Thực ra, khi Quốc hội ấn nút thông qua, đã có khá nhiều đại biểu không tán thành. Nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng về sự chồng chéo trong thẩm quyền quản lý giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Và đến bây giờ, khi còn chưa đầy ba tháng nữa đạo Luật này mới đi vào cuộc sống, cả hai Bộ ngành liên quan (Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH) vẫn chưa rõ thẩm quyền quản lý của mình đến đâu.
Đơn giản vì họ chưa được Chính phủ chưa giao nhiệm vụ cụ thể. Chính điều này đã khiến hai Bộ lúng túng trong việc lên phương án điều chỉnh, sắp xếp lại hệ thống các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp vẫn thuộc quyền quản lý của mình lâu nay.
Theo Luật GDNN, hệ thống các trường CĐ không còn thuộc về các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) mà nằm trong GDNN, trong khi lĩnh vực dạy nghề thuộc sự quản lý, điều chỉnh của Bộ LĐTB&XH. Vấn đề đặt ra là hiện nay chúng ta có hai hệ thống các trường CĐ (CĐ và CĐ nghề) và hai hệ thống trường trung cấp (trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề), nếu hệ thống các trường CĐ đều giao cho Bộ ĐTB&XH quản lý thì chất lượng đào tạo đối với các trường CĐ Y, CĐ Sư phạm…sẽ ra sao?
Nhìn tổng thể, chúng ta không khó để hình dung sự phân cấp trong công tác quản lý các hệ thống giáo dục từ mầm non lên ĐH ở nước ta hiện nay.
Cụ thể, từ mầm non đến giáo dục phổ thông thuộc sự quản lý của Bộ GD&ĐT; từ hệ trung cấp đến CĐ lại thuộc Bộ LĐTB&XH; rồi từ giáo dục ĐH, sau ĐH lại tiếp tục giao về Bộ GD&ĐT.
Một chuyên gia từng nhận định, nếu tách bộ phận GDNN ra khỏi hệ thống giáo dục để làm quy hoạch riêng sẽ khó khả thi. Bởi lẽ GDNN chịu ảnh hưởng của yếu tố đầu vào là học sinh phổ thông, cần phải được dự báo và quy hoạch bởi một cơ quan đầu mối để “dựng” quy hoạch tổng thể.
Khi hai Bộ chia nhau quản lý nhà nước các hệ thống nối tiếp xen kẽ vốn đòi hỏi phải có tính liên thông, thì rốt cuộc chịu thiệt thòi vô lý nhất chính là người học.
Không có sự liên tục trong quản lý, ai sẽ là người thừa nhận giáo dục phổ thông đi lên giáo dục nghề nghiệp, giáo dục nghề nghiệp đi lên ĐH?.
Những bất cập trên không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới người học mà còn gây thêm nhiều hệ lụy khác, trước mắt là sự chồng chéo trong quản lý, lâu dài là những tổn thương không tránh khỏi với chính hệ thống GD-ĐT.
Ảnh minh họa từ Internet |
Cũng chính vì sự chưa rõ ràng trong việc phân định cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực GDNN nên một số ý kiến cho rằng, việc quản lý vẫn giữ nguyên trạng như hiện nay. Nghĩa là trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp tạm thời tiếp tục thuộc quản lý của Bộ GD&ĐT; CĐ nghề, trung cấp nghề thuộc quản lý của Bộ LĐ&TB&XH.
Tuy nhiên, hiện nay do chưa có sự phân công trách nhiệm rõ ràng nên cả hai Bộ vẫn đang làm trọn phần việc của mình. Bộ LĐTB&XH thì dự thảo thông tư “Quy định về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền thành lập, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia tách, giải thể, đổi tên, thay đổi địa điểm đào tạo đối với trường CĐ, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và phân hiệu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.
Trong khi đó, Bộ GD&ĐT cũng đang đưa ra lấy ý kiến cho dự thảo thông tư có tên “Quy định điều kiện, hồ sơ và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia tách, giải thể trường CĐ”.
Có thể nói, cả hai dự thảo trên có phạm vi và đối tượng điều chỉnh na ná nhau nhưng thẩm quyền quản lý lại là hai chủ thể hoàn toàn khác nhau.
“Đúng là vấn đề này đang có sự chồng chéo, hai Bộ sẽ ngồi lại với nhau, tham chiếu đến Luật GDNN để cùng xây dựng Thông tư tuân thủ Luật GDNN. Còn việc quản lý nhà nước về GDNN sẽ do Chính phủ phân công sau”- ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) khẳng định.
Do nhận thấy không ít những quy định tại Luật GDNN dù chưa phát huy hiệu lực nhưng đã bộc lộ bất cập khó tránh nên mới đây, Hiệp hội các trường CĐ, trung cấp kinh tế - kỹ thuật Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi lên Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ… vừa để nêu những bất cập của hệ thống GDNN hiện nay, vừa chỉ ra những hệ lụy đau xót hơn nữa sẽ diễn ra trong tương lai nếu GDNN vẫn cứ dùng dằng trong thiết kế sai về cơ quan quản lý nhà nước.
Nếu cứ dùng dằng, hệ thống GDNN sẽ vô cùng khổ sở trong sự phân chia quản lý từ cấp trung ương đến địa phương. Các trường đào tạo nghề sẽ không biết theo ai, Bộ GD&ĐT hay Bộ LĐTB&XH? Như vậy sẽ khó tránh khỏi tình trạng “một cổ nhiều tròng”../.