp trồng cây hằng năm nằm trong Dự án PÐ - BL, thuộc diện giải tỏa nhưng Huệ không nhận tiền đền bù mà rủ rê, lôi kéo 6 hộ khác không nhận tiền đền bù, tập trung thành nhóm với Huệ đi khiếu kiện nhiều nơi, từ cấp huyện Gò Dầu, cấp tỉnh Tây Ninh, rồi ra Hà Nội.
Trong quá trình khiếu kiện, Huệ gặp và quen với Thủy, là người hoàn toàn không có đất bị thu hồi trong Dự án PÐ - BL; Huệ rủ Thủy tham gia khiếu kiện cùng Huệ ở Dự án PÐ - BL, yêu cầu Nhà nước phải đền bù với giá 2,2 tỷ đồng/ha. Huệ hứa khi được đền bù với mức giá trên, Huệ sẽ “trả công” cho Thủy, Thủy đồng ý và tích cực tham gia cùng Huệ.
Thời gian khiếu kiện, Huệ và Thủy đã nhiều lần có những lời lẽ, viết đơn khiếu nại, tố cáo sai sự thật, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của cán bộ tỉnh Tây Ninh và huyện Gò Dầu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan Nhà nước, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với chính quyền địa phương, cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức.
Ngày 2/8/2012, xét xử phúc thẩm vụ án, TAND tỉnh Tây Ninh nhận định bị cáo Huệ là người có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng. Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Bích Thủy đã thừa nhận hành vi của mình, đồng thời khẳng định mình hoàn toàn không có đất trong Dự án PÐ - BL. Sau khi nghị án, HÐXX đã giảm án cho hai bị cáo, tuyên phạt Huệ 2 năm tù, Thủy 2 năm tù.
Các bị cáo trên đây đã lợi dụng quyền tự do dân chủ để vi phạm pháp luật, lôi kéo người khác phạm tội cùng mình. Khi xét xử, các quan tòa đã không những nghiêm khắc chỉ ra lỗi lầm của họ mà còn xét xử nhân văn để họ có cơ hội nhìn nhận lại và sửa chữa.
Tới đây, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi còn mở rộng hơn nữa các quyền con người, quyền công dân, một mặt quy định trách nhiệm của nhà nước trong việc tạo điều kiện để người dân được thực hiện các quyền của mình nhưng mặt khác dự thảo Hiến pháp cũng quy định ngược trở lại trách nhiệm của công dân đối với nhà nước. Vì thế, những trường hợp lợi dụng các quyền này để vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm minh để đảm bảo tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa.
Sơn Hà