Bị cáo Hạnh và Thuật tại tòa |
Theo cáo trạng, sáng 28/1/2018, tại Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ An ninh, Tổng cục An ninh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Cơ quan ANĐT (Bộ Công an) bắt quả tang Nguyễn Văn Thuật (SN 1972, Giám đốc Cty Đông Dương) và Nguyễn Thị Hạnh (SN 1983, giảng viên ĐH Tài nguyên Môi trường) đang tổ chức thi cấp chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ (theo khung năng lực 6 bậc) cho 142 thí sinh. Theo khai nhận của Hạnh thì việc thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ này do Hạnh và Thuật phối hợp tổ chức nhưng mạo danh Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Kết quả điều tra làm rõ, khoảng tháng 9/2017, do được Hạnh giới thiệu là cán bộ Trường ĐH Ngoại ngữ nên Thuật đặt vấn đề nhờ Hạnh xin cho Cty Đông Dương liên kết với Trường ĐH Ngoại ngữ để tuyển sinh, thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu.
Hạnh nói thời điểm này việc liên kết rất khó khăn do Bộ GD&ĐT có chủ trương cấm các hoạt động liên kết giữa các trường ĐH có đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thi cấp chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ.
Đến ngày 2/1/2018, Hạnh chuyển cho Thuật văn bản giả mạo Trường ĐH Ngoại ngữ gửi Cty Đông Dương có nội dung: “Trường ĐH Ngoại ngữ nhất trí phối hợp xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cũng như tổ chức thi cấp chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu”.
Thuật biết rõ văn bản này chưa đủ cơ sở pháp lý để tổ chức tuyển sinh, thu tiền của các thí sinh và tổ chức kỳ thi cấp chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ nhưng sử dụng tài khoản zalo để gửi bản chụp công văn này cho một số cá nhân, tổ chức để giới thiệu việc Cty Đông Đương đã hợp tác được với Trường ĐH Ngoại ngữ về việc tổ chức tuyển sinh, ôn tập và thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh theo khung tham chiếu châu Âu các trình độ; Giấy chứng nhận sẽ do Trường ĐH Ngoại ngữ cấp.
Thuật đưa ra mức lệ phí đối với từng trình độ (từ 2, 8 triệu đến 14 triệu đồng) rồi tự định ra các ngày ôn tập và thi. Sau đó, có 5 tổ chức, cá nhân do tin tưởng vào lời giới thiệu, thông báo của Thuật nên đã tiếp tục giới thiệu và nhận hồ sơ, tiền của nhiều cá nhân khác để nộp cho Thuật nhằm mục đích hưởng tiền chênh lệch.
Thuật đã nhận từ 5 đầu mối hồ sơ của 142 thí sinh với tổng số tiền hơn 560 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, Thuật đưa cho Hạnh 350 triệu đồng. Để tổ chức thi, cấp chứng chỉ cho 142 thí sinh, Thuật thực hiện việc thuê địa điểm tổ chức ôn thi, thuê giám thị coi thi. Hạnh thì chuẩn bị đề ôn tập, đáp án ôn tập, đề thi, các thẻ Chủ tịch Hội đồng thi, giám thị… và sẽ lo Giấy chứng nhận đánh giá năng lực ngoại ngữ cấp cho các thí sinh…
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, CQĐT còn xác định Hạnh còn nhiều lần lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua việc tổ chức các cuộc thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ; thu tiền để tổ chức thi, ôn thi cho một số cá nhân.
Cụ thể, từ khoảng tháng 8/2017 – 10/2017, Hạnh đã cung cấp thông tin gian dối về việc bản thân là giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ có thể giúp các thí sinh thi để được cấp Giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh trình độ C1 do Trường ĐH Ngoại ngữ cấp. Tin tưởng, 5 giáo viên đã nộp hồ sơ, tiền cho Hạnh. Nhận gần 70 triệu đồng, ngày 22/9/2017, Hạnh đã tổ chức cho các giáo viên thi tại Trường ĐH Ngoại ngữ. Sau thi khoảng 2 tuần, Hạnh trả Giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh trình độ C cho bị hại.
HĐXX xác định Hạnh phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt gần 680 triệu của 150 bị hại nên tuyên phạt bị cáo này 12 năm tù. Còn Thuật bị HĐXX coi là đồng phạm với Hạnh trong việc chiếm đoạt 560 triệu đồng của 142 bị hại nên tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù.