Thời gian gầy đây, tình trạng lừa đảo thông qua hình thức buôn bán qua mạng đang rộ lên hơn bao giờ hết. Tuy nhiên,có nhiều lý do để nhiều kẻ lừa đảo vẫn lộng hành, tình trạng lừa đảo vẫn tồn tại, tiếp diễn mà chưa bị xử lý.
Hình minh họa |
Đông đảo “thượng đế” bị lừa vì công ty… ma
Anh Văn Quang T., từ thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đến tòa soạn PLVN để thông tin về việc anh mới trở thành nạn nhân của một “công ty” chuyên bán hàng qua mạng có trụ sở tại TP.HCM. Theo anh Quang T. trình bày, tại website của Công ty di động giá rẻ, địa chỉ: http://didonggiare.us/, có đăng giảm giá bán của rất nhiều loại điện thoại đắt tiền. Anh T. và người bạn đã đặt mua hai chiếc điện thoại Samsung Galaxy S3, giá gốc là 14 triệu, giá đã giảm là 6 triệu đồng.
Sau khi liên hệ với số điện thoại của nhân viên công ty được đăng trên website với tên “chị Hoàng”, anh T. được yêu cầu chuyển 50% số tiền vào tài khoản, hai chiếc điện thoại sẽ được gửi về địa chỉ của anh . Sau ba tiếng đồng hồ. Anh T. đã làm theo yêu cầu, tức chuyển 6 triệu đồng vào tài khoản của “Giám đốc” Nguyễn Thành Vinh vào sáng ngày 15/8, nhưng chờ đến cuối giờ chiều chưa thấy điện thoại.
Sau đó, người tên Hoàng gọi vào máy anh cho biết “hàng gửi chậm do có trục trặc” và yêu cầu anh chuyển hết số tiền còn lại vào tài khoản. Sau đó người này còn nhiều lần gọi lại hối thúc. Sinh nghi, anh ra chi nhánh ngân hàng Agribank tại Bình Phước hỏi về chủ tài khoản đã gửi tiền, thì nhân viên Agribank chỉ cho biết đó là tài khoản được đăng kí tại… Quảng Ngãi.
Anh T. và bạn đã lặn lội xuống TP.HCM, đến địa chỉ của công ty Di động giá rẻ thì ngã ngửa vì tọa lạc trên địa chỉ đã đăng trên website (số 529 Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình) là một… tiệm ăn.Hai anh được cho biết, suốt một tháng nay liên tục có nhiều người bị lừa đến hỏi thăm. Anh T. đến công an phường 10 để tố cáo thì bị từ chối vì “trên thực tế công ty trên không đăng kí trụ sở tại phường này”.
Người viết đã tìm hiểu và thấy trang web công ty trên hiện vẫn hoạt động bình thường với rất nhiều mẫu điện thoại được rao giảm giá trên 50%. Liên lạc với nhân viên tên Hoàng (tự xưng phụ trách bán hàng khu vực TP.HCM) để mua điện thoại Iphone 4 với giá 4 triệu 200, người viết cũng được yêu cầu chuyển 50% số tiền vào tài khoản đã nói trên. Như vậy nghĩa là còn rất nhiều người đang và sẽ tiếp tục bị lừa bởi “công ty Di động giá rẻ”, và khi thiệt hại thì không biết đi đâu để tố cáo, với một địa chỉ website giữa hàng triệu triệu địa chỉ trên mạng internet mênh mông.
Dùng chiêu giá rẻ “lừa” khách hàng
Không chỉ những “công ty ma” lập nên chuyên để lừa đảo, ngay cả những công ty có tư cách pháp nhân hẳn hoi, đang hoạt động mạnh trên thị trường cũng áp dụng những chiêu trò lừa đảo để lấy tiền khách hàng một cách trắng trợn. Chị T.T.N.M, ngụ Tân Bình, TP.HCM cho biết, chị đặt mua hai cây son Pierre Cardin trên dịch vụ của công ty Nhóm mua, với giá từ 300 ngàn giảm xuống còn 200 ngàn đồng.
Sau khi nhận voucher mua hàng và thanh toán tiền, chị cầm voucher đến 2 địa chỉ được Nhóm mua cung cấp trên voucher là số 176 Trần Quốc Thảo và số 72B Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1. Tuy nhiên, cửa hàng thứ nhất là một shop quần áo không hề biết gì về dịch vụ của Nhóm mua, cửa hàng ở Đinh Tiên Hoàng đúng là của Pier Cardin nhưng đã đóng cửa nghỉ làm hơn một tháng. Chị M. liên lạc đến bộ phận khách hàng thì máy bận liên tục. Cho đến lúc voucher hết hạn sử dụng chị vẫn chưa liên lạc được với bên Nhóm mua.
Phổ biến nhất hiện nay, những kẻ chuyên lừa đảo bán hàng qua mạng thường dùng chiêu “giá rẻ, hạ giá”, hàng độc, xách tay từ nước ngoài… để đánh vào tâm lý của khách hàng. Chị Trần N. Q, Tr, ngụ quận Phú Nhuận cho biết: “Tôi mua một đôi giày hiệu Guci của một người chuyên kinh doanh giày online trên website Én bạc. Đôi giày được quảng cáo là hàng xách tay, hình chụp trên mạng rất đẹp, liên lạc với người bán, tôi được cam kết giày mới, đẹp và là hàng hiệu không khác trong hình. Sau khi thanh toán số tiền, tôi nhận đôi giày và “tá hỏa” khi thấy giày đã cũ, da sờn nhiều chỗ, chỉ may bung sút lung tung thua hàng thủ công trong nước. Tôi có liên hệ yêu cầu trả hàng thì được cho biết “hàng đã mua không cho đổi trả. Hiện đôi giày này tôi vẫn bỏ xó vì không thể nào xài được”.
Tương tự, một bạn sinh viên tên Tr. Q. L ở TP.HCM kể về trường hợp của mình: “Em thích đôi giày hiệu Converse đã lâu nhưng giá đắt quá chưa mua được. Tình cờ vào một website chuyên bán hàng online em thấy giá chỉ chưa đầy 2 triệu, rẻ hơn trên thị trường gần 1 triệu đồng. Liên lạc với số điện thoại anh bán hàng (0922876374), em được yêu cầu gửi 50% tiền vào tài khoản, nửa ngày sau nhận hàng. Sau khi chuyển tiền ba ngày mà chưa thấy giày gửi đến, em liên lạc người bán nhiều lần, vẫn nhận câu trả lời giống nhau là hàng đang về. Khi em hỏi: Bên anh lừa đảo hả, thì người bán trả lời: Đúng rồi. Và cúp máy. Đến nay em thấy thông tin bán hàng vẫn đăng trên mạng, số điện thoại hoạt động bình thường, nghĩa là nhiều người tiếp tục bị lừa như em”.
Có thể thấy, bán hàng qua mạng hiện nay đang trở thành “mảnh đất béo bở” cho những kẻ lừa đảo và những công ty làm ăn không chân chính, thiếu uy tín. Mẫu số chung của các trường hợp bị lừa thường là đánh vào tâm lý giá rẻ, lừa người mua chuyển tiền rồi không giao hàng, hoặc giao sản phẩm kém chất lượng chênh lệch nhiều với sản phẩm cam kết. Tuy nhiên, cam kết cũng chỉ là cam kết miệng, hầu hết những kẻ lừa đảo đều chỉ liên lạc thông qua điện thoại, không đăng kí tư cách pháp nhân, manh mối duy nhất là tài khoản ngân hàng.
Với số tiền không quá lớn, hầu hết người bị lừa chỉ biết phản ứng bằng cách chia sẻ trên các trang mạng, hoặc im lặng vì xấu hổ bị lừa chứ không muốn tố cáo, và cũng không biết tố cáo ai, tố cáo ở đâu. Chính vì thế, mua bán qua mạng vẫn rất sôi động, bất chấp bên trong nó số nạn nhân của các vụ lừa đảo ngày càng nhiều…
Đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: Nếu lừa người tiêu dùng chiếm đoạt giá trị tài sản từ 2 triệu đồng trở lên thì có thể bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (điều 139 BLHS), còn nếu giao hàng kém chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị khởi tố về tội lừa dối khách hàng (điều 162 BLHS).
Tuy nhiên, theo Luật sư Hiệp , để truy tìm thông tin kẻ lừa đảo đôi khi rất khó khăn bởi kẻ lừa đảo ngày càng có những thủ đoạn tinh vi hơn, biết dấu thông tin để tránh chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trong trường hợp cụ thể của anh Quang T. ở Bình Phước, nếu suy luận thì có thể thấy chủ tài khoản là đồng phạm với những kẻ lừa đảo bằng hình thức bán điện thoại giảm giá qua mạng.
Nhưng để chứng minh điều này đôi khi không dễ dàng, vì thế khi giao dịch điện tử , người tiêu dùng nên cẩn thận. Nên chọn những công ty có uy tín và thông tin rõ ràng; có thể thỏa thuận giá cả qua mạng và xem hàng thực tế trước khi trả tiền hoặc có thể yêu cầu nhận hàng mới trả tiền để, nói cách khác là đừng "nắm đằng chuôi", tránh rủi ro “tiền mất tật mang”.
Còn Luật sư Nguyễn Thanh Lương, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre cho biết: Qua nội dung phản ánh trên cho thấy số tiền chiếm đoạt của từng cá nhân tuy không lớn, nhưng hành vi vi phạm thường xuyên và xảy ra liên tục với nhiều khách hàng đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự qui định tại các Điều 139: “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Điều 162: “Tội lừa dối khách hàng”… Xét về thẩm quyền, người bị xâm hại có quyền gửi đơn tố cáo đến cơ quan Công an nơi khách hàng đã giao nhận tiền hàng hoặc nơi đã nộp tiền vào tài khoản cho đối tượng. Ngoài ra, tùy từng trường hợp mà cơ quan Công an nơi đối tượng đăng ký mở tài khoản hoặc nơi địa chỉ đăng ký trên Website sẽ thụ lý nhận đơn tố cáo…
Ngọc Mai