Khủng hoảng về đạo đức
Tháng 10/2011, dư luận Trung Quốc dậy sóng trước vụ việc một bé gái 2 tuổi bị xe cán qua đến 2 lần khi đang chơi gần nhà ở thành phố Phật Sơn – một thành phố giàu có ở phía Nam Trung Quốc.
Điều đáng nói, khi bé gái đang nằm quằn quại dưới đất vì bị chiếc xe tải đầu tiên cán qua, đã có tới 18 người, bao gồm cả đi xe đạp, xe hơi, đi bộ ngang qua nhưng tất cả đều chọn cách phớt lờ. Trong số những người đi qua này có cả một phụ nữ trẻ đang đi cùng con của mình. Nghiệt ngã hơn sau đó, một chiếc xe tải khác tiếp tục cán qua cơ thể đứa trẻ lần thứ 2.
Phải đến khi một người nhặt rác 58 tuổi nhìn thấy sự việc vội vã chạy đến giải cứu đứa trẻ nhưng đã là quá muộn. Ở thời điểm được đưa tới bệnh viện, bé gái Yueyue đã chết não và qua đời vào sáng hôm sau.
Theo lời mẹ của nạn nhân, đó là một em bé ngoan ngoãn. Người mẹ cho hay, trước khi thảm kịch xảy ra, chị vừa đón con ở trường mẫu giáo về nhà và để con ở trong nhà để đi gom quần áo khô. Có thể, trong lúc chơi một mình, bé gái đã chạy ra đường và bị xe tông trúng.
Nhiều người cho rằng vụ việc có thể đã khác đi nếu 1 trong 18 người đã tình cờ đi qua đó đỡ đứa bé dậy hay gọi cấp cứu. Trả lời phỏng vấn sau đó, một người đàn ông trung niên đi xe máy đã thản nhiên nói rằng: “Đó không phải là con cháu tôi thì sao tôi lại phải quan tâm?”.
Còn thủ phạm đã cán xe qua người cháu bé lần thứ 2, trước khi ra đầu thú trả lời truyền thông về lý do anh ta chạy trốn như sau: “Nếu con bé chết, tôi có thể chỉ phải bồi thường khoảng 20.000 nhân dân tệ. Nhưng nếu nó bị thương, tôi có thể phải chịu chi phí thuốc men điều trị lên đến hàng trăm nghìn nhân dân tệ”.
Chỉ trước đó 1 tháng, dư luận Trung Quốc cũng xôn xao trước vụ việc một cụ ông già yếu 88 tuổi bị ngã úp mặt xuống đất ở ngay lối vào khu chợ bán rau ở gần nhà. Tuy nhiên, trong suốt gần 90 phút sau đó, tất cả những người có mặt ở khu chợ đông đúc dù biết nhưng lại không làm gì. Đến khi con gái nạn nhân phát hiện và gọi cấp cứu thì ông cụ đã tử vong do đường hô hấp bị tắc nghẽn do máu cam.
Nỗi lo sợ bị lợi dụng
Cả 2 vụ việc, đặc biệt là cái chết của bé Yueyue đã khiến dư luận Trung Quốc không khỏi tức giận, đồng thời dấy lên cuộc tranh cãi trên khắp cả nước này về vấn đề đạo đức. Một cư dân mạng ở Trung Quốc cho rằng người Trung Quốc đã đến mức không có đạo đức nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, có một thực tế trớ trêu là đa số những ý kiến thảo luận trên mạng nói rằng họ hiểu được lý do tại sao những người chứng kiến các vụ việc trên lại không ra tay giúp đỡ nạn nhân. Một số thừa nhận nếu gặp phải tình huống đó, họ cũng hành động tương tự vì lo ngại sẽ gặp rắc rối cũng lo khả năng phải đối mặt với một “thẩm phán Nam Kinh” khác.
Thẩm phán Nam Kinh là cái tên được nhiều người ở Trung Quốc nhắc tới sau vụ việc xảy ra vào năm 2006 ở tỉnh Giang Tô. Thời điểm đó, một thanh niên trẻ tên Peng Yu đã giúp đỡ một bà cụ bị ngã trên phố và đưa bà tới bệnh viện cấp cứu.
Sau khi hoàn tất thủ tục nhập viện, Peng còn ở lại để theo dõi xem bà cụ có ổn không. Thế nhưng về sau, bà cụ và gia đình bà ta lại một mực khăng khăng cho rằng Peng đã tông phải bà cụ khiến bà bị ngã.
Tại tòa, thẩm phán sau đó ra phán quyết nghiêng về phía gia đình bà cụ, dựa trên lập luận cho rằng Peng nhất định phải có lỗi vì nếu không tại sao anh ta lại giúp đỡ bà cụ tốt như vậy?” và rằng Peng đã hành động “hoàn toàn khác với lẽ thường”.
Làn sóng tức giận của công chúng đối với vụ việc sau đó cũng không giúp được Peng thoát khỏi trách nhiệm mà chỉ có thể khiến tòa điều chỉnh lại phán quyết theo đó buộc Peng phải chi trả 10% chi phí điều trị của cụ bà thay vì phải trả toàn bộ như phán quyết ban đầu. Vụ việc của Peng sau đó trở thành điển hình khiến nhiều người Trung Quốc sợ hãi việc lòng tốt của họ bị lợi dụng.
Theo nhà báo người Trung Quốc Lijia Zhang, cuộc khủng hoảng đạo đức ở Trung Quốc không chỉ thể hiện ở đời tư mà còn thể hiện trong các hoạt động kinh doanh và nhiều lĩnh vực khác. Vụ việc sữa bột nhiễm độc và vụ bê bối dầu ăn bẩn từng gây chấn động dư luận Trung Quốc cũng là những biểu hiện rõ nét của sự suy thoái đạo đức ở nước này thời hiện đại.
Một số ý kiến ở Trung Quốc cũng cho rằng những hành vi xấu của người Trung Quốc khi đi du lịch ở nước ngoài như vẽ bậy, đánh nhau, tranh giành đồ ăn… cũng là biểu hiện của sự suy giảm những giá trị đạo đức.
Vì đâu nên nỗi?
Nhà báo Zhang cho rằng vấn đề cơ bản của tình trạng trên là tâm lý không muốn can dự vào việc của người khác. Theo bà Zhang, trong văn hóa của người Trung Quốc thiếu đi sự sẵn sàng thể hiện lòng trắc ẩn với người lạ, đặc biệt là nếu sự tử tế đó có thể gây tổn hại đến lợi ích của bản thân.
Lý giải về các hiện tượng trên, tác giả cuốn sách “Tại sao người Trung Quốc lại mất đi ý thức đạo đức?” cho rằng nguyên nhân nằm ở việc Trung Quốc đã áp dụng khái niệm nền kinh tế thị trường từ phương Tây nhưng lại không đưa kèm theo đó những quy chuẩn đạo đức tương tự trong khi các nguyên tắc đạo đức truyền thống đã không còn phù hợp với mô hình kinh tế thị trường, hay nói cách khác người Trung Quốc giàu có lên nhanh chóng nhưng lại không bắt kịp với đòi hỏi hành xử văn minh trong xã hội hiện đại.
Còn nhà xã hội học Fei Xiaotong của Trung Quốc cho rằng sự ích kỷ chính là thiếu hụt nghiêm trọng nhất của người Trung Quốc. Theo ông Fei, điều này thể hiện ở những hành động như sẵn sàng ném rác ra đường cho sạch nhà mình mà không cần để ý đến môi trường chung vốn có từ lâu.
Theo bà Xu, một nghiên cứu sinh tiến sỹ tại trường Đại học Washington ở Mỹ, khủng hoảng đạo đức là điều mà mọi người ở Trung Quốc đều nói đến. Bà Xu cũng cho rằng nguyên nhân của hiện tượng trên là do quá trình hiện đại hóa nhanh chóng ở Trung Quốc đã khiến những giá trị đạo đức truyền thống nghiêm ngặt bị mai một, khiến các cá nhân có thể được tự do thể hiện sự ích kỷ, vụ lợi của mình.
Nghiên cứu của bà này ở một trường mẫu giáo ở Thượng Hải cho thấy cá biệt có đứa trẻ mới 2 tuổi đã có hành vi bắt chước hành vi tính toán của người lớn khi khuyên cô giáo tặng cho hiệu trưởng của trường bánh sinh nhật kèm lời khuyên “cô nên chú ý chăm sóc người chủ của mình”.