Đến dự lễ có ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Hòa Bình và đại diện lãnh đạo các cơ quan Đảng, ban, bộ, ngành Trung ương; Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Long An; Tiền Giang; Bến Tre.
Chương trình nghệ thuật tái hiện cuộc đời và sự nghiệp ông Võ Văn Ngân |
Ông Võ Văn Ngân sinh năm 1902 trong một gia đình nông dân tại ấp Bình Tả, làng Đức Hòa (nay thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Ông là con út của ông Võ Văn Sự và bà Lê Thị Toàn, em ruột ông Võ Văn Tần, một nhà cách mạng và lãnh đạo Cộng sản. Gia đình ông vốn có truyền thống chống thực dân Pháp; ông nội và ông ngoại của ông đều từng trực tiếp tham gia vũ trang chống quân xâm lược Pháp và bị người Pháp giết chết.
Năm 1926, ông Võ Văn Ngân cùng anh trai là Võ Văn Tần tham gia Hội kín Nguyễn An Ninh (tức Thanh niên Cao vọng Đảng). Sau đó, ông chuyển sang gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
Năm 1929, Võ Văn Ngân tham gia thành lập chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên ở làng Đức Hòa. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Võ Văn Ngân là đảng viên Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở tỉnh Chợ Lớn. Tháng 5/1930, khi quận ủy Đức Hòa thành lập, ông Võ Văn Ngân được bầu vào Quận ủy. Ngày 04/6/1930, ông cùng Quận ủy Đức Hòa thực hiện chỉ đạo của liên Tỉnh ủy phối hợp lãnh đạo cuộc biểu tình chống Pháp lớn nhất Nam kỳ diễn ra tại quận lỵ Đức Hòa.
Ông Võ Văn Ngân. (Ảnh tư liệu) |
Từ cuối năm 1931, Xứ ủy Nam kỳ liên tục bị phá vỡ và khôi phục. Đến năm 1932, ông Võ Văn Ngân về làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn thay ông Võ Văn Tần, góp công sức vào việc khôi phục tổ chức, củng cố cơ sở Đảng ở cả 2 tỉnh Chợ Lớn – Gia Định trong thời kỳ thoái trào 1931-1933. Tháng 3/1935, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất họp ở Ma Cao (Trung Quốc), Võ Văn Ngân được bầu là 1 trong 9 ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sau đại hội, ông Võ Văn Ngân trở về Nam kỳ đúng vào lúc cơ quan Xứ ủy vừa bị thực dân Pháp phá vỡ, lúc này ông cùng những người khác kiên trì khôi phục lại Xứ ủy và trực tiếp là Bí thư Xứ ủy.
Năm 1936, tại Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy do ông Võ Văn Ngân làm Bí thư, hàng trăm ủy ban hành động ra đời. Đảng đưa người ra công khai ứng cử vào Hội đồng Quản hạt thành phố, ông Võ Văn Ngân đã trực tiếp lãnh đạo nhiều cuộc mít tinh, biểu tình đòi quyền dân sinh, dân chủ tại Sài Gòn – Chợ Lớn.
Tháng 3/1937, sau Hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông Võ Văn Ngân chuyển bệnh nặng. Năm 1938, ông được Xứ ủy chuyển từ Bình Lý về gia đình ở ấp Bình Tả, làng Đức Hòa chữa bệnh, nhưng do bệnh nặng nên ông Võ Văn Ngân đã từ trần vào ngày 29/10/1938 khi mới 36 tuổi.
Ông Nguyễn Văn Út – Chủ tịch UBND tỉnh Long An ôn lại cuộc đời và sự nghiệp ông Võ Văn Ngân |
Tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Văn Út – Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhấn mạnh: Đảng bộ và nhân dân Long An hết sức tự hào về ông Võ Văn Ngân - người con ưu tú của quê hương Đức Hòa - Long An anh hùng. Ông Võ Văn Ngân trên các cương vị lãnh đạo, với sự nỗ lực vượt bậc, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để bền bỉ vận động quần chúng cách mạng giữ vững niềm tin, kiên trì giác ngộ những người yêu nước tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng để xây dựng, phát triển Đảng, tăng cường đội ngũ cho Đảng.
Ông xứng đáng là nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc, là tấm gương người Cộng sản mẫu mực cho thế hệ hôm nay, mai sau học tập, kế thừa và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng quang vinh của ông Võ Văn Ngân chính là niềm tự hào, là biểu tượng cho hào khí quật cường và tinh thần bất khuất của đất và người Nam Bộ nói chung, của đảng bộ và nhân dân tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An và TP Hồ Chí Minh) nói riêng trong sự nghiệp đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc.
Noi gương ông Võ Văn Ngân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quyết tâm cùng cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xây dựng quê hương Long An ngày càng giàu đẹp, văn minh; vươn tới tương lai ngày càng tốt đẹp hơn, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà và cả nước.
Đại diện thân nhân gia đình ông Võ Văn Ngân - ông Nguyễn Đô Lương (cháu ngoại ông Võ Văn Ngân) phát biểu tại lễ kỷ niệm |
Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh ông Võ Văn Ngân là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc những cống hiến to lớn của ông. Từ đó, noi gương ông và các nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ra sức học tập, lao động, công tác và chiến đấu. Đồng thời, góp phần đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh Long An, sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Trước đó, chiều 25/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Nguyễn Xuân Thắng cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Long An đã dâng hương kỷ niệm 120 năm ngày sinh ông Võ Văn Ngân tại khu mộ gia tộc ở xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.