Những giải pháp đột phá trong Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) được hy vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, theo hướng đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia nhiều hơn nữa vào thị trường, tạo ra các bước đột phá mới, bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.
Vì thế, tuy đánh giá cao những sửa đổi cơ bản các cơ chế quản lý đầu tư, giảm thiểu các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động đầu tư kinh doanh nhưng khi thảo luận về Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) sáng qua (23/6), nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐB) vẫn băn khoăn về một số nguy cơ gây cản trở đáng kể cho quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư đang tiểm ẩn trong Dự thảo Luật này.
Đem lại sự thông thoáng thực chất
Theo một số ĐB, do được “tiếp cận theo tinh thần cũ” nên có nhiều quyền vốn có của nhà đầu tư cũng được Dự thảo Luật đem ra qui định một cách không cần thiết. Trong đó, các qui định về ngành nghề, địa bàn đầu tư trong Dự thảo Luật “vấp” phải nhiều ý kiến chưa đồng tình vì cho rằng quy định của Dự thảo Luật còn quá chung chung, không rõ địa bàn được ưu đãi đầu tư; ngành, nghề đầu tư có điều kiện và ngành, nghề bị cấm đầu tư. Như vậy, sẽ gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi thực hiện Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng: “Để thực hiện nguyên tắc nhà đầu tư có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết theo Hiến pháp mới và tạo sự minh bạch trong thực thi, cần rà soát để quy định chi tiết địa bàn ưu đãi đầu tư, ngành, nghề đầu tư có điều kiện và ngành, nghề cấm đầu tư ngay trong Luật”.
Tiếp cận vấn đề quyền tự do kinh doanh trong Dự thảo Luật, ĐB Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) vẫn băn khoăn với nhóm có quy định liên quan tới hoạt động của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án đầu tư. “Nghe thì hay nhưng Dự thảo thực chất lại hạn chế quyền của nhà đầu tư khi qui định những việc nhà đầu tư được làm, nên phải bỏ những qui định này” - lời của ĐB Vũ Tiến Lộc.
Cùng với đó, trên thực tế thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là thủ tục gây phiền hà nhất cho các nhà đầu tư bởi thực tiễn đầu tư thường khác nhiều so với dự kiến ban đầu. Vì vậy, ĐB Vũ Tiến Lộc đề nghị chỉ quy định khi dự án đầu tư thay đổi các nội dung đã được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì mới phải làm thủ tục thay đổi và thủ tục này sẽ được cơ quan quản lý nhà nước thực hiện một cách tự động.
“Luật Đầu tư có thể trở thành điểm tựa pháp lý vững chắc để các nhà đầu tư an tâm đầu tư kinh doanh chuyên tâm vào các tính toán kinh doanh mà không phải bận lòng đối phó với các thủ tục hành chính phiền hà, không làm nản chí kinh doanh của họ, đặc biệt trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn và thách thức như hiện nay” – Chủ tịch VCCI nói thay “nỗi lòng” DN.
Quản lý “dòng vốn”, không quản “ông chủ”
Đó là ý kiến của ĐB Trần Du Lịch, một chuyên gia kinh tế, về Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi). Với vai trò điều chỉnh hoạt động thị trường đầu tư, kinh doanh, Dự thảo Luật này phải tiếp cận hoạt động kinh doanh theo khía cạnh là vốn” chứ không phải tiếp cận ở khía cạnh là chủ thể kinh doanh như Luật Doanh nghiệp.
Như vậy, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) phải đưa ra điều kiện là quản lý hai dòng vốn đầu tư: đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và trong nước đầu tư ra ngoài. Hiện nay trên thực tế, rất nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng đa số nhà đầu tư không “ôm” tiền từ nước ngoài “đổ” vào thị trường Việt Nam, nhất là thị trường bất động sản, mà chỉ lấy “mỡ nó rán nó”, chính là lấy luôn nguồn lực trong nước của ta để đầu tư và họ thu lợi nhuận.
ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh: “Nếu ta không quản “dòng vốn” mà đi quản “ông chủ” của dòng vốn đó là không đúng”. Bên cạnh đó, việc quản lý dòng vốn đầu tư còn quan trọng là do “đầu tư nước ngoài vào nước ta về bản chất là nợ quốc gia, vì phần lợi tức quốc gia sẽ phải chia sẻ cho nước ngoài thông qua lợi nhuận của các dự án đầu tư lớn hơn là phần vốn nước ngoài đưa vào”.
Bản thân là một doanh nhân, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (TP.Hà Nội) bày tỏ hy vọng việc sửa đổi Luật Đầu tư cùng với Luật Doanh nghiệp sẽ tiếp tục khơi nguồn cho các dòng chảy đầu tư mới của doanh nghiệp trong và ngoài nước vào Việt Nam nên đề nghị “thiết kế được một quy trình đầu tư thống nhất, có xét đến lĩnh vực hoạt động của nhà đầu tư quy định một cơ chế hậu kiểm, cơ chế phối hợp giữa cơ quan chức năng trong việc xác nhận ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư để việc cải cách thủ tục hành chính mang giá trị thực tiễn sâu sắc hơn nữa cho môi trường đầu tư”.
Theo ĐB Hường, trên thực tế với cơ chế hậu kiểm, rất nhiều doanh nghiệp đã liên tục được tiếp và làm việc với các cơ quan chức năng đến thực hiện chức trách quản lý ngành của mình và điều này gây ra khá nhiều bất tiện cho nhà đầu tư, nhất là trong thời gian đầu khi họ phải tập trung sức lực để triển khai dự án.