Miền quê nghèo tan hoang sau cơn lũ nhưng những nhà hảo tâm đã kịp thời sưởi ấm nhiều tấm lòng đang chất chứa nỗi niềm.
Đã nhìn thấy một cái Tết đói
Chúng tôi trở lại với vùng lũ của huyện Chương Mỹ, Hà Nội, sau gần một tuần bị lũ chia cắt. Có đến tận nơi, trò chuyện cùng bà con nơi đây, chúng tôi mới cảm nhận được hết những vất vả cùng với âu lo trĩu nặng trên khuôn mặt hốc hác của họ. Đó là những âu lo về cuộc sống sau lũ, âu lo đồng tiền, bát gạo khiến họ phải gắng “vực dậy” để tiếp tục dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau lũ vì cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Mặc dù trận vỡ đê không gây thiệt hại về người, song đã gây thiệt hại rất lớn về các tài sản của các hộ dân nơi đây. Từ những vật dụng trong nhà của hàng nghìn gia đình bị trôi theo dòng nước lũ, tới hàng trăm con lợn, hàng nghìn con gà,… đã bị chết ngập trong nước, gây thiệt hại hết sức nặng nề.
Chỉ trong vài tiếng nước lũ dâng cao, trang trại nuôi gia cầm, thủy sản của hàng chục hộ dân nơi đây đã bị tàn phá nặng nề. Nhiều gia đình bỗng chốc trở thành trắng tay chỉ sau vài giờ đồng hồ, khiến ai nấy đều rất xót xa…Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Khôi rầu rĩ kể lại: “Hôm mưa lũ, nước ngập quanh nhà, tôi bị quay cuồng đầu óc nên phải đi nằm viện mấy ngày. Gia đình tôi neo người, mẹ chồng 87 tuổi đã già yếu nên phải đem cụ đi gửi lên khu nhà cao hơn. Khi nước tràn ngập khắp vào nhà, tôi chỉ kịp vội lo nhanh chóng chuyển con trâu và ít lợn đi gửi, chứ cũng chưa kịp dọn được đồ đạc gì trong nhà nên xoong nồi cũng trôi cả theo dòng nước…”.
Cũng theo lời bà Khôi, chỉ một đêm nước lũ tràn về cuốn trôi mọi thứ đi hết, vài ba con lợn cùng một đàn gà cũng theo đó mà đi. Giờ đây, khi nước đã rút, căn nhà nhỏ của bà Khôi ngổn ngang đồ đạc, sàn nhà phủ một lớp bùn đất.
So sánh trận lụt năm 2008 với trận lụt do vỡ đê Bùi 2 vừa qua, người dân trong xã đều cho rằng trận lũ này về quá nhanh và nguy hiểm khiến hầu hết các hộ chẳng kịp trở tay. Cả xóm hỗ trợ nhau vận chuyển những vật dụng của gia đình lên vùng đất cao tránh lũ, song vẫn không thể kịp di dời hết, lợn, gà cũng vậy. So với trận lụt năm 2008, trận lụt nay năm đến nhanh và bất ngờ hơn, nước ngập sâu và lâu rút hơn, gây thiệt hại cũng nặng nề hơn rất nhiều.
Từ chiếc giường, chiếc tủ đến những chiếc bát, xoong nồi, những bao lúa đều được người dân tranh thủ chút nắng sau lũ mang ra phơi. Người dân nơi đây lo lắng điều kiện thời tiết sẽ khiến dịch bệnh bùng phát, hoặc lợn ốm dẫn đến chết. Vừa trải qua cơn bão giá, giá lợn giảm thấp kỷ lục trong nhiều năm, giờ đây lại bị cơn lũ tàn phá, người chăn nuôi lợn ở trên địa bàn huyện phải trải qua thêm những ngày quá khó khăn. Nhiều hộ chăn nuôi cho biết, nếu không có chính sách giãn nợ từ các ngân hàng, cũng như sự hỗ trợ của chính quyền, họ sẽ khó lòng khôi phục lại chuồng nuôi.
Sau cơn lũ đi qua, nhiều gia đình phải nhắm mắt “bán rẻ như cho” những con lợn, con gà vì chuồng trại ngập lụt, họ không còn nơi để tiếp tục chăn nuôi. Cùng với đó, các hộ dân lo lắng trước tình trạng “mất trắng” hoa màu, vật nuôi, để rồi sau cơn lũ cuộc sống của họ sẽ phải trang trải ra sao? Chung nỗi đau từ lũ, sau những ngày di cư khi nước rút, người dân trở về nhà chỉ nhìn thấy một màu bùn đất. Ấy vậy mà trên gương mặt những người dân vẫn nở nụ cười rạng rỡ. Họ bảo, khóc thì cũng không lấy lại được tài sản đã mất, nên cứ cười đi để cùng động viên, hỗ trợ nhau qua lúc khó khăn này.
Không may mắn như một vài hộ gia đình khác, nhà chị Hoàng Thị Hai, thôn Vạn Tiên, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ mặc dù đã một tuần trôi qua nhưng trong nhà gia đình chị vẫn ngập sâu trong nước. Chị xắn quần lội qua dòng nước vào trong nhà, vừa lội chị vừa thò tay mò xuống nước vớt lên một nắm lúa, hạt đã thối, hạt nảy mầm, chị nói: “Cho đến tới tận hôm nay, một tuần sau khi lũ đi qua chúng tôi mới không phải sống cảnh “màn trời chiếu đất”, ăn cơm ở vệ đường, tuy nhiên cuộc sống vẫn đảo lộn, khó khăn trăm bề. Cả vụ cấy mới thu hoạch được 2 tạ thóc chưa kịp phơi khô, lũ về lúa ngập hết trong nước giờ thâm đen cả rồi, chắc chỉ để cho lợn, gà ăn được thôi. Công sức cả vụ giờ không còn hạt thóc, hạt gạo để ăn nông dân chúng tôi biết sống ra sao. Năm nay, nhà tôi lại phải ăn Tết trong cảnh nghèo đói rồi”.
Nước lũ đi qua, tình người đọng lại
Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Tân Tiến, theo thống kê sơ bộ ngập lụt đã làm cô lập khoảng 1.000 hộ dân, hàng trăm hécta hoa màu, thủy sản mất trắng, hàng vạn con gia cầm, gia súc bị chết. Sau trận lũ, mọi thứ trở nên điêu đứng, tan hoang, cơn lũ đã nhấn chìm tài sản nhưng không thể dìm ước mơ, hi vọng của bà con. Chính trong những ngày khốn khó ấy, người ta thấy ấm lòng bởi những hình ảnh “nhường cơm sẻ áo”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” của bà con chòm xóm. Giữa biển nước mênh mông, những người hàng xóm vẫn gọi hỏi thăm, động viên nhau cố gắng chờ nước rút rồi lại giúp nhau dọn dẹp nhà cửa, chia nhau từng bát gạo chưa bị ngâm nước lũ. Với họ, trong lũ tình cảm gia đình, làng xóm mới thấy đáng quý, đáng trân trọng.
Cô Trịnh Thị Hoan người dân thôn Vạn Tiên, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ là một minh chứng cho nghĩa cử cao đẹp đó: “Lũ về nhà tôi kịp chạy đưa lợn đi gửi nên chỉ chết mất vài con. Năm nay nhà tôi làm được ngôi nhà tầng nên những hôm lũ về cả nhà ở trên tầng. Từ hôm nghe tin báo bão gia đình tôi đã chuẩn bị sẵn lượng nước sạch dự trữ trong hai chiếc bể to nên lũ về vẫn đảm bảo đủ nước sạch để dùng. Tôi cho cả hàng xóm bên cạnh dùng chung nguồn nước sạch. Những bình nước được chính quyền cấp cho mỗi hộ gia đình, gia đình tôi cũng nhường cho những hộ cần nước hơn mình. Nếu sau này Nhà nước có chính sách hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại trong lũ, dựa trên cơ sở nguồn lực kinh tế để hỗ trợ thì tôi cũng sẵn lòng nhường cho các hộ khác khó khăn hơn mình. Cùng khó khăn cả, phải san sẻ với nhau cháu ạ”.
Sau trận mưa lũ, đã có rất nhiều nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ người dân vùng lũ, những chuyến xe cứu trợ từ mọi miền đất nước, từ những người, những nơi mà cuộc sống không mấy dư giả nhưng vẫn may mắn hơn bà con nơi đây. Biết bao tấm lòng đã tìm đến đồng bào bị lũ, hỗ trợ về vật chất, động viên tinh thần, sẻ chia những khó khăn với đồng bào vùng lũ. Những gói quà dù ít hay nhiều, giá trị lớn nhỏ thì cũng đã làm ấm lên tình người trong mưa lũ, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Giữa ngổn ngang bộn bề của vùng lũ, những gói mỳ tình nghĩa đã làm ấm lòng người dân vùng lũ với tinh thần một tấm lòng trao đi, một tình người ở lại. Những món quà đã kịp thời làm vơi đi những mất mát, đau thương do thiên tai gây ra. Để rồi, mai đây nắng sẽ lên, lũ trẻ lại đến trường, những vụ mùa bội thu, ấm no sẽ lại trở lại với bà con vùng lũ ở ngoại thành Hà Nội…