Năm 2015, Iran đạt được thỏa thuận với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA). Trong nội dung của thỏa thuận này có các điều khoản quy định Liên Hợp quốc dỡ bỏ những biện pháp chính sách trừng phạt Iran nếu Iran tuân thủ nghiêm chỉnh JCPOA và Liên Hợp quốc chấm dứt biện pháp cấm vận vũ khí đối với Iran vào ngày 18/10/2020. JCPOA sau đó được Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc chính thức phê chuẩn và có hiệu lực như luật pháp quốc tế. Có thể hiểu một cách đơn giản là những quy định trong JCPOA có tính ràng buộc đối với các bên tham gia ký kết như luật pháp quốc tế.
Nếu như tất cả các bên tham gia ký kết JCPOA đều tuân thủ đầy đủ và thực thi nghiêm chỉnh các điều khoản trong thoả thuận thì ở đây chỉ có chuyện luật. Luật đã quy định như vậy và các bên đều chấp nhận trách nhiệm pháp lý của họ thì luật có hiệu lực trên thực tế và chế tài hành vi của các bên liên quan.
Trên thực tế, việc thực hiện JCPOA lại không được thuận buồn xuôi gió. Vấn đề mới xuất hiện khi phía Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA và áp dụng trở lại những biện pháp chính sách trừng phạt Iran như ở thời trước khi có JCPOA. Mỹ tuyên bố không còn ràng buộc gì nữa vào các điều khoản của JCPOA, tức là không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nữa trước những cam kết của Mỹ trong thỏa thuận này. Tham gia hay không tham gia, tiếp tục tham gia hay không tham gia nữa vào các thỏa thuận đa phương quốc tế là quyền quyết định riêng của các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc.
Nhưng trong luật pháp quốc tế, quyền lợi và trách nhiệm luôn đi cùng với nhau như hình với bóng. Theo luật, phía Mỹ có những quyền lợi và quyền hạn nhất định liên quan đến JCPOA nếu thực thi đầy đủ trách nhiệm với JCPOA. Cũng vì thế mà theo luật thì một khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA thì cũng có nghĩa là Mỹ tự từ bỏ những quyền lợi và quyền hạn có được từ JCPOA.
Nhưng phía Mỹ đã tạo ra cho mình một cái lệ riêng là dù đã đơn phương rút khỏi JCPOA vẫn đòi quyền lợi và quyền hạn đầy đủ của một bên tham gia JCPOA. Mỹ viện dẫn quy định trong thỏa thuận này cho phép các bên tham gia ký kết yêu cầu Liên Hợp quốc áp dụng lại mọi biện pháp trừng phạt Iran như trước đây và gia hạn hiệu lực của nghị quyết của HĐBA Liên Hợp quốc về cấm vận vũ khí đối với Iran.
Cho dù đã nỗ lực như thế nào thì Mỹ cũng đã bị thất bại trong cả hai chuyện ấy. Liên Hợp quốc đã không để cho luật chung bị lụy lệ riêng trong chuyện này. Trên thực tế, Mỹ đơn phương rút ra khỏi JCPOA nhưng thoả thuận này vẫn tồn tại và vẫn được các bên khác tham gia ký kết tiếp tục thực thi. Liên Hợp quốc không áp dụng trở lại những biện pháp chính sách trừng phạt Iran như ở thời trước khi có JCPOA và Liên Hợp quốc cũng không gia hạn hiệu lực của nghị quyết về cấm vận vũ khí đối với Iran.
Chuyện này đáng được chú ý về luật pháp quốc tế vì nó phản ánh cuộc so găng giữa luật pháp quốc tế và mưu tính lợi ích chính trị riêng của quốc gia. Câu trả lời cho những câu hỏi như ai thắng ai, ai lấn lướt ai, ai chi phối hay dẫn dắt ai... giữa luật pháp quốc gia và luật pháp quốc tế tác động mạnh mẽ và sâu sắc tới cục diện quan hệ quốc tế trong thế giới hiện đại.
Chuyện luật lệ này cũng hàm chứa một phần bản chất của mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Hợp quốc. Luật pháp quốc tế mà để cho luật pháp quốc gia, lợi ích quốc gia hay chính trị quốc gia lấn át hay chi phối thì đâu còn giữ được giá trị và vai trò bẩm sinh được hợp pháp hóa bởi chính sứ mệnh lịch sử của nó nữa.