Muốn tin mà khó, muốn thương mà sợ lầm
Trên trang cá nhân của mình, một người đàn ông khá thành đạt và cũng khá nổi tiếng đã chia sẻ câu chuyện mang lại cho nhiều người những cảm xúc và suy ngẫm khác nhau. Anh viết: “Lần nào đi qua ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy lúc chiều tối, tôi cũng gặp cậu bé này. Hôm nay Hà Nội mưa bụi, cũng gặp em. Vẫn đôi mắt ngẩn ngơ ấy, em không đội mũ dưới mưa, lại còn hát nữa chứ. Đèn đỏ hơn 90s, đủ để tôi ngồi quan sát em. Thấy thương mà không thương!Động lòng mà không thể giúp!Bởi nếu ai cũng vậy, cũng thương hại như lần đầu tôi gặp em, cũng nơi này mấy tháng trước, rồi giúp đỡ, hẳn sẽ là làm hại em! Nó là trẻ con, như vậy sẽ quen dần, sẽ lười, rất lười, trượt dài trong sự lười biếng và gian dối. Người lợi dụng cậu bé sẽ tiếp tục lợi dụng. Không được! Không thể động lòng! Viết đến đây, tôi lại nhớ đến mấy đứa nhóc bán hàng rong ở Nha Trang. Cũng nụ cười và ánh mắt ngây thơ như thế, nhưng là bán hàng thực sự, cho tiền không lấy và đặc biệt là không phải đóng kịch để nhận sự thương hại từ những trái tim nhân ái.Thôi, nếu có thể, ta sẽ cùng cho đi và chia sẻ, giúp đỡ có trách nhiệm, thương đúng cách!”
Bài viết của người đàn ông này đã nhận được đa số sự ủng hộ. Vì sao mọi người ủng hộ? Đó là vì hàng ngày họ phải tiếp nhận quá nhiều thông tin về những con người gian dối, lợi dụng lòng trắc ẩn của cộng đồng để kiếm sống, để làm giàu. Từ địa phương có những ngôi làng với nhiều nhà cao tầng, được làm nên từ thành quả khất thực của chủ nhân, cho tới những trường hợp ăn xin lê lết, què quặt, nhưng cứ hễ hết giờ làm ăn là trút bỏ bộ áo quần bẩn thỉu sau một ngày “hành nghề” để bước vào chốn ăn chơi, cờ bạc… Sự giả dối này không chỉ tồn tại ở ngoài đời mà còn cả trên mạng xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà ở nước ngoài.
Một người ở Thái Lan đã nghĩ ra cách ăn mày theo “kiểu 4.0” là xin tiền trên mạng xã hội Facebook. Người này lấy nick là Satra Matwanna và đăng trên một diễn đàn với những lời kêu ca thống thiết khi kể rằng vừa bị thất nghiệp, không một đồng dính túi, và kêu gọi mọi người giúp đỡ mình 30 baht (khoảng 20.000 đồng). Satra còn than vãn rằng trong tài khoản của mình chỉ còn 70 baht, không đủ tiền để mua cơm... Không chỉ khẳng định lời kêu gọi giúp đỡ của mình là thật, Satra còn cho biết nơi ở thuộc tỉnh Chonburi, cách Bangkok 85 km, và cả số tài khoản để nhận chuyển tiền. Lời kêu gọi của Satra đã lay động lòng trắc ẩn của cư dân mạng ở Thái Lan và chỉ hơn hai tuần lễ, số tiền mà Satra nhận được từ cộng đồng mạng lên đến hàng chục ngàn baht, tương đương hàng chục triệu đồng.Sau một thời gian mọi người đã phát hiện đây chiêu trò giả làm ăn mày của Satra. Trên thực tế, người này sử dụng nhiều nick và đăng trên các diễn đàn khác nhau với cùng nội dung khiến nhiều người trở thành nạn nhân…
Đừng để mình có “điều đáng sợ nhất”
Đức Đạt Lai Lạt Ma dạy rằng: “Nếu bạn muốn người khác hạnh phúc, hãy động lòng trắc ẩn. Nếu bạn muốn chính mình hạnh phúc, hãy động lòng trắc ẩn”. Một định nghĩa thật chính xác, thật đủ đầy về lòng trắc ẩn là khó, nhưng hãy biết rằng từ trái nghĩa của lòng trắc ẩn là “vô cảm” và từ điển định nghĩa vô cảm là sự thờ ơ, thiếu quan tâm.
Lòng trắc ẩn là cảm giác hòa hợp với tâm trạng của người khác và có ý định hành động để giảm bớt đau khổ hay chia sẻ niềm vui với người ấy. Bạn có thể trao đi một cái ôm ý nghĩa để an ủi người bạn đang tổn thương về thể chất hoặc tình cảm, đập tay để ăn mừng với bạn bè, khóc khi xem một bộ phim tài liệu về sự hy sinh của những người trẻ tuổi trong chiến tranh hoặc sẻ chia một chiếc bánh cho cụ già bán vé số bạn vẫn hay gặp. Tất cả những hành động trên đều là hành vi của lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn là cầu nối mang bạn đến gần người khác hơn. Vì thế, tình yêu không thể tồn tại mà không có lòng trắc ẩn và ngược lại lòng trắc ẩn không thể tồn tại mà không có tình yêu.
Lòng trắc ẩn là thế và được hình dung như cây cầu nối giữa con người với con người, vậy mà nay cây cầu ấy đứt nhịp vì dối gian, mất lòng tin thì cuộc sống còn ý nghĩa gì và chúng ta còn lại động lực gì để sống tiếp?
Có người nói rằng, thật hay giả lắm khi xuất phát từ niềm tin, ta tin đó là thật thì nó là thật, ta tin đó là giả thì nó giả, chính vì vậy khi thấy em bé đội mưa trong giá lạnh có người dừng lại, có người tặc lưỡi rồ ga…Cái cốt lõi là làm sao các giá trị xã hội trở về đúng vị trí của nó, thật giả phân minh để niềm tin và lòng trắc ẩn của con người không còn mâu thuẫn, khi ấy làm công đức mà chẳng phải đắn đo suy nghĩ, ban phát mầm thiện mà niềm tin chắc không sai.
Thế nên mới có câu chuyện rằng, có hai người đàn ông một già, một trẻ đang ngồi trò chuyện trong quán cà phê thì một bà già rách rưới, gầy gò bước đến, cất giọng kể lể và xin bố thí. Người đàn ông già lấy mấy đồng tiền lẻ ra đưa cho bà già ăn xin, bà già cảm ơn rối rít rồi bước đi. Thấy thế người đàn ông trẻ nói: “Bác dễ mủi lòng quá, không phải họ nghèo khổ thật đâu, họ toàn bịa ra hoàn cảnh đáng thương để lừa chúng ta đấy bác ạ”. Người đàn ông già lắc đầu: “Sao cháu lại nói thế, họ cũng phải cùng cực lắm thì mới phải đi xin bố thí như vậy. Đối với chúng ta thì chỉ là những đồng tiền lẻ thôi nhưng đối với họ là cả một vấn đề đấy cháu”.
“Không phải cháu tiếc mấy đồng tiền lẻ đâu mà là cháu đã từng bị lừa rồi. Hôm trước cháu vừa ăn trưa ra thì gặp một người đàn ông tàn tật, rên rỉ đói khát, cháu thương tình cho hết số tiền còn trong túi. Vậy mà khi nhớ ra là quên chiếc ô ở nhà hàng, cháu quay lại lấy thì thấy ông ta, đi đàng hoàng trên hai chân, tay cầm chai rượu đang nói oang oang với hai gã đi cùng rằng, chỉ cần tỏ vẻ đáng thương một chút là kiếm được tiền tha hồ uống rượu. Cháu bực mình lắm, từ lúc ấy cháu chẳng tin bất cứ một người ăn mày nào cả” - người đàn ông trẻ nói giọng rất bất bình.
Người đàn ông già nhẹ nhàng cười bảo: “Cũng có thể có những người như cháu vừa kể nhưng không phải tất cả những người đi ăn xin đều như vậy. Khi giúp đỡ người khác, cháu đã làm được một việc thiện, điều ấy đáng giá hơn sự hoài nghi bị lừa dối. Nếu chỉ sợ bị lừa dối mà cháu không giúp đỡ người khác thì cháu cũng chỉ giữ lại cho mình những đồng tiền lẻ và cũng từ đó cháu sẽ cạn dần đi lòng trắc ẩn đối với nỗi khổ hay sự khó khăn của con người. Đó mới là điều đáng sợ cháu ạ”.
Sau câu chuyện xảy ra, người đàn ông trẻ suy nghĩ rất nghiêm túc về những mà người đàn ông già nói, tuy vẫn chưa thực sự lấy lại lòng tin. Rồi đến một buổi chiều sau khi đi làm về, người đàn ông trẻ gặp một người ăn mày trước cửa xin của bố thí để cho đứa con bệnh tật ở nhà, thay vì nghi ngờ, anh đã rút tiền cho ông ta. Tối ấy khi đang đi dạo thì trời mưa, anh chạy vào hiên một căn nhà bỏ hoang gần đó để trú. Vô tình, anh nhìn vào trong, dưới ánh đèn leo lét, một cô bé ốm yếu đang nằm dưới tấm nệm cũ. Người đàn ông anh vừa cho tiền lúc chiều đang xúc từng thìa súp cho cô bé. Vừa xúc người đàn ông vừa kể với cô bé rằng, ông đã gặp được người tốt cho tiền để mua đồ ăn cho cô bé tối nay. Chứng kiến điều này, người đàn ông trẻ thực sự xúc động, giờ anh đã hiểu ra những lời người đàn ông già nói. Đúng là mất đi lòng trắc ẩn và cảm thông đối với nỗi khổ của người khác mới là điều đáng sợ nhất!
Thế đấy! Cũng giống như việc một đứa trẻ bắt đầu bập bẹ tập nói, sau đó nói được trôi chảy thì tập ca hát và làm thơ, lòng trắc ẩn cũng cần phải được mài giũa qua thời gian. Mỗi con người chúng ta ai cũng có lòng trắc ẩn, mặc dù đôi khi nó bị vùi lấp dưới thành kiến và sự ích kỉ. Hãy vượt qua rào cản của những thứ tiêu cực và bắt đầu rèn giũa tâm hồn để lòng trắc ẩn được tỏa sáng và mang lại những điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống của chính chúng ta và những người xung quanh.