Cùng với nền nhạc, âm thanh, không gian... lời thoại góp phần hộ trợ những gì khung hình chưa nói hết. Có những câu thoại đã trở thành "kinh điển" và bước từ phim vào đời sống. Với hầu hết những nước có nền điện ảnh phát triển, lời thoại phim là cả một nghệ thuật tinh xảo. Còn ở Việt Nam dường như đó vẫn đơn giản chỉ là "phao cứu sinh" cho diễn xuất."Tiết kiệm" diễn xuấtThông thường, khi phải biểu đạt một trạng thái cảm xúc nào đó của con người, diễn viên phải sử dụng khả năng diễn xuất như một thứ yêu cầu nghề nghiệp bắt buộc. Nhưng khi diễn xuất không đạt đến độ chân thực cần thiết, diễn viên buộc phải tìm đến lời thoại... để chữa cháy.
Trong phim Chạy án nghe câu đúng là hô khẩu hiệu 100% "Nào các đồng chí, chúng ta quyết tâm phá vụ án này để mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân". |
Dần dần "thoại thay diễn" dần dần trở thành một thứ "phao cứu sinh" quen thuộc. Nhìn vào thực tế điện ảnh Việt Nam mới thấy tồn tại một thực tế: bản thân lời thoại trong phim đã không xuất sắc gì nhưng lại phải lãnh thêm trách nhiệm khoả lấp sự yếu thế trong khâu diễn xuất, như dân gian vẫn có câu "ốc chưa mang nổi mình ốc...".Có thể nhặt ra rất nhiều những câu thoại nhạt về từ ngữ, vô hồn về cảm xúc trong phim Việt Nam "Bố rất tự hào về con, con làm bố cảm thấy rất vui" hay "Anh đi ra ngoài đi, hãy để em yên"... Hay trong phim Chạy án nghe câu đúng là hô khẩu hiệu 100% "Nào các đồng chí, chúng ta quyết tâm phá vụ án này để mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân".Gần đây, không chỉ gánh cho diễn xuất, lời thoại còn mang thêm một trách nhiệm nặng nề là dẫn chuyện. Thay vì thể hiện những phân cảnh hồi tưởng phức tạp, có nhiều phim để nhân vật ngồi kể vo vo diễn biến tình huống để tiết kiệm chi phí và thời gian.Lời thoại phim Việt nhạt, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về biên kịch, kế đến là đạo diễn và sau cùng mới là diễn viên. Nhưng theo lời một nhà biên kịch "cứng tay" trong làng điện ảnh, lời thoại có ổn đến mấy nhưng diễn viên diễn kém, không hợp vai thì vẫn dở như thường. Diễn viên cứ ngắt nghỉ tuỳ tiện và máy móc khi thoại, cầm kịch bản lên cứ dấu phảy thì nghỉ ngắn, dấu chấm nghỉ dài, thế mới khiến khản giả tức anh ách khi nghe những câu: "Xin lỗi (ngắt) cho tôi hỏi (ngắt) đây có phải nhà riêng của ông A (ngắt) giám đốc công ty B không".Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết: "Hiện nay có nhiều phim khá tốt nhưng lỗi về thoại, về tình huống kịch, cốt truyện quá nặng. Lỗi do biên kịch, do biên tập phim cả nể, buông xuôi, lười nhác với chính mình. Vậy nên việc cẩu thả, ấu trĩ tràn ngập trong phim".Bệnh "độc thoại" và bệnh "thuộc lòng"Vấn đề đặt ra tại sao cùng một lời thoại bay bướm nhưng các diễn viên Hàn Quốc, Trung Quốc họ chinh phục được khán giả, làm người ta tin rằng họ đang nói thật, họ có cảm xúc thật? Câu trả lời được nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã lý giải: "Lời thoại trong phim Hàn Quốc đạt được đến mỹ cảm của ngôn từ, tức là lời thoại đẹp, đúng với hoàn cảnh, tính cách nhân vật, đúng độ, đúng cách, cộng hưởng với một gương mặt đẹp và một diễn xuất tốt, vì thế họ thành công. Đấy là lý do vì sao ở ngoài đời, có thể người Hàn không nói với nhau như vậy, nhưng lên phim khán giả vẫn chấp nhận mà không thấy kịch."
Cảnh trong Bỗng dưng muốn khóc... |
Rất nhiều bộ phim được khán giả đánh giá khá thời gian gần đây như: Chạy án, Bỗng dưng muốn khóc... vẫn không thể tránh khỏi căn bệnh mang tên "độc thoại". Trong Bỗng dưng muốn khóc khán giả được khá nhiều phen sốt ruột khi toàn phải nghe các nhân vật tự nói với mình hơn suốt... 10 phút. Rồi trong phim Chạy án những cảnh nghe điện thoại thường được đóng rất "kịch" kiến người nghe biết ngay là ... thoại giả vờ do diễn viên học thuộc lòng kịch bản.Bạn Hoàng Oanh - 25 tuổi nhân viên marketing của một công ty truyền thông, một fan hâm mộ phim Nhật và phim Hàn đã bày tỏ: "Tôi thấy diễn viên Việt Nam thường quá tập trung đến khâu lời thoại nên diễn xuất trở nên rất cứng nhắc. Hơn nữa, lời thoại phim Việt đặc biệt là những phim phía Bắc sản xuất thường quá khách sáo, rào đón, bóng bẩy... nên càng khiến cho phim mất tự nhiên. Ngay đến cả những vai diễn xã hội đen, đầu gấu họ dùng những ngôn ngữ rất dung tục và đường chợ để cho gần gũi với đời sống, nhưng người xem vẫn thấy... thế nào".Cùng chung quan điểm đó anh Huy Bình - nhân viên kỹ thuật một công ty điện lực đồng tình: "Diễn viên Việt Nam hình như quá lệ thuộc vào kịch bản. Có những cảnh diễn viên A thoại xong rồi nhưng diễn viên B chưa nhớ ra lời thoại hoặc bắt vào lời thoại kế tiếp không ăn ý đã khiến cảnh quay bị dừng lại trong tích tắc, xem thấy rất kịch. Gần đây một số phim như Bỗng dưng muốn khóc, Cô gái xấu xí... diễn viên hình như đã tự nhiên hơn trong thể hiện lời thoại, cách đài từ chủ động hơn". Còn bạn Thanh Thuý - sinh viên trường Đại học Luật cho rằng: "Phim Việt giờ vàng rất hiếm khi thu hút được giới trẻ mà chủ yếu ngồi trước màn hình là các khán giả trung niên, những người vì ít xem phim nước ngoài nên bớt khó tính với những diễn xuất và lời thoại buồn tẻ trên phim Việt"Một khán giả tên Văn Tuấn đã tâm sự rất thật trên một trang báo điện tử: "Mỗi lần xem phim Việt Nam tôi có cảm tưởng như mình đang theo học một lớp giáo dục triết lý hay đạo đức phi thực tiễn, bởi lời thoại của các nhân vật luôn quá cao siêu "kinh viện", "hàn lâm" gân guốc. Có phải các nhà làm phim nghĩ rằng làm như thế mới nâng được tầm tư tưởng của đứa con mình lên?. Hay không nói thẳng ra thì sợ người xem không hiểu được?".Trong siêu phẩm điện ảnh đình đám một thời Tinanic, câu nói của nhân vật Jack Dawson khi dang tay đứng trước mũi tàu Tinanic: "Ta là vua của thế giới" đã được bình chọn là câu nói dở nhất trong lịch sử điện ảnh. Có những suy nghĩ cho rằng, một tác phẩm điện ảnh lớn đến như thế mà vẫn có những hạt sạn trong lời thoại thì những bộ phim truyền hình của Việt Nam thoại dở cũng là đương nhiên. Chừng nào còn tồn tại những cách nghĩ như thế cũng là lúc sự dễ dãi trong nghệ thuật còn đất dung thân, và những bộ phim thật sự chất lượng vẫn chưa biết khi nào mới ra đời.
Theo Đời sống gia đình