Nhiều căn nhà bạc tỉ ở khu phố Hưng Gia (khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, TP.HCM) đã bị phạt tiền và có thể bị cưỡng chế tháo dỡ một phần. Nhà nước xử phạt đúng pháp luật, các chủ nhà cũng công nhận có vi phạm nhưng cho biết là họ không “tâm phục”.
Ông K.H., chủ nhà R4-91-92 khu Hưng Gia (người đầu tiên phải chịu mức phạt cao nhất, 300 triệu đồng, kể rành mạch từng chi tiết mà ông đã xây sai so với thiết kế nhà mẫu được duyệt theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500.
Ông K.H. biết rõ phải xây theo bản thiết kế nhà mẫu, nhưng ông lập luận trước đó đã có nhiều nhà xây sai so với nhà mẫu mà vẫn tồn tại nên nhà mẫu đặt ra chỉ để “cho có”, xây sai cũng không sao. Vì thế khi bị UBND phường ra quyết định đình chỉ thi công, bị UBND TP phạt tiền và yêu cầu xây lại cho đúng, ông cũng chỉ thực hiện qua loa.
Khu nhà Hưng Gia (thuộc khu đô thị Phú Mỹ Hưng) - nơi có nhiều căn nhà bị xử phạt do xây sai phép - (Ảnh: Ngọc Hà) |
Người dân đã “lờn thuốc” trước những quy định răn đe và việc xử phạt của chính quyền. Chính việc quản lý xây dựng không nghiêm trong thời gian qua đã tác động sâu sắc đến ý thức chấp hành pháp luật của người dân. |
Cũng như ông K.H., nhiều chủ nhà bị phạt vi phạm xây dựng trong khu Hưng Gia thay vì thực hiện quyết định xử phạt, tháo dỡ phần nhà xây dựng vi phạm thì lại gõ cửa cầu cứu các cơ quan đề nghị thay đổi thiết kế nhà mẫu. Đến khi Nhà nước có lệnh cưỡng chế tháo dỡ phần vi phạm xây dựng, những chủ nhà tìm đến báo chí để “kêu oan” vì cho rằng nhà mình bị xử lý như vậy là không công bằng. Trước đây đã có nhiều vụ xây dựng sai phép hàng ngàn căn nhà ở Tân Bình, Hóc Môn, Gò Vấp... lại được tồn tại và đang được xem xét cấp chủ quyền. Công trình cao ốc Pacific to đùng nằm ngay trung tâm TP sai phép gây hậu quả nghiêm trọng, nay cũng được hợp thức hóa bằng cách cho chủ đầu tư xin phép xây dựng lại với quy mô cao hơn, sâu hơn. Trong 10 năm qua, Nhà nước đã ba, bốn lần lùi thời hạn xử lý nhà xây trái phép nên hàng ngàn căn nhà xây dựng sai đã không bị tháo dỡ. Đó là chưa kể nhiều công trình xây trái phép vẫn tồn tại do một số cán bộ quản lý xây dựng tiêu cực. Với một quá trình quản lý xây dựng lỏng lẻo như vậy, tránh sao khỏi người dân không có suy nghĩ “cứ xây sai, trước sau gì cũng được cho qua”. Một cán bộ của UBND quận 7 tâm sự không chính quyền nào muốn đập nhà của dân, cán bộ cũng xót lắm khi phải cưỡng chế tháo dỡ nhà xây dựng vi phạm. Nếu cán bộ đau một thì người dân bị mất của, mất tiền đau gấp mười lần. Nguyên nhân lớn là từ chỗ cán bộ quản lý xây dựng không làm hết trách nhiệm, chính quyền địa phương đã thiếu quyết tâm trong xử lý vi phạm, cuối cùng là chính sách của Nhà nước không nhất quán. Quy định hiện hành đã chặt chẽ hơn khi cho phép UBND phường tháo dỡ nóng công trình xây dựng sai trong vòng ba ngày. Nếu như các cơ quan nhà nước thực hiện đúng, đủ những quy định trên một cách có trách nhiệm và công bằng, người dân sẽ tâm phục khẩu phục khi bị xử phạt hoặc bị cưỡng chế đập nhà. Và chắc chắn những vi phạm xây dựng vì tâm lý “lờn thuốc” như trường hợp ở khu Hưng Gia sẽ không xảy ra.
Theo Khánh Yên
Tuổi Trẻ
Tuổi Trẻ