Các đối tượng “thổ phỉ” than phải đi qua bốn trạm gác. Vậy nhưng chỉ có các cán bộ ở trạm gác sau cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ba trạm gác còn lại... bình yên vô sự. Đối tượng "đầu trò" và cũng là đầu ra để tiêu thụ than “thổ phỉ” vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật vì... “chưa rõ lai lịch, địa chỉ”.
Hám tiền mờ mắt
Theo cáo trạng, Tạ Văn Sanh (50 tuổi, ở phường Hà Phong, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) có người em nhận (em kết nghĩa) tên là Kiên (cơ quan chức năng đến nay vẫn chưa xác định được lai lịch của Kiên).
Các bị cáo tại tòa phúc thẩm.
Biết Sanh có quen biết với một số quản đốc và bảo vệ tại Công ty CP than Hà Tu (Cty than Hà Tu), Kiên đã bàn với Sanh để móc nối với các cán bộ này, cho phương tiện vào xúc trộm than. Hám lợi, Sanh đã chủ động mời Nguyễn Tài Dương (32 tuổi, là Đốc công phòng Bảo vệ Quân sự - Cty than Hà Tu) cùng Đỗ Ngọc Thành (31 tuổi, là Quản đốc Vỉa 1 Bù Lù - vỉa than thuộc phường Hà Phong, TP.Hạ Long) đi ăn trưa. Sanh đặt vấn đề với Thành cho lấy than tại Vỉa 1, Thành đồng ý với điều kiện mỗi tấn than giá 200.000 đồng.
Sau đó, Thành tìm gặp Trương Tất Trình (47 tuổi), Trần Tất Bình (47 tuổi), Đặng Đình Hoà (45 tuổi) và Nguyễn Duy Kỳ (50 tuổi, đều là Phó quản đốc) để bàn bạc. Thành vào đề: “Có “đối tác” vào Vỉa 1 xúc than trong vòng 2 đến 3 ngày.
Họ đã xin ý kiến các cấp, khi nó đưa máy xúc vào, anh em không được cản. Bán than xong sẽ có tiền chia cho tất cả”. Thành đã chọn địa điểm sẽ cho các “đối tác” vào khai thác để sao cho giống tự nhiên, và tránh bị nghi ngờ rồi thông báo cho Sanh và Dương. Sau đó, Sanh đã “tự nguyện” đưa cho Thành 3 triệu đồng.
Đúng như thỏa thuận, từ đêm ngày 4 đến 6/11/2009, Sanh đã hai lần đưa phương tiện vào khu vực công trường Vỉa 1 để lấy than.
Đêm 4/11, Trình chỉ đạo Tăng Văn Trong (48 tuổi) và Hoàng Văn Lâm (45 tuổi, đều là công nhân trực ca): “Đêm nay có khách hàng vào lấy than, việc này có sự thống nhất của lãnh đạo rồi, các anh chỉ ở văn phòng”. Khi các phương tiện khai thác vào khai trường, Trình một lần nữa “nhắc nhở” Trong và Lâm: “Đã có trên lo, không phải việc của các anh”. Trong đêm này, 303 tấn than cám đã bị khai thác trộm.
Sáng 5/11, Trình giao ca cho Hòa, trong sổ bàn giao ca vẫn ghi: “Tình hình bình thường, tài nguyên đảm bảo”. Chiều cùng ngày, trước khi nhận bàn giao ca, hai nhân viên trực ca là Nguyễn Thị Vân (41 tuổi) và Lê Văn Hoà (45 tuổi) đã phát hiện khai trường Vỉa 1 có biểu hiện bị mất trộm than nên đã hỏi Kỳ. Kỳ trả lời: “Đây là việc của sếp, chúng mày không phải lo”.
Tối cùng ngày (5/11), Nguyễn Văn Hiệp (56 tuổi, Phó phòng Bảo vệ) nhận được tin báo công trường Vỉa 1 có dấu hiệu bị trộm cắp than nên đã cùng Vũ Văn Thanh (40 tuổi) và hai nhân viên bảo vệ khác đến kiểm tra lập biên bản. Nhưng Hiệp không báo cáo với lãnh đạo và cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn.
Và các đối tượng khai thác than vẫn tiếp tục đưa phương tiện vào để khai thác đến tận 5h sáng ngày 6/11. Biết có sự thông đồng móc ngoặc để cho người ngoài vào lấy than nên Kỳ, Vân và Hòa đã hai lần ngăn cản nhưng không được. Tuy vậy, ba người này không dám trái ý cáp trên nên đã không báo cáo với cơ quan chức năng.
Khi sự việc bị phát giác, sơ bộ xác định lượng than bị mất là 485 tấn (trị giá hơn 190 triệu đồng), Cty than Hà Tu đã báo cáo Công an TP.Hạ Long. Đến khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và có kết luận, nhiều nghi vấn vẫn chưa có lời giải.
Có dấu hiệu oan sai, bỏ lọt tội phạm
Mặc dù đối tượng khơi mào cho toàn bộ vụ việc này là Kiên - “em nhận” của Sanh, đã từng ở nhà Sanh và có liên lạc với một số bị cáo trong vụ án, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được lai lịch của đối tượng này.
Ngoài ra, trước khi đi qua cửa kiểm soát cuối cùng là phòng Bảo vệ để vào khai trường, các phương tiện máy xúc, ô tô đã phải qua ba trạm gác Tân Lập, trạm Trung tâm và trạm Đá Đỏ. Tuy nhiên trách nhiệm của các cá nhân trực tại ba trạm gác này vẫn chưa được cơ quan nào xem xét xử lý. Các phương tiện tham gia vào việc xúc trộm và vận chuyển than đến nay vẫn chưa xác định được.
Ngày 21/8/2010, cấp xét xử sơ thẩm dù chưa làm rõ các điểm nghi vấn nêu trên nhưng vẫn tuyên án. Các bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản” gồm có Đỗ Ngọc Thành (lĩnh 5 năm tù); Đặng Đình Hoà, Trương Tất Trình, Tạ Văn Sanh (mỗi bị cáo 4 năm tù); Nguyễn Duy Kỳ, Tăng Văn Trong (mỗi bị cáo 3 năm tù); Trần Tất Bình, Nguyễn Tài Dương (mỗi bị cáo 30 tháng tù, riêng Dương được hưởng án treo) và Hoàng Văn Lâm (2 năm tù).
Tòa còn tuyên phạt các bị cáo Lê Văn Hòa và Nguyễn Thị Vân 1 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước”; Nguyễn Văn Hiệp và Vũ Văn Thanh 15 tháng tù giam nhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Tạ Văn Thắng bị tuyên 15 tháng tù nhưng cũng được hưởng án treo về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, một nửa số bị cáo đã kháng án gồm có: Tạ Văn Sanh, Trương Tất Trình, Nguyễn Duy Kỳ, Đặng Đình Hoà, Trần Tất Bình, Tăng Văn Trong và Hoàng Văn Lâm.
Ngày 17/12/2010, tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đều cho rằng án phạt đối với mình là quá nặng. Hai bị cáo Trong và Lâm đều khẳng định họ chỉ làm theo chỉ đạo của Trình, hơn nữa nhiệm vụ của hai bị cáo này chỉ là bảo vệ khu vực văn phòng nên không thể can thiệp vào các diễn biến ngoài khai trường (thuộc quyền quản lý của Bảo vệ quân sự).
Các bị cáo này cho rằng họ không phạm tội “Tham ô tài sản” vì trước và sau đều không bàn bạc nào với các đối tượng khác về việc cho phép “khách hàng” vào khai thác, cũng không được chia bất kỳ khoản tiền nào từ việc khai thác này. Bị cáo Trong đã nhiều lần kiến nghị xin hoãn phiên toà vì vắng mặt Luật sư bào chữa cho bị cá do Luật sư không nhận được giấy triệu tập của Tòa.
Kết thúc phiên toà Phúc thẩm, HĐXX quyết định giảm hình phạt cho bị cáo Trần Tất Bình xuống còn 24 tháng tù, các bị cáo còn lại không được giảm án.
Trao đổi với PLVN, Luật sư Phạm Tiến Mạnh (Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Tiến Mạnh, bào chữa cho bị cáo Trong) nhận định: “Bị cáo Trong không nhận thức được các “đối tác” của lãnh đạo là ai. Trong vụ án, bản thân Trong cũng chưa được hưởng lợi, do vậy bị cáo Trong không phạm vào tội “Tham ô tài sản”. Ngoài ra, trước phiên tòa Phúc thẩm, Luật sư không hề nhận được thông báo hay giấy triệu tập để tham dự phiên tòa. Vẫn còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ nhưng thay hủy án và trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì các cấp xét xử lại vội vã tuyên án. Điều này đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi của các bị cáo”. |
Thủy Sinh