Đây là thông tin gây “sốc” được nêu ra tại cuộc họp báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trung tuần tháng 11. Bên cạnh dó, việc kiểm tra cũng xác định có đến 63/66 dự án chưa thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ theo quy định của luật năm 2012.
Đại diện Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho hay, việc cấp phép khai thác nguồn nước mặt là vấn đề mới, theo đó rất nhiều tổ chức, cá nhân khi khai thác sử dụng nước và xả nước thải đều không nghĩ rằng mình phải có giấy phép, đặc biệt là việc sử dụng nước mặt và xả nước thải.
Bức tranh lộn xộn của hoạt động thuỷ điện chưa dừng lại ở đó. Một trong những vấn đề “nóng” khác cũng đang được cơ quan chức trách của Bộ TN&MT lưu ý, đó là tình trạng tranh chấp tài nguyên nước.
Một đại diện của Bộ TN&MT cho hay, hiện tượng tranh chấp nguồn nước, chuyển nguồn nước thực tế đã xuất hiện, cụ thể như việc chuyển nguồn nước từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn của công trình thủy điện Đăk Mi 4, hoặc việc chuyển nguồn nước của công trình An Khê - Kannăk, công trình thủy điện Thượng Kon Tum chuyển nước từ lưu vực sông Sesan sang sông Trà Khúc.
Ngoài ra, một số công trình thủy điện đã vi phạm việc cấp nước ở hạ du và chuyển nước của các công trình thủy điện từ lưu vực sông này sang sông khác. Các dự án thủy điện được xây dựng theo quy hoạch đã được cấp phê duyệt. Nhưng nhiều dự án, nhất là các dự án nhỏ, do chưa được đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, triển khai xây dựng gặp khó khăn.
Điều này gây ảnh hưởng lớn đến nguồn nước, môi trường, hiệu quả thấp và phải điều chỉnh. Nhiều công trình thủy lợi đã hoạt động nhưng chưa có giấy phép theo quy định hoặc không đủ điều kiện để cấp phép.
Trước đó, báo cáo kết quả thanh tra về đất đai, môi trường, tài nguyên nước và khí tượng thủy văn năm 2011-2012 của Bộ TN&MT cũng đưa ra con số giật mình. Với 33 dự án thủy điện đang phát điện thì có đến 100% các dự án thủy điện chưa được thực hiện việc đăng kí công trình khí tượng thủy văn theo quy định.
100% dự án đang phát hiện không thực hiện việc duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định. 98,6% các hồ thủy điện vừa và nhỏ được xây dựng ở vùng núi cao xây dựng đập dâng, xả tràn tự do, không có khả năng điều tiết nước vào mùa lũ.
Để một dự án thủy điện được hoạt động, chủ đầu tư thực tế đã trải qua nhiều công đoạn và các thủ tục để được cấp phép với “bộ sưu tập” hàng chục con dấu. Nhưng các quy định chặt chẽ đó dường như đã bị “vô hiệu” khi các con số về sai phạm của các dự án thủy điện được phơi bày.
Liên quan đến tình trạng “buông lơi” quy định bắt buộc yêu cầu các chủ đầu tư thuỷ điện phải có giấy phép sử dụng nguồn nước mặt, trả lời Báo Pháp luật Việt Nam, ông Lê Hữu Thuần - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, Cục này cũng đang trong quá trình thực hiện những công việc liên quan nên “chưa thể trả lời gì vào thời điểm này”.