Chị bán đất, bán luôn "chỗ cắm dùi" của 2 em
Ngày 30/7/2020, TAND huyện Bến Lức (tỉnh Long An) đã thụ lý đơn kiện của bà Lương Thị Ngọc Trinh (SN 2001, ngụ xã Phước Lợi, huyện Bến Lức), về việc tranh chấp yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) vô hiệu và tranh chấp tài sản thừa kế.
Người bị khởi kiện là bà Lương Thị Ngọc Anh (SN 1989) và chồng là ông Nguyễn Văn Quốc (SN 1987, cùng ngụ xã Phước Lợi, huyện Bến Lức). Bà Anh là chị cả của bà Trinh. Ngoài ra, người em kề bà Anh là bà Lương Thị Ngọc Huyền (SN 1993) cũng “tố” vợ chồng chị ruột tự ý bán đất mà không có sự thống nhất của hai em.
Theo đơn khởi kiện của bà Trinh, thửa đất 3133 (cũ), nay là thửa 34, tờ bản đồ số 2 (cũ), nay là bản đồ số 24, diện tích 121,1 m2 (ấp 3B, xã Phước Lợi) được mẹ của bà là Lương Thị Bé Sáu đặt cọc mua năm 2012. Sau khi đặt cọc số tiền 50 triệu đồng, bà Sáu mất đột ngột vì tai nạn giao thông.
Lúc này người cậu và dì trong nhà cho tiền, cộng với tiền bồi thường vụ tai nạn giao thông để thanh toán tiền mua thửa đất nói trên. Thời điểm đó, do Trinh và Huyền còn nhỏ nên để cho bà Anh là chị cả đứng tên đăng ký trên Giấy chứng nhận QSDĐ. Cũng năm đó, 3 chị em xây dựng căn nhà nhỏ trên đất để chung sống. Sau này, vì không đủ chỗ ở (bà Anh có chồng có con) nên năm 2019 bà Trinh xây dựng căn nhà cạnh đó và sống cùng hai mẹ con bà Huyền.
Tòa thụ lý đơn của bà Lương Thị Ngọc Trinh |
Ngày 15/7/2020, vợ chồng bà Anh ký hợp đồng bán toàn bộ mảnh đất và tài sản gắn liền cho ông Nguyễn Hoàng Tuấn, người địa phương. Hợp đồng mua bán được công chứng cùng ngày, tuy nhiên không hề có sự tham dự hay đồng ý của hai người em gái, mặc dù họ vẫn đang sinh sống, sử dụng một căn nhà trên phần đất mua bán.
Sau đó vài ngày bà Huyền và bà Trinh mới được thông báo sự việc cùng với thông tin đến cuối tháng 9/2020 hai người phải dọn đi khỏi mảnh đất. Ngày 21/7/2020, hai người em đã làm đơn gửi UBND xã Phước Lợi và cơ quan chức năng thông báo sự việc và đề nghị ngăn chặn việc đăng ký sang tên, chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền trên đất đối với thửa đất mình đang sinh sống.
Ngày 22/7/2020, bà Trinh làm đơn khởi kiện gửi đến TAND huyện Bến Lức, yêu cầu tuyên hợp đồng bán đất của vợ chồng chị gái là vô hiệu. Tiếp sau đó, bà Trinh bổ sung yêu cầu khởi kiện với nội dung tranh chấp tài sản thừa kế. Nguyên đơn đồng thời có đơn đề nghị Tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) đối với thửa đất đang tranh chấp.
Nguy cơ bị đẩy ra đường
Ngày 27/7/2020, TAND huyện Bến Lức thẩm định tại thửa đất tranh chấp, ghi nhận hiện trạng tài sản tranh chấp. Theo đó trên đất có 2 căn nhà cấp 4, một căn do gia đình bà Anh sinh sống, căn còn lại bà Huyền và bà Trinh sinh sống. Mặc dù biết rõ thửa đất với 2 căn nhà đang có tranh chấp nhưng ngày 29/7/2020, Tòa thông báo không áp dụng BPKCTT.
Theo thông báo số 01/2020/TB-TA do thẩm phán TAND huyện Bến Lức Nguyễn Thị Lệ Thu ký ngày 29/7/2020, lý do là bởi, bà Trinh cho rằng bà chỉ được quyền sở hữu 1/3 thửa đất tranh chấp. Nhưng bà yêu cầu áp dụng BPKCTT đối với toàn bộ tài sản nêu trên là không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị yêu cầu và người liên quan.
Ngày 30/7/2020, bà Trinh tiếp tục làm đơn đề nghị áp dụng BPKCTT cho phù hợp để mong được Tòa chấp nhận. Bà yêu cầu áp dụng BPKCTT đối với 1/3 tài sản đang tranh chấp.
Chiều 31/7/2020, trả lời PLVN qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Lệ Thu cho biết, bà được phân công giải quyết vụ án của bà Trinh. Đề cập đến những câu hỏi liên quan đến vấn đề áp dụng BPKCTT đối với tài sản đang tranh chấp, đảm bảo việc giải quyết vụ án, thẩm phán Thu từ chối trả lời.
Bà Trinh (phải) và hai mẹ con bà Huyền đứng trước nguy cơ bị đẩy ra đường. |
Liên quan vụ kiện, chiều ngày 3/8, ông Lương Văn Bé Năm và bà Lương Thị Bé Tư (anh chị ruột bà Bé Sáu – cậu và dì của bà Trinh), đã làm việc với thẩm phán và thư ký TAND huyện Bến Lức. Theo đó, hai người này trình bày lời khai rằng, trước khi chết bà Sáu có đặt cọc 50 triệu đồng mua thửa đất nói trên. Sau khi bà Sáu mất, ông Năm và bà Tư mỗi người đóng góp 50 triệu đồng, cộng thêm 30 triệu đồng tiền bồi thường tai nạn giao thông và 30 triệu đồng từ người bạn của bà Sáu, tổng cộng 160 triệu đồng để đưa bà Anh trả tiền mua đất.
“Thời điểm nhận chuyển nhượng với giá 200 triệu đồng, còn 10 triệu đồng đưa cho cháu Anh giữ. Khi nhận chuyển nhượng thửa đất có thống nhất do cháu Trinh và cháu Huyền chưa đủ tuổi nên để cháu Anh đứng tên Giấy chứng nhận QSDĐ. Thực tế gia đình đã thống nhất đây là di sản do bà Sáu để lại cho 3 chị em”, trích từ biên bản lấy lời khai của ông Bé Năm, bà Bé Tư tại Tòa.
Để thông tin khách quan về vụ việc, phóng viên đã liên hệ vợ chồng bà Anh để trao đổi một số vấn đề liên quan, tuy nhiên không nhận được phản hồi. Về phía ông Nguyễn Hoàng Tuấn, người mua mảnh đất tranh chấp, ông Tuấn cho biết ông mua đất công khai và hợp lệ, đã thanh toán đủ tiền cho bà Anh. “Lúc ra văn phòng công chứng, tôi có hỏi bây giờ có cần chở hai đứa em (ý nói bà Huyền và bà Trinh-PV) ra công chứng giấy tờ không. Bên công chứng họ nói cái này dính líu gì tới hai đứa em đâu mà ký tên”, ông Tuấn trình bày.
Vụ việc đúng sai thế nào có lẽ sẽ được làm rõ ở một bản án công tâm, thấu tình đạt lý của Tòa án. Tuy nhiên với những gì đang diễn ra, hai chị em bà Huyền, Trinh đang vô cùng bất an, hoang mang vì nếu mất đi mảnh đất với ngôi nhà trên đó – tất cả những gì họ có, hai chị em không biết cuộc sống ngày mai sẽ như thế nào.
“Em thì làm công nhân, bản thân mắc nhiều bệnh tật, đang một mình nuôi con nhỏ 4 tuổi, nay vì dịch bệnh nên em thất nghiệp. Trinh thì làm nghề hớt tóc, giờ phải cưu mang chị gái và cháu. Mất đất mất căn nhà thì 3 người không biết đi về đâu”, bà Huyền lo lắng.
Pháp Luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.