Học sinh toàn mang kính lão
Lớp học nằm bên bờ phá Tam Giang thuộc thôn Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Trong ngôi nhà cộng đồng được kê tạm làm lớp, những bộ bàn ghế cũ kỹ, chiếc bảng đen bạc màu, kê ngay ngắn trên tường vôi ẩm mốc. Phòng học lăn lóc những vật dụng mưu sinh trên sông nước. Là chiếc ghe nan (loại ghe được đan bằng tre nứa) kê tạm nơi hành lang. Là những phao cứu sinh chất kín một góc phòng. Cái trống làng đặt nơi cuối lớp.
Những gương mặt già nua, nhăn nheo, móm mém. Những đôi mắt đã mờ đục, hom hem. Nhiều người tóc đã lơ thơ sợi bạc. Tất cả đều cặm cụi trên trang vở, nắn nót ghi từng nét chữ.
Không như nhiều lớp xóa mù khác phải diễn ra ban đêm, lớp học ở đây bắt đầu từ 8h sáng. Sau một đêm lênh đênh trên phá mưu sinh, bạc mặt với những con sóng, ngọn gió, sáng ngày, họ lại cần mẫn đến lớp nhặt chữ. Họ là nhưng cư dân sống ở vạn đò, bên bờ con phá Tam Giang. Thời trẻ, cuộc sống khốn khó khiến những người dân mưu sinh trên phá không được đến trường. Lớn hơn chút, họ phải tất tả kiếm ăn, để con em không thất học. Cơ hội được cầm cuốn sách, cây bút đối với họ trở thành ước mơ xa vời.
Một chị trong lớp học khi được hỏi tuổi, liền giấu nụ cười ngại ngần sau trang sách. Chị bảo mình mới 13 tuổi. Cả lớp học cười rần rần. Mọi người xôn xao, “già có hột, nói 13 tuổi ai tin”. Chị chống chế, “mới học lớp 1, nói nhiều tuổi, họ cười cho”. Mọi người lại cười vang. Ai đó lên tiếng, “lớp 1 chỉ 7 tuổi thôi. Nói 13 tuổi họ cũng cười”. Đứng nơi góc lớp, thầy giáo không nhịn được cười. Thầy ra hiệu cả lớp im lặng, tiếp tục viết bài.
Anh Nguyễn Dũng (44 tuổi) khẽ khàng kể, gia đình anh có 9 anh em, nhưng hết 7 người không biết chữ. Trừ 3 người lập gia đình, theo vợ theo chồng đi xứ khác làm ăn, 4 anh em anh đều chăm chỉ đến lớp. Anh bảo, bao nhiêu năm chịu nhục là kẻ mù chữ, giờ có cơ hội xóa mù, phải cố thôi. Người đàn ông luống tuổi cho biết, trong 4 anh em đang theo học, chỉ có người em út của anh chưa lập gia đình.
“Nó mới hơn 20 tuổi. Thanh niên chưa vợ, ra ngoài không biết chữ ngại lắm. Nó quen bạn gái, nhắn cái tin trên điện thoại cũng không biết. Sử dụng điện thoại mà lưu danh bạ cũng không xong. Lúc nói chuyện, bị bạn bè chọc quê, tức lắm. Như tui già rồi còn đỡ, chứ nó trẻ, chịu sao được. Nhờ đến lớp, anh em tui đã đọc được sách báo. Ra ngoài giao tiếp, tự tin hẳn”, anh Dũng tâm sự.
Nếu 4 anh em anh Dũng, từ già đến trẻ đều ngồi chung một lớp, thì chị Lai (46 tuổi), ông Phong (60 tuổi) đều đến lớp học cả hai vợ chồng. Họ đều có điểm chung, con cái đang theo học các trường đại học. “Ngày trước, tụi hắn đi học, về cũng dạy cho tui học. Tập cho tui viết. Nhưng tụi hắn dạy răng bằng thầy cô. Buổi tối, thắp cây đèn tù mù, ngồi ghi ít chữ là muốn gấp vở, cất bút. Rứa là hắn bảo, “thôi chừ học đến chữ Ng đi”. Tui nói “học chữ ng là răng?”, hắn kêu, “ng là ng u ngu hỏi ngủ đó”. Rứa là cả nhà đi ngủ. Tui học theo con, từ khi hắn vô lớp 1, chừ hắn sắp tốt nghiệp đại học rồi mà vẫn chưa biết chữ đó”, ông Phong vừa cười vừa tâm sự.
Thầy giáo ghi mấy chữ trên bảng, cả lớp bất chợt xôn xao. Nhất là những người ngồi cuối lớp. Rồi mọi người chuyền tay nhau cái kính nhỏ. Mỗi người đeo một lúc, ngó nghiêng lên bảng. Chị Hồ Thị Thủy (50 tuổi) kể, lớp học toàn người lớn tuổi, nên mắt ai cũng yếu. Cả lớp chỉ có độc nhất một chiếc kính của thầy. Mọi người thay nhau xài ké.
“Tui cứ định vô thành phố cắt một cái kính. Nhưng đường xa, đi lại tốn kém, nên lần lữa mãi chưa đi. Đợt trước có người về thăm lớp, họ hứa sẽ mang kính về cho mọi người. Cả lớp háo hức đợi. Nhưng đã mấy năm rồi chưa thấy”, chị Thủy – lớp trưởng phân bua.
Ông Phong hồ hởi cầm sách lên khoe mình đã biết đọc. |
Phải biết chữ mới hết sống nhục
Chị Thủy, người gắn bó với lớp học hơn 4 năm nay tâm sự. Trong một lần vào viện thăm chồng bị ốm. Dù biết được tên khoa, số phòng chồng đang điều trị, nhưng vì không biết chữ, chị cứ đứng lớ ngớ ngay trước phòng chồng. Khi chị níu một cô y tá lại để hỏi thăm, lại bị cô này mắng té tát. Bảo chị có bị đui không, sao số phòng ghi sờ sờ trước mặt còn hỏi. Chị thật thà bảo mình không biết chữ, mới không đọc được. Chứ biết rồi ai hỏi làm chi. Lâu lâu ra thành phố, mỗi lần đi tìm đường, chị cũng mệt bở hơi tai.
“Ở quê chỉ đường, người ta nói rẽ trái rẽ phải, gặp cây đa, bụi tre là mình nhận dạng được. Chứ ở thành phố, người ta toàn nói tên đường, mình có đọc được mô. Có khi đến đúng địa chỉ, nhưng vì không biết đọc, phải đi kiếm người để hỏi”, chị Thủy chia sẻ.
Ở tuổi 60, ông Hoàng Phong có lẽ là người già nhất lớp. Ông bảo sống gần hết cuộc đời, đôi tay chỉ quen với việc bỏ nò, bỏ sáo. Nên việc học chữ còn khó hơn bắt con cá con tôm dưới đầm. Những ngày đầu đến lớp, tay ông cứ cứng đơ, nắn nót mãi không viết được chữ o cho tròn. Vậy mà bây giờ, ông đã biết đọc biết viết. Niềm tự hào của ông lão cứ sáng ngời trên đôi mắt già nua, mờ đục. Ông tâm sự, không biết đọc biết viết, sống cực nhục lắm. Giờ có cơ hội, ông phải theo học cho đến cùng, để còn biết ký tên mình trên giấy tờ, thay vì điểm chỉ như bao năm qua.
Anh Trần Hoàng thì háo hức khoe, bao nhiêu năm đi xe, nhưng anh chẳng có nỗi cái bằng lái. Cũng nhờ theo lớp học, biết đọc biết viết, nên anh vừa lấy được cái bằng đầu tiên trong cuộc đời mình. “Bây chừ tui có chạy xe ra khỏi làng, cũng không còn sợ nữa. Ngày trước không có bằng lái xe, cứ ngồi trên xe tui đã thấy run tay”.
Với chị Nguyễn Thị Mông, biết chữ còn có ý nghĩa khác. Chị có cửa hàng tạp hóa, buôn bán cứ bị người ta nợ mãi. Nhưng vì không biết chữ, nên không thể ghi sổ nợ. Nên bao nhiêu vốn liếng đều đi mất theo chân người nợ. Bây giờ đã biết đọc biết viết, chị sắm cho mình cuốn sổ thật đẹp để ghi hàng hóa. Với hy vọng công việc làm ăn sau này sẽ thuận buồm xuôi gió.
Thầy Hồ Quang Chính tâm sự, hơn 23 năm đứng lớp xóa mù, vui buồn nào thầy cũng đã trải qua. Thầy bảo, dạy lớp xóa mù khó lắm. Từ lời ăn, tiếng nói phải cân nhắc kỹ càng. Bởi học sinh của thầy đều lớn tuổi. Chẳng may lỡ lời, họ bỏ lớp như chơi. Những ngày đầu mở lớp, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, lớp học cứ di cư liên tục vì phải mượn nhà dân. Học dăm bữa nhà này, người ta thấy phiền không cho, thầy lại đi xin nhà khác cho lớp học. Vì vậy số học sinh cứ rơi rớt dần. Bây giờ lớp được học ở nhà cộng đồng, ổn định hơn ngày trước, nên càng có nhiều người theo học.
“Nhiều người hỏi tôi, đã biết đọc biết viết, sao hát karaoke không được. Nhìn cái chữ cứ chạy miết, không cách chi đọc được. Tui bảo họ phải học đến khi nào đọc không phải đánh vần, mới hát karaoke được. Chứ đánh vần chưa xong, chữ đã chạy mất rồi, làm sao mà hát”, thầy Chính kể.
Theo thầy Chính, lớp học lúc đầu chỉ lưa thưa vài người. Vì ai cũng mang tâm lý ngại ngần. Họ nghĩ đều làm ông bà, cha mẹ cả, giờ đi học, ê a đánh vần, kỳ lắm. Nhưng rồi thấy người hàng xóm đi học, về đọc được chữ, mà mình thì không, họ đâm ganh tỵ. Vậy là đến lớp.
Mưa lất phất, lớp học của thầy Chính dường như im ắng hẳn. Những tiếng ê a đọc bài nho nhỏ, vọng ra từ cửa lớp, trải dài trên mặt phá Tam Giang.