Tại Phiên họp trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 diễn ra vào sáng 11/8, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Trong đó, để hiện thực hóa các mục tiêu được đề ra, Chính phủ xác định 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu giai đoạn 2021-2025.
Thứ nhất là quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết; kiên định mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ hai là củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Thứ ba là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Thứ tư là thực hiện quyết liệt, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển kinh tế số, xã hội số. Chú trọng chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng; ưu tiên công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Thứ năm là đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước, nhất là hạ tầng kinh tế và hạ tầng văn hóa, xã hội. Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư, ưu tiên thu hút các nguồn lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng, các đô thị lớn, các ngành mũi nhọn, các công trình trọng điểm quốc gia. Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước.
Thứ sáu là thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị. Nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp; thúc đẩy mạnh mẽ phát triển liên kết vùng, nội vùng, liên vùng, có thể chế điều phối vùng, cơ chế, chính sách để phát huy vai trò động lực tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, sớm tạo ra các vùng động lực mới, cực tăng trưởng mới.
Thứ bảy là phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ tám là phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội.
Thứ chín là tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ mười là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo.
Mười một là củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế. Phát triển kinh tế-xã hội gắn liền với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Mười hai là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên trong Chính phủ và chính quyền các cấp, góp phầnxây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Cuối cùng, mười ba là huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, vừa là mục tiêu cao nhất, vừa là động lực quan trọng nhất của sự phát triển. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận, đề cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể nhân dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
“Giai đoạn 2021-2025 và đặc biệt trong những tháng còn lại của năm 2021 có những thời cơ thuận lợi nhưng còn rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi Chính phủ và các cấp, các ngành phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư trong Lời kêu gọi phòng chống đại dịch COVID-19 ‘đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa’ để đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu.