Luật Các tổ chức tín dụng 2024: Hạn chế việc lạm dụng, thao túng từ cổ đông lớn

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại cuộc họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về công bố Luật mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn đã thông tin về một số điểm mới đáng chú ý của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2024. Theo đó, Luật bổ sung các quy định để bảo đảm quyền của cổ đông thiểu số; luật hóa và bổ sung tại Luật một số quy định về vốn và sử dụng vốn của TCTD, nguyên tắc ghi nhận doanh thu, chi phí...

Luật mới cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện người quản lý, điều hành; nâng cao tính độc lập, vai trò của thành viên Hội đồng quản trị độc lập; thành viên Ban kiểm soát; tăng số lượng tối thiểu thành viên Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại, tăng cường trách nhiệm của Ban kiểm soát TCTD; bổ sung các quy định tăng cường vai trò của ngân hàng hợp tác xã trong việc hỗ trợ quỹ tín dụng nhân dân...

Bên cạnh đó, Luật đã hoàn thiện các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại TCTD và xử lý TCTD yếu kém. Luật Các TCTD 2024 cũng thay đổi về cách tiếp cận đối với can thiệp sớm TCTD phù hợp với thông lệ quốc tế. Trên cơ sở kế thừa Luật hiện hành, Luật Các TCTD 2024 đã quy định về kiểm soát đặc biệt và các phương án cơ cấu lại TCTD bao gồm phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, phương án chuyển giao bắt buộc, phương án giải thể… Việc xây dựng, thực hiện các phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt cũng đã được điều chỉnh để xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh thời gian qua…

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề Luật giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức, của nhóm cổ đông và người có liên quan; quy định lộ trình 5 năm giảm dần giới hạn cấp tín dụng; sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm người có liên quan…, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, mục tiêu xuyên suốt khi xây dựng Luật là hạn chế việc lạm dụng, thao túng hoạt động của các TCTD từ cổ đông lớn và nhóm cổ đông lớn. Quá trình cụ thể hóa nguyên tắc này được cơ quan soạn thảo thể hiện qua nhiều quy định. Bên cạnh mục tiêu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, mục tiêu trung gian là đại chúng hóa hoạt động của TCTD. Vì vậy, Luật cũng mở rộng khái niệm “người có liên quan” trong xác định sở hữu cổ phần chính thông qua “mối quan hệ về lợi ích” hoặc hoạt động sở hữu, quản trị điều hành nhằm tránh việc chi phối việc cấp tín dụng.

Luật mới cũng yêu cầu phải công khai họ tên cá nhân, tổ chức là cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ cùng người có liên quan lên website ngân hàng. Định kỳ hàng năm, TCTD công bố những thông tin này với Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên, Hội đồng thành viên của TCTD. Ông Đoàn Thái Sơn khẳng định, các quy định mới như trên tạo ra kênh giám sát từ công chúng, trong đó có cả phương tiện truyền thông với người chủ sở hữu cũng như người quản trị điều hành của TCTD.

Nói thêm về các biện pháp minh bạch hóa hoạt động của ngân hàng, ông Sơn cho biết, Luật tập trung nâng cao chuẩn quản trị điều hành; hạn chế việc tham gia quản trị điều hành của người liên quan. Luật mới cũng giới hạn việc cấp tín dụng tối đa cho khách hàng theo lộ trình 5 năm và giảm dần.

Theo Phó Thống đốc, việc siết chặt các quy định tại Luật mới chỉ là biện pháp về kỹ thuật, quan trọng nhất vẫn là khâu tổ chức thực hiện. “Quá trình triển khai có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan để các quy định được thực hiện nghiêm trong thực tiễn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm”, ông Sơn chia sẻ.

Đọc thêm

Những quy định pháp luật phụ nữ cần biết để bảo vệ mình

Những quy định pháp luật phụ nữ cần biết để bảo vệ mình
(PLVN) - Trong xã hội hiện đại, pháp luật là công cụ quan trọng để bảo vệ quyền lợi cho mọi công dân, đặc biệt là phụ nữ. Dù các quyền cơ bản đã được công nhận, phụ nữ vẫn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện quyền này. Hiểu biết về pháp luật giúp phụ nữ tự bảo vệ và đấu tranh vì quyền lợi của mình.

Nhiều điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo

Ảnh minh họa
(PLVN) - Tăng lương, tăng phụ cấp, giảm tuổi nghỉ hưu, chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo... là một số điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 15.

Phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư cao nhất là 5.200 đồng/xe.km

Phí sử dụng đường bộ cao tốc từ 900 đồng/xe.km đến 5.200 đồng/xe.km. (Ảnh: Hồng Thương)
(PLVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 130/2024/NĐ-CP quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.Theo đó, có 5 nhóm đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, với mức thu thấp nhất 900 đồng/xe.km và cao nhất là 5.200 đồng/xe.km.