Lộn xộn “tuyến phố, số nhà”

Để các tuyến phố văn minh ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng thành phố ngày càng “Xanh - sạch - đẹp”, cần tăng cường công tác quản lý, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp chính quyền, các ngành hữu quan. Xây dựng quy chế và có chế tài cụ thể, sâu sát với thực tế, góp phần đẩy lùi và xoá bỏ tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, họp chợ.

Lạ lùng "kiểu" đánh số nhà...(!)

Anh Ch, mới được cơ quan cử về TP Nam Định công tác. Do chưa thông thuộc địa bàn nên đi đâu cũng phải hỏi đường và việc đó đôi khi làm anh vừa mất thời gian, vừa bực mình vì cách đánh số nhà “lạ lùng” ở nhiều tuyến phố, khu dân cư.  Có việc phải liên hệ với Ban quản lý dự án thành phố địa chỉ ở tầng 4 nhà số 10 đường Trần Đăng Ninh, sau khi hỏi mấy người đi đường nhưng không ai biết, anh được một bác xe ôm chỉ về hướng gần Ga Nam Định. Tới nơi thì thấy đó là một khách sạn nhộn nhịp người vào ra. Hỏi ra anh mới "té ngửa" khi biết tại phố Trần Đăng Ninh có những mấy địa chỉ có cùng số nhà như trên (!). Được một người có nhiều "kinh nghiệm" chỉ dẫn, cuối cùng anh tìm thấy nơi mình cần đến tại tầng 4 trụ sở UBND thành phố Nam Định - ngay sát chợ Rồng ở tận đầu kia của con đường.

Ngoài chuyện 2-3 nhà có chung một số, các nhà trên phố Trần Đăng Ninh còn được đánh số từ hai đầu phố về giữa, có cả số chẵn nằm cạnh số lẻ (!). Ví dụ, trụ sở của Liên đoàn Lao động thành phố (số 156) ở đầu phố (bên phải theo hướng từ chợ Rồng đến nhà Ga) lại nằm đối diện với số 1 là trụ sở của Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn nằm ngay cạnh số 1 lại là số 10, trụ sở HĐND và UBND TP Nam Định. Cách trụ sở chung của 2 cơ quan trên và một đoạn tường dài độ 300m lại là số 9, vị trí của một cửa hàng xăng. Tiếp theo là số 5 của Bệnh viện Phụ sản. Cách một quãng (cùng bên) lại thấy số 9 to tướng nằm trên bảng hiệu của cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ và đại lý Công ty may Sông Hồng… Tương tự, lề trái của tuyến phố này cũng có tình trạng số chẵn nằm cạnh số lẻ, số to nằm cạnh số nhỏ và 2-3 số trùng nhau. Nhà Ga Nam Định, một công trình lớn ở TP thì lại không có số nhà. Trên phố Hà Huy Tập, Bưu điện tỉnh mang số 4 nằm sát cạnh là số 1 - trụ sở của Liên đoàn Lao động tỉnh. Tiếp đó là số 16 của Bệnh viện Nhi. Cách một quãng khá xa không có số nhà nào lại đến số 2 (căng tin của Bộ đội Biên phòng tỉnh)…

Tình trạng đánh số lộn xộn trên còn bắt gặp ở nhiều tuyến phố khác của thành phố Nam Định, như đường Kênh, Trần Nhật Duật... Ngoài ra, còn có một cách đánh số khác "không theo quy luật nào" tại các khu đô thị mới, khu tái định cư khiến cho người dân "hoa cả mắt" vì phải suy luận. Tại Khu đô thị mới Hoà Vượng, số nhà lại được đánh theo mã số của miếng đất nhưng không theo một trật tự nào cả. Một số hộ chưa mang biển trong khi một số khác lại "tự chọn" số nhà cho mình(!).

Lộn xộn... tuyến phố văn minh

Xây dựng tuyến phố văn minh là một nội dung quan trọng trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Theo quy định về tiêu chí đô thị loại I, TP Nam Định phải có trên 50% tuyến phố đạt tiêu chuẩn tuyến phố văn minh. Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, phong trào xây dựng tuyến phố văn minh trên địa bàn TP Nam Đinh đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội, an toàn giao thông với mục tiêu xây dựng thành phố “Xanh - sạch - đẹp”, nếp sống văn hoá, văn minh đô thị. Đến nay đã có 16/25 phường, xã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện xây dựng tuyến phố văn minh. Tại các khu phố, tổ dân phố được công nhận xuất hiện nhiều điểm sáng, mô hình tiên tiến trong phong trào xây dựng nếp sống văn minh; cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị cùng nhân dân đoàn kết, thi đua thực hiện có hiệu quả các tiêu chí: giữ gìn cảnh quan đường phố, vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp. Tiêu biểu như trên địa bàn các phường Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du thành lập tổ tự quản, nhóm liên gia trông nom bảo quản tài sản; về ban đêm, đều có chốt gác, các thành viên trong nhóm thay nhau đi tuần, do vậy, tình hình an ninh trật tự ở những khu phố này được duy trì, giữ vững. Hay tại phường Phan Đình Phùng, hưởng ứng phong trào xây dựng tuyến phố văn minh, UBND phường đã xây dựng kế hoạch, chọn 7 tổ dân phố (số 10, 11, 12, 13, 14, 15, 26) và thành lập các tổ công tác tham gia đôn đốc nhân dân xây dựng và đảm bảo vệ sinh môi trường, không đổ rác, đổ phế thải xây dựng trên hè, lòng đường trên các tuyến đường Phan Đình Phùng - Bạch Đằng - Nguyễn Trãi giáp với phường Vị Hoàng - Trần Nhân Tông. Bên cạnh đó, UBND phường thường xuyên tuyên truyền trên đài phát thanh 2 buổi/ngày vận động toàn dân tham gia gìn giữ vệ sinh tuyến phố. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn tồn tại những bất cập, hạn chế trong việc quản lý, gìn giữ trật tự đô thị trên các tuyến phố văn minh trên địa bàn thành phố. Vừa qua, Thường trực UBND TP Nam Định tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá công tác xây dựng tuyến phố văn minh đô thị, tuyến phố không có rác thải theo Chỉ thị 11 của UBND thành phố, thì tất cả 25 phường xã đều chưa đạt số điểm cần thiết để công nhận loại khá; trong đó, các phường như Trần Quang Khải, Hạ Long, Lộc Vượng, Cửa Bắc, Trần Đăng Ninh vẫn tồn tại nhiều “vấn đề”: đổ phế thải trái phép, không kẻ vẽ khu vực để xe trên lòng đường, vỉa hè. Phường Bà Triệu được đánh giá là đơn vị đạt loại khá trong việc triển khai xây dựng và thực hiện tuyến phố văn minh, tuyến phố không có rác thải; trong đó, 17/17 tuyến phố thực hiện tuyến phố không có rác thải, có 6 tuyến phố được chọn làm điểm để triển khai xây dựng mô hình “Tuyến phố văn minh”. Đó là các tuyến phố: Trần Bình Trọng, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Trường Chinh, Trần Đăng Ninh, Hàng Tiện. Nhìn chung, hiệu quả tích cực từ mô hình này đã từng bước tạo sự chuyển biến tích cực đến ý thức người dân trong việc xây dựng và thực hiện “nội quy” trên các tuyến phố văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông, góp phần nâng cao nếp sống văn hoá, văn minh nơi công cộng. Trên địa bàn phường đã thành lập 37 tổ tự quản; các tổ dân phố đăng ký xây dựng Tuyến phố không rác thải; các hộ gia đình và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn ký cam kết thực hiện 5 nội dung tự quản trên tuyến đường (không đổ rác ra vỉa hè, lòng đường; không kinh doanh trên vỉa hè; không bán hàng quá giờ quy định và gây mất trật tự đường phố; không treo biển hiệu, biển quảng cáo sai quy định…).  Nhưng thời gian qua, tại các tuyến phố Trần Bình Trọng, khu vực Dốc Lò Châu; khu vực vành đai chợ Rồng, chợ Mỹ Tho… tình trạng lấn chiếm lòng đường, họp chợ, để phương tiện giao thông trái quy định vẫn tái diễn. Trên tuyến phố Trần Bình Trọng, dọc hai bên vỉa hè, các hộ kinh doanh hiên ngang căng bạt, bầy hàng “chiếm lĩnh” phần đường dành cho người đi bộ, gây mất cảnh quan đô thị. Dưới lòng đường, xe thồ, người bán hàng rong họp chợ với đủ thứ mặt hàng từ hoa tươi, thịt cá, rau củ quả, hàng khô, hàng mã. Những người dân hiện đang cư trú trên địa bàn các tuyến phố “kiểu mẫu” nói riêng và nhân dân thành phố rất bức xúc trước cảnh lộn xộn chiếm lấn vỉa hè, lòng đường, họp chợ, kinh doanh dịch vụ trái quy định tại các tuyến phố này. Trước đây, tuyến phố này nằm trong khu vực chợ Lý Thường Kiệt, sau khi giải toả, xây dựng Tuyến phố Văn minh, mặc dù các lực lượng làm công tác trật tự đô thị và chính quyền, các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động các hộ thực hiện nghiêm túc nội quy xây dựng nếp sống văn minh đô thị nhưng tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để họp chợ, bán hàng rong vẫn chưa được khắc phục. Một trong những nguyên nhân cơ bản là đa phần các hộ có đăng ký kinh doanh là người từ địa bàn khác đến thuê nhà, cửa hiệu. Mặt khác, nơi đây là “chợ đầu mối” bán buôn, bán lẻ mặt hàng hoa quả; vào buổi sáng lượng người đổ về giao dịch đông, gây ách tắc giao thông, rác thải đổ tràn lan, gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan tuyến phố. Thực tế, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý, xử phạt các hành vi vi phạm trên các tuyến phố văn minh chính là vướng chế tài. Bên cạnh đó, 6 tuyến phố văn minh không chỉ nằm trên địa bàn một phường mà trải dài  trên địa bàn các phường Cửa Bắc, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Nguyễn Du, nên việc quản lý chưa có sự thống nhất, đồng bộ. Hàng năm, chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức họp các hộ kinh doanh, ký kết biên bản thực hiện đúng nội quy xây dựng tuyến phố văn minh (không vứt rác ra đường, để phương tiện giao thông đúng nơi quy định, không để hàng hoá và kinh doanh lấn chiếm lòng đường). Khi các lực lượng làm công tác trật tự tiến hành kiểm tra, xử phạt, những người bán hàng rong lại “đối phó” di chuyển, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Để các tuyến phố văn minh ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng thành phố ngày càng “Xanh - sạch - đẹp”, cần tăng cường công tác quản lý, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp chính quyền, các ngành hữu quan. Xây dựng quy chế và có chế tài cụ thể, sâu sát với thực tế, góp phần đẩy lùi và xoá bỏ tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, họp chợ. Các tuyến phố văn minh không đủ tiêu chuẩn theo các tiêu chí xây dựng tuyến phố văn minh đô thị cần được đầu tư, nâng cấp, hoặc kiên quyết “đưa ra khỏi” danh sách, nhằm nâng cao chất lượng tuyến phố “kiểu mẫu” theo đúng mục đích đề ra./.

Việt Thắng Nhật Minh

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.