Lớp học 'gieo con chữ, gặt tình thương'

Lớp học tình thương “gieo con chữ” của anh Khải. (Ảnh: Quang Khải)
Lớp học tình thương “gieo con chữ” của anh Khải. (Ảnh: Quang Khải)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tháng 9 - tháng của mùa tựu trường, trẻ em trên khắp mọi miền đất nước đều nô nức tham dự lễ khai giảng thật hoành tráng. Thế nhưng, tại TP Hồ Chí Minh có một lớp học không cần khai giảng cầu kỳ, đơn giản chỉ là vài thầy trò cùng nhau “gieo con chữ” nhưng tiếng cười của các em học sinh vẫn vang vọng khắp lớp học.

16 năm với hàng trăm học sinh

Cứ đều đặn từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần, căn nhà rộng khoảng 20m2 tại số 30D đường Hiệp Thành 23, phường Hiệp Thành, quận 12, TP Hồ Chí Minh lại sáng ánh đèn. Bước đến từ xa đã nghe thấy văng vẳng tiếng đánh vần, đọc chữ của đám trẻ xen lẫn là tiếng giảng bài đầy tâm huyết của người thầy, tất cả tạo nên không gian ấm cúng, rộn ràng của lớp học. Đây chính là bối cảnh quen thuộc tại lớp học tình thương của thầy giáo Huỳnh Quang Khải (sinh năm 1993) - người để lại ấn tượng với hành trình “gieo chữ” của mình.

16 năm đối với nhiều người là khoảng thời gian quý báu để gây dựng tương lai, xây dựng gia đình, thế nhưng anh Khải lại dành 16 năm của mình để “gieo con chữ” cho hàng trăm em học sinh không có điều kiện đến trường. Để trở thành một người thầy như bây giờ không chỉ là vì sự thương cảm giữa người với người mà còn là do "cái duyên" nữa. Anh Khải cũng từng là trẻ mồ côi nên anh thấu hiểu được những nỗi niềm của đa số trẻ con sống ở đây. Năm 2008, thấy trong khu phố nhiều em nhỏ có hoàn cảnh đáng thương, mới ít tuổi mà đã phải đi nhặt ve chai, bán vé số, rửa bát thuê,… mất đi cơ hội được học hành, chính vì vậy anh đã mở ra lớp học miễn phí cho các em.

Ban đầu anh mở lớp cùng với những người bạn nhưng rồi mỗi người một công việc riêng, lớp phải tạm hoãn một thời gian. Đến tháng 9/2016, dưới sự hỗ trợ từ vợ và cô giáo chủ nhiệm cũ của mình, anh mới bắt đầu xây dựng lại lớp. Nhớ lại ngày ấy, để duy trì, sắm sửa mua trang thiết bị cho lớp học, anh và vợ còn đồng ý bán đi số vàng cưới là của hồi môn để hỗ trợ lớp học. Vợ anh cũng chính là chỗ dựa tinh thần và là bạn đồng hành kề vai sát cánh, ủng hộ việc làm của anh vô điều kiện, những ngày anh bận đi công tác thì vợ là người đứng lớp thay anh.

Trải qua 15 năm với sự góp sức của mạnh thường quân lớp học tình thương Ngọc Việt từ những chiếc bàn, trải bạt ngồi học không được chỉn chu nay đã trở nên khang trang và sạch đẹp hơn rất nhiều. Một lớp học với sắc hồng làm chủ đạo thể hiện mong ước một tương lai tươi sáng của các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại đây. 15 năm gắn với cái tên “Lớp học tình thương Ngọc Việt”, cho đến hiện tại lớp đã có tên mới là “Điểm học phổ cập phường Hiệp Thành”, dù đổi tên nhưng mục đích của lớp học vẫn giữ nguyên đó là giúp xoá mù chữ miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Lớp học của anh Khải diễn ra từ 18h30 đến 21h, từ Thứ Hai đến Thứ Bảy hàng tuần. Các em theo học tại đây trong độ tuổi 8 - 19 được dạy Toán và Tiếng Việt, Tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 5. Điểm đặc biệt của lớp học này là ngoài Toán, Tiếng Việt, lớp còn dạy thêm một môn phụ là nhân cách sống. Trong môn học này, các em được chia sẻ và giải đáp khúc mắc của mình về cuộc sống, những vấn đề ở tuổi mới lớn. Đa phần, anh Khải dùng những trải nghiệm của mình để giảng giải cho học trò hiểu.

Có thể nói, anh Khải gây dựng nên lớp học từ con số 0 bởi khởi nguồn của anh là một hướng dẫn viên du lịch không có chuyên môn về sư phạm nhưng vì hoài bão giúp người, giúp đời mà anh mày mò từng chút, cố gắng từng ngày trên con đường học tập đầy khó nhọc của mình để có thể khoác lên vai trọng trách người thầy. Công việc làm thầy giáo của anh cũng rất khó khăn bởi mỗi học sinh lại có một trình độ khác nhau nên anh đã phải soạn giáo án riêng cho từng bạn. Do các em đến đây vào khoảng thời gian khác nhau, khả năng tiếp thu cũng chênh lệch nên các thầy cô phải chia ra từng nhóm để dạy.

Không chỉ “gieo con chữ”

Tại “Điểm học phổ cập phường Hiệp Thành”, các em nhỏ không chỉ được đã cơn “khát” chữ mà mỗi đứa nhỏ còn được “gặt tình thương” từ người thầy thân yêu của mình thông qua những hoạt động đầy ý nghĩa. Để tạo động lực học tập cho các em nhỏ, anh Khải tạo ra chương trình tích xu đổi quà, mỗi em học sinh chăm ngoan học tập sẽ được phát thưởng bằng những đồng xu. Từ những đồng đó có thể đổi thành phần quà như chai nước ngọt, hộp bánh, thùng mì hay bao gạo tùy vào số xu các em tích được, càng nhiều xu phần thưởng càng lớn. Với hoàn cảnh gia đình nghèo khó đa phần các em học sinh đều đổi gạo.

Thấu hiểu được nỗi lo cơm áo, gạo tiền của phụ huynh và hoàn cảnh khó khăn của nhiều em nhỏ đến lớp học ngay sau khi đi làm về, bụng đói chưa được ăn, phải học tập trong tình trạng “đói muốn xỉu” nên ngay tại lớp học, anh Khải cũng đặt “căn tin 0 đồng” giúp cho học sinh có bữa cơm no và bảo đảm điều kiện sinh hoạt, học tập tốt nhất cho các em.

Những chiếc bánh mì, những suất cơm miễn phí từ lớp học tình thương. (Ảnh: Quang Khải)

Những chiếc bánh mì, những suất cơm miễn phí từ lớp học tình thương. (Ảnh: Quang Khải)

Để các em có được giống như các bạn đồng trang lứa, anh Khải còn đặt may đồng phục của lớp để các em có cảm giác được đi học ở trường như các bạn, cũng như tự tay thiết kế giấy khen dành cho những học sinh khá, giỏi để động viên các em. Vào những dịp lễ, Tết, anh cùng các trò tự tay trang trí lớp theo chủ đề từng mùa, một phần để lớp học trở nên sinh động, một phần khiến những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm này cảm nhận được sự ấm áp, vui tươi của các mùa lễ hội.

Đồng thời, anh cũng thường xuyên tổ chức những chuyến đi chơi, cắm trại, tham quan để các em được trải nghiệm nhiều hơn. Như gần đây nhất, 50 em nhỏ của lớp học tình thương Ngọc Việt được đến xem vở kịch “Bí mật trăm đốt tre” tại sân khấu kịch Trương Hùng Minh do diễn viên Cát Tường gửi tặng vé. Các em nhỏ rất háo hức khi nhận được món quà tinh thần này bởi các em chưa từng được xem những vở kịch lớn như thế. “Nếu không có cô, các con sẽ không biết kịch là gì?” là những lời cảm ơn đặc biệt của các em nhỏ đến với nữ diễn viên.

Bên cạnh đó, hằng tháng cứ vào ngày mồng một âm, ngày rằm vợ chồng anh Khải và các em học sinh lại cùng nhau làm những chiếc bánh mì, những suất cơm miễn phí gửi tới người dân có hoàn cảnh khó khăn trong phường. Sau những lần như vậy nhiều em nhỏ thủ thỉ với anh Khải rằng được nhìn thấy mọi người no bụng các bé rất vui và mong muốn sẽ được đi phát bánh mì cho nhiều người hơn nữa. Những suy nghĩ ngây ngô như vậy nhưng có thể thấy rõ bên cạnh việc dạy chữ cho các em nhỏ, anh Khải còn dạy các em nhân cách, đạo đức làm người.

Để làm gương cho các em và để thoả lòng mong muốn giúp người, anh Khải đã nhiều lần tham gia các hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa. Như trong đợt dịch COVID-19, thầy giáo đã lo đến 700 suất ăn miễn phí mỗi ngày và phát trước cửa nhà cho những gia đình khó khăn trên địa bàn. Suốt thời gian diễn ra dịch bệnh, không một ngày nào “bếp ăn 0 đồng” của gia đình anh Khải không đỏ lửa, hôm nào cũng bắt đầu từ 4h sáng và nấu nướng không ngừng nghỉ đến tận 9h tối.

Hàng năm anh cùng các mạnh thường quân và các em học sinh của lớp học tình thương cũng tham gia những chuyến thiện nguyện. Như năm 2022, anh cùng đoàn đã đến thiện nguyện tại xã Kon Đào, Huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum để phát quà cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn và bánh trung thu, lồng đèn, sữa, đồ chơi… cho các em nhỏ nơi đây. Năm nay, anh Khải cũng đang có kế hoạch tháng 11 đi Hàm Thuận, Bắc Ninh vì được biết nơi đó đang có những người có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn cần sự giúp đỡ.

Sau bao năm đứng lớp, món quà to lớn nhất mà anh Khải nhận được đó chính là sự lễ phép, ngoan hiền và phát triển từng ngày của mỗi cô cậu học trò. Đối với anh đó là tấm gương phản ánh rõ nhất cho bao tâm huyết, tình thương của anh dành cho các bé. Bản thân anh không mong gì nhiều ngoài việc các học trò của mình có một tương lai tươi sáng và thành người có ích cho xã hội.

Đọc thêm

Các trường 'điểm' tuyển sinh ra sao khi bỏ thi tuyển vào lớp 6?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, từ 2025, tuyển sinh THCS sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường chất lượng cao, trường tư có tỷ lệ chọi lớn, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất.

Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số

Phụ huynh, học sinh, người lao động cần tìm hướng đi đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai)
(PLVN) - Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trong khu vực châu Á. Với trọng tâm phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho một xã hội hiện đại, công bằng và văn minh.

Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. (Ảnh: MOET )
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Đi học… hạnh phúc

Cô giáo xuất hiện trong bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” - là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của thí sinh và những vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ những đối tượng được miễn thi tất cả các môn, miễn thi Ngoại ngữ, miễn thi Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...