Lý giải nguyên nhân triều cường kỉ lục, nhiều chuyên gia khí tượng cho rằng, đó là gió chướng hoạt động mạnh, mực nước tại các cửa sông dâng cao đúng lúc triều cường lên gây ra.
Biến đổi khí hậu khiến trái đất nóng lên, cùng với hiện tượng tan băng làm mực nước biển dâng cao. Trong những năm qua, ghi nhận của các nhà khí tượng cho thấy, mực nước triều cường liên tục tăng qua mỗi năm và không có dấu hiệu rút xuống.
Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, đây vẫn chưa phải là đợt triều cường cao nhất của năm nay, dự kiến từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ trải qua thêm 3-5 đợt triều cường và có khả năng sẽ phá kỉ lục của đợt mới đây.
Một luồng ý kiến khác cho rằng, dẫn đến tình trạng ngập nghiêm trọng tại TP HCM và các tỉnh Nam bộ phải kể đến sự bất hợp lý trong kết cấu hạ tầng. Mật độ xây dựng quá dày đặc, đô thị bị bê tông hóa và việc lạm dụng khai thác nước ngầm dẫn đến tình trạng ngập "không lối thoát".
Hiện, nhiều khu vực tại TP HCM còn thấp hơn cả mực nước sông, đó cũng chính là những khu vực luôn ngập khi triều cường lên. Cạnh đó, hệ thống thoát nước cũ kĩ, thiếu tu bổ, hệ thống thoát nước nhỏ, kĩ thuật chống ngập úng không theo kịp với sự phát triển chóng mặt của đô thị cũng là một nguyên nhân được đưa ra cho vấn đề triều cường.
Một nguyên nhân đã được các chuyên gia quy hoạch đưa ra từ nhiều năm nay, đó là sự thiếu sự đồng bộ trong quản lý cao độ xây dựng, dẫn đến tình trạng hình thành các vùng trũng thấp cục bộ, đặc biệt là các khu vực đô thị hiện hữu so với các tuyến đường mới được nâng cấp, hay các đô thị mới hình thành. Việc biến các vùng trũng, thoát nước thành khu đô thị khiến nước không lối thoát đã được các chuyên gia nhiều lần chỉ ra là điểm bất hợp lý lớn trong quy hoạch xây dựng thành phố.
Nguyên nhân thì quá nhiều, và phần nhiều trong số đó là những nguyên nhân thuộc diện "khó xử lý". Việc xác định được đúng nguyên nhân là một yếu tố rất quan trọng để thành phố có thể tháo gỡ "nút thắt" ngập nước, giúp người dân có được cuộc sống bình thường, "khô ráo" như mơ ước.