Long An truy tố vị lãnh đạo ngành y nổi tiếng cương trực: Nhiều dấu hiệu oan sai

Bác sĩ Lê Thanh Liêm, nguyên GĐ Sở Y tế Long An: “Không chỉ bị điều tra truy tố oan sai, tôi còn bị vu khống”
Bác sĩ Lê Thanh Liêm, nguyên GĐ Sở Y tế Long An: “Không chỉ bị điều tra truy tố oan sai, tôi còn bị vu khống”
(PLVN) - Nguyên Giám đốc (GĐ) Sở Y tế Long An Lê Thanh Liêm, người từng nổi tiếng dư luận với hành động lập biên bản người hối lộ mình 400 triệu, từng thẳng thắn phản đối chủ trương xây một số bệnh viện trên các hầm đất dẫn đến việc hàng chục tỷ chảy vào túi các chủ thầu san lấp, từng được Phó Bí thư – Chủ tịch tỉnh công khai xin lỗi… đến sát ngày về hưu bất ngờ bị truy tố về một tội danh cận kề ngày bị bãi bỏ.

Sau khi PLVN có bài viết “Kỳ án liên quan nguyên GĐ Sở Y tế Long An”, rất nhiều bạn đọc viết thư, gọi điện, gửi email gửi về tòa soạn, cùng chung đề nghị làm sáng tỏ thêm những khuất tất phía sau vụ án, ông Liêm có bị oan sai hay không?

Tình huống bất khả kháng

Dự kiến ngày 13/8/2020 tới đây, TAND Long An sẽ đưa vụ án ra xét xử. Trước đó, ngày 2/1/2020, VKSND tỉnh này ra cáo trạng truy tố ông Liêm “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2 Điều 165 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009).

Sự việc khởi nguồn từ chuyện Sở Y tế (SYT) được UBND Long An giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tòa nhà 4 cơ quan. Đầu năm 2014 SYT thực hiện gói thầu cung cấp lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh. Đơn vị trúng thầu là Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Đông Nam Á (ĐNA) tại Tân An. Giá trị gói thầu 1,92 tỷ, hình thức hợp đồng trọn gói. 

Trong gói thầu này có 15 camera quay quét và cố định, 2 đầu ghi kỹ thuật số cùng nhãn hiệu Sony, hợp đồng ghi rõ “xuất xứ Nhật Bản”.

Đầu tháng 7/2014, nhà thầu nhập thiết bị về công trình để thi công thì nhân viên giám sát công trình phát hiện xuất xứ trên một số thiết bị không trùng khớp hợp đồng đã ký, một số thiết bị thay đổi xuất xứ từ Nhật Bản sang Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia... Sau khi được báo cáo, ông Liêm chỉ đạo cho dừng thi công để kiểm tra lại.

Ngày 11 và 12/7, giải trình nguyên nhân các thiết bị này Sony không còn sản xuất tại Nhật Bản, ĐNA có văn bản xin thay đổi thiết bị tivi Sony từ xuất xứ Nhật sang Mỹ, camera Sony xuất xứ Nhật sang Trung Quốc… Kết luận Thanh tra số 3217/KL-UBND của UBND tỉnh Long An ngày 22/8/2016 cũng xác định qua xác minh Cty TNHH Sony Electronics Việt Nam, thời điểm tháng 4/2014, một số loại camera quan sát, đầu ghi hình nêu trong hợp đồng “không có sản xuất tại Nhật Bản”. 

Một điểm đáng lưu ý khác, trước đó, ngày 26/5/2020,  Sony Việt Nam đã có thư xác nhận về việc một số mã hàng camera trong hợp đồng “được nhập khẩu và phân phối bởi Sony Việt Nam và được bán rộng rãi trên toàn thế giới… Chúng tôi xin đảm bảo hàng hóa cung cấp đúng theo tiêu chuẩn chất lượng chính hãng Sony và hưởng các chế độ bảo hành theo đúng tiêu chuẩn…”. Như vậy, có thể nói việc một số thiết bị Sony thực tế không khớp về xuất xứ so với trong hợp đồng là tình huống bất khả kháng.

Từ thực tế trên, ngày 12/7/2014, ông Liêm đại diện Sở Y tế đã ký phụ lục hợp đồng với nhà thầu điều chỉnh xuất xứ một số thiết bị Sony trong gói thầu từ Nhật Bản, Mỹ; sang Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…

Hơn hai tháng sau, ngày 17/9 và 18/9/2014, hai bên nghiệm thu bàn giao khối lượng hoàn thành đưa vào sử dụng và thanh lý hợp đồng, giá trị 1,92 tỷ. Đến đây, cũng cần lưu ý, mãi 5 năm sau, ngày 18/9/2019, UBND Long An mới có Quyết định 3411/QĐ-UBND phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án này.

Những quyết định bất thường 

Hơn 1 năm sau khi nghiệm thu, mãi tới ngày 12/11/2015, Chủ tịch tỉnh Long An có quyết định thanh tra gói thầu trên. Hơn 9 tháng sau đó, Chủ tịch tỉnh Trần Văn Cần ký KLTT số 3217. Dù khẳng định “đến thời điểm kết thúc cuộc thanh tra, gói thầu này chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán”, nghĩa là chưa thể kết luận đúng sai về mặt tài chính ở đây; nhưng vẫn nhận xét “chủ đầu tư (GĐ Sở Y tế) đồng ý cho lập thủ tục thay đổi xuất xứ, ký phụ lục hợp đồng không điều chỉnh giá, đã không thực hiện hết vai trò trách nhiệm, dẫn đến thanh toán cho nhà thầu cao hơn thực tế chênh lệch số tiền 699,3 triệu đồng”.

Trong KLTT 3217, Chủ tịch tỉnh chỉ đạo SYT lập hồ sơ quyết toán giảm trừ phần giá trị chênh lệch trên. Có nghĩa đây chỉ là nhắc nhở một nghiệp vụ tài chính kế toán thông thường. KLTT cũng hoàn toàn không nhắc đến việc có dấu hiệu hình sự hay không; không nêu việc chuyển hồ sơ sang CQĐT.

Sau thời gian này, GĐ SYT Lê Thanh Liêm tiếp tục chứng minh sự cương trực trong công việc, nhất là lĩnh vực giám sát các dự án đấu thầu thuộc ngành y Long An. Đáng nhớ như vụ đấu thầu một chiếc máy cắt lớp CT, bên đưa ra giá 36 tỷ bị ông thẳng thắn đánh rớt để chọn bên bỏ giá 20 tỷ, tiết kiệm cho ngân sách 16 tỷ. Còn có những trường hợp tự xưng “con ông cháu cha” thi tuyển vào ngành y, ông cũng công tâm nhất quyết phải đủ điều kiện luật định…

Và hơn 4 tháng sau khi KLTT 3217 ra đời, ngày 22/12/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Long An bất ngờ có Công văn số 244/UBND-NC “chuyển hồ sơ thanh tra sang CQĐT Công an tỉnh xử lý theo quy định pháp luật với vụ việc sai phạm trong thực hiện gói thầu hệ thống camera giám sát an ninh”. 

Tiếp tục gần 1 năm sau đó, ngày 11/12/2017, khi Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội quy định chỉ còn 20 ngày nữa tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sẽ bị bãi bỏ, thì CA tỉnh Long An ra Quyết định khởi tố bị can với ông Liêm. 

Ông Liêm kể: “Trước đó tôi được mời đến nói sẽ “tống đạt kết luận điều tra”. Ai ngờ đến thì họ mới đưa ra quyết định khởi tố bị can”. Một điều bất thường khác, quyết định khởi tố vụ án cũng mới được CA Long An ban hành cùng ngày, cả hai cùng đánh số 01/QĐ. 

“Không chỉ bị oan sai, tôi còn bị vu khống”

Vấn đề mấu chốt trong vụ việc, theo ông Liêm và các chuyên gia pháp lý, là theo luật, ông Liêm không cố ý làm trái và cũng không có sự thất thoát hay gây hậu quả nghiêm trọng nào trong sự việc này, nên không thể có vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP HCM) phân tích: “Cáo buộc ông Liêm không thẩm định lại giá các thiết bị là sai. Theo khoản 2 Điều 49 Luật Đấu thầu 2005 (là bộ luật có hiệu lực tại thời điểm hai bên ký hợp đồng), gói thầu này là hợp đồng trọn gói nên “giá hợp đồng không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu bằng đúng giá ghi trong hợp đồng khi nhà thầu hoàn thành các nghĩa vụ”. 

Khoản 1 Điều 48 Nghị định 85/2009/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu; Điểm a khoản 3 Điều 15 Nghị định 48/2010/NĐ-CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng cũng đã quy định, cụ thể hóa quy định trên.

Nói cách khác, nếu đòi thẩm định lại giá thì ông Liêm mới sai luật. Còn không thẩm định giá, là ông Liêm đã tuân thủ đúng các quy định pháp luật nêu trên. 

Về việc ngày 17/9 và 18/9/2014, hai bên nghiệm thu bàn giao khối lượng hoàn thành đưa vào sử dụng và thanh lý hợp đồng, LS cho biết ông Liêm đã áp dụng đúng quy định tại Thông tư 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 “về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn NSNN”. 

Theo Điều 9 và Điều 22 Thông tư 86, đây là trường hợp thanh toán khối lượng hoàn thành. Khi quyết toán của gói thầu này đã được UBND tỉnh Long An duyệt, nếu số vốn được quyết toán thấp hơn số tiền đã thanh toán cho nhà thầu, thì Sở Y tế có trách nhiệm thu hồi lại của nhà thầu để hoàn trả cho Nhà nước. Nói cách khác đây chỉ là quan hệ dân sự - thương mại thông thường, không phải hình sự. 

Thực tế, sau khi UBND tỉnh Long An có Quyết định 3411/QĐ-UBND phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án trên ngày 18/9/2019, hai tháng sau, chứng từ chuyển tiền cho thấy ngày 18/11/2019 ĐNA đã nộp trả SYT 735 triệu và SYT nộp lại ngân sách. Thế nhưng trong cáo trạng, cơ quan tố tụng khi thì cho rằng “bị can Liêm chuyển cho Đông Nam Á 735 triệu”, khi thì cho rằng “bị can Liêm đã nộp lại 735 triệu khắc phục thiệt hại”. Ông Liêm cho biết: “Không chỉ bị điều tra, truy tố oan sai, tôi còn bị vu khống”.

Còn có rất nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng trong vụ án này của cơ quan chức năng Long An. Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.

Không có sự thông đồng

Trong KLĐT và cáo trạng của cơ quan tố tụng Long An, đều xác định “quá trình điều tra không có chứng cứ chứng minh có sự thông đồng giữa chủ đầu tư với Cty Đông Nam Á để chiếm đoạt tiền NSNN”.

Đọc thêm

Truy nã quốc tế Lê Khắc Ngọ - Mr Hunter

Truy nã quốc tế Lê Khắc Ngọ - Mr Hunter
(PLVN) - Lê Khắc Ngọ (tức Mr Hunter) là đồng bọn của Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips) đã bị cơ quan CSĐT CATP Hà Nội phối hợp Cảnh sát Interpol ra Quyết định truy nã quốc tế.

Phát hiện "con nghiện" tàng trữ “hàng nóng”

Phát hiện "con nghiện" tàng trữ “hàng nóng”
(PLVN) - Tiến hành kiểm tra hành chính chỗ ở của một nam thanh niên ở Quảng Nam, lực lượng chức năng phát hiện bộ dụng cụ dùng để sử dụng ma tuý, 1 khẩu súng rulo bên trong có 6 viên đạn. Ngoài ra, đối tượng này còn tàng trữ 22 viên đạn khác và 1 dao tự chế.

Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng dùng dao tấn công Đại uý công an

Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng dùng dao tấn công Đại uý công an
(PLVN) -Ngày 21/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Hoàng Khang (39 tuổi, trú tại ấp 6, Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) về hành vi "Chống người thi hành công vụ" theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự.

TP HCM: Triệt phá nhiều đường dây ma túy trong đợt cao điểm trấn áp tội phạm

Giám đốc Công an TP trao khen thưởng cho 11 tập thể, 06 cá nhân các đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. (Ảnh: CACC)
(PLVN) - Thực hiện cao điểm trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và cao điểm rà soát đối tượng nghiện, nghi nghiện; đối tượng sử dụng, nghi sử dụng; đối tượng bán và tụ điểm mua bán, các đơn vị nghiệp vụ Công an TP HCM và các quận/huyện truy xét, triệt phá các đường dây tội phạm về ma túy hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia; bắt giữ hàng chục đối tượng.