Không phổ biến quy định, phát dụng cụ cho học sinh
Tại cơ quan công an, Thắng khai nhận, lúc vào bơi đã không phổ biến cho lớp về quy định về an toàn bơi lội hay phát dụng cụ cho học sinh.
Thắng kể lại, khi nghe tin là em H.A bị đuối nước thì Thắng cùng một số giáo viên bộ môn thể dục thì nhanh chóng chạy vào bể, cứu vớt lên trên bờ, sau đó tiến hành mọi biện pháp sơ cứu, sau đó gọi xe cấp cứu và đưa cháu đến bệnh viện. Lên đến bệnh viện, tại bệnh viện các bác sĩ thông báo rằng đã tử vong ngoại viện.
“Với lương tâm và trách nhiệm của một giáo viên phụ trách để xảy ra cái sự việc như thế tôi thấy rất buồn và cắn rứt lương tâm. Tôi là một nhà giáo, không may để chuyện đấy xảy ra thì bản thân tôi cũng hiểu rõ và nhận thức được hành vi, trách nhiệm của mình trong vụ việc”, Thắng khai nhận.
Do quá tự tin vào bản thân
Tại cơ quan công an, Thắng khai nhận buổi học hôm đó, sẽ là 3 tiết học, tuy nhiên, ngày hôm đấy là buổi lần đầu tiên là thực hành dưới bể.
Theo quy định của nhà trường một buổi học bơi thường sẽ có một thầy giáo phụ trách, giáo viên bộ môn và ngoài ra sẽ có thêm hai nhân viên cứu hộ bể bơi. Ngày hôm đó, Thắng cho học sinh khởi động xong để dẫn vào bể. Tuy nhiên trong bể chưa mở cửa, chỉ để một lối cửa sau và không khóa cửa, nên Thắng đã dẫn các em vào. Khi vào bể bơi, không thấy có cán bộ, nhân viên quản lý, Thắng cũng không báo cho Ban lãnh đạo Nhà trường cùng với bên Ban quản lý và nhân viên. Sau đó Thắng cho các em tắm tráng và hướng dẫn là xuống bể.
“Tuy nhiên, tôi không hướng dẫn rõ là đối tượng nào không biết bơi ở đâu hoặc là những ai biết bơi ở khu vực nào, mà tôi chỉ cho các bạn xuống bể và bơi tự do”, Thắng cho biết.
Đồng thời, hôm đó cũng là buổi đầu tiên dạy bơi, nên Thắng không nắm rõ được là những bạn học nào biết bơi hay không biết bơi. Thắng chỉ giám sát, nhìn và đánh giá trên năng lực của bản thân các em, bạn nào biết bơi và chưa biết bơi.
Khi nhận được câu hỏi, cho học sinh học bơi, nhà trường có quy định phải mặc áo phao không? Thắng trả lời: “Theo quy định của giáo án, lên kế hoạch của giáo án và theo quy trình thì sẽ phát phao bơi khi học bơi. Lúc đấy bản thân tôi cũng đã chuẩn bị và nhà trường cũng đã chuẩn bị phao bơi cho học sinh. Tuy nhiên, buổi ngày hôm đó thì ở trong bể bơi không có phao bơi, chỉ có phao cứu hộ, tôi dẫn học sinh vào, quá tự tin vào bản thân và chỉ cho các bạn xuống bơi tự do và chưa phát phao bơi”.
Cũng trong buổi hôm đó, Thắng không mặc quần áo theo quy định khi dạy bơi. “Lúc cho học sinh bơi tôi chỉ là sơ ý, không quan sát kỹ, vô tình sử dụng điện thoại và dẫn đến trường hợp xấu nhất xảy ra”, Thắng khai nhận.
Trước đó, như Báo Pháp luật Việt Nam đưa tin, chiều 22/8, lớp 9XX của trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam (phường Dương Nội, quận Hà Đông) có tiết bơi lội từ 13h20 đến 14h, do giáo viên Trần Lâm Thắng phụ trách.
Khi dẫn học sinh vào bể bơi, giáo viên này không phổ biến, hướng dẫn mà để các bạn tự do xuống bể bơi thực hành.
Trong quá trình các em bơi lội, giáo viên Thắng không quản lý, giám sát, mà chỉ ngồi ở ghế đầu bể bơi và thường xuyên sử dụng điện thoại di động. Do đó, thầy Thắng không phát hiện em P.H.A xuống bể bơi nhưng không bơi, mà chỉ đi bộ đến đoạn qua dây phao ngăn cách độ sâu 1,2m và 1,55m thì không đi được nữa, rồi vùng vẫy liên tục trong thời gian khoảng 3 phút trước khi bị chìm.
Khoảng 20 phút sau, thầy Thắng gọi, yêu cầu các em lên bờ rồi cho lớp tự giải tán. Lúc này, vẫn chưa có ai phát hiện cháu H. A bị chìm.
Đến 14h06, anh Hà Văn Xuân, là nhân viên vệ sinh của bể bơi, trong lúc dọn vệ sinh bể bơi thì phát hiện học sinh H.A nằm bất động dưới đáy bể, khu vực mực nước sâu 1,55m. Anh Xuân cùng một số giáo viên trong trường đưa cháu H.A vào Bệnh viện đa khoa Hà Đông cấp cứu. Sau đó cơ quan chức năng xác định cháu H. A đã tử vong ngoài viện.
Căn cứ các tài liệu điều tra, ngày 23/8, Cơ quan điều tra Công an quận Hà Đông đã ra quyết định khởi tố vụ án, ra Quyết định tạm giữ hình sự đối với Trần Lâm Thắng về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng./.