Phổ biến tình trạng không niêm yết giá
Theo thông tin tử Tổng cục QLTT, ngay sáng 7/3, khi người dân chen nhau đi mua thực phẩm để tích trữ, Tổng cục QLTT đã có văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân. Các địa phương ra quân sớm và đồng loạt như Cục QLTT Hà Nội, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Quảng Ninh…
Ông Võ Hồng Trung - Phó Cục trưởng Cục QLTT Lạng Sơn cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp đã tác động đến tâm lý tích trữ lương thực, thực phẩm để dự phòng của người dân tăng cao, khiến cho các hoạt động mua bán thực phẩm diễn ra mạnh, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm như mỳ tôm, thịt hộp, các đồ ăn khô... Theo đó, Cục này đã chỉ đạo các Đội QLTT đồng loạt ra quân từ ngày chủ nhật - 8/3.
Cụ thể, các đội QLTT đã tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn, ký cam kết với các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu hằng ngày của nhân dân không lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, ép giá, bán hàng cao hơn so với giá niêm yết, bán hàng kém chất lượng... Đồng thời nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ngay trong ngày 8/3, các Đội QLTT trực thuộc Cục QLTT Lạng Sơn đã tuyên truyền, vận động ký cam kết với 99 cơ sở kinh doanh là các siêu thị, doanh nghiệp đầu mối cung cấp hàng hóa trên địa bàn tỉnh và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Lực lượng này cũng đã phát hiện, xử lý 19 vụ việc vi phạm về hành vi kinh doanh hàng hóa thực phẩm không niêm yết giá, kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng, buộc tiêu hủy một số hàng hóa thực phẩm quá hạn sử dụng.
Cục QLTT Quảng Ninh cũng đã triển khai làm việc với Ban quản lý (BQL) các chợ để thực hiện kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết tại các cơ sở kinh doanh; tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình trạng khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng.
Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo các đội QLTT ra quân tiến hành giám sát tình hình thị trường đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng, để tránh xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng đối với các mặt hàng này nhằm bình ổn tình hình thị trường trên địa bàn thành phố; đồng thời kiểm tra các cửa hàng nhỏ lẻ, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như gạo; hàng khô…
Phải quản chợ truyền thống như siêu thị
Trao đổi với phóng viên, một cựu cán bộ của BQL chợ Mai Động, Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, về cơ bản, BQL chợ không bắt bà con niêm yết giá, chỉ khi nào có đợt kiểm tra của lực lượng QLTT, BQL chợ mới yêu cầu bà con thực hiện đầy đủ.
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cũng cho biết, không thể tiến hành xử phạt các tiểu thương ở chợ vì ở đó mua - bán bằng tiền mặt, không có hóa đơn. Thêm nữa, trách nhiệm quản lý chợ thuộc về chính quyền địa phương, QLTT chỉ có thể hỗ trợ trong một thời điểm nhất định.
Trả lời PLVN về tình hình quản lý giá cả tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, khi tiến hành kiểm tra tại các chợ đều phải thông quan BQL chợ.
Hiện nay, mới chỉ đang cố gắng vận động các tiểu thương ở chợ niêm yết giá và khuyến khích thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm. “Không thể quản lý chợ bài bản như quản lý siêu thị vì vướng nhiều quy định pháp luật”, ông Đông nói.
Trước thực tế không thể quản lý việc niêm yết giá tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh, ông Đông cho biết, Vụ này đang dự kiến báo cáo Bộ Công Thương trình sửa đổi Nghị định 02/2003 và Nghị định 114/2009 (sửa đổi một số điều tại Nghị định 02) về quản lý chợ theo hướng thể chế hóa các chợ truyền thống và quản lý như quản lý siêu thị.
Cụ thể, sẽ có các mức phạt đối với hành vi không niêm yết giá tại chợ và cần phải chuyển đổi chợ thành doanh nghiệp để có thể quản lý giám sát dễ dàng hơn.
Thực tế, tại khoản b Điều 7 Nghị định 02/2003 quy định, đối với chợ đang hoạt động do BQL chợ điều hành sẽ từng bước chuyển sang thực hiện việc tổ chức đấu thầu để lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ. Sau đó, doanh nghiệp kinh doanh, quản lý chợ phải tiến hành báo cáo định kỳ với Bộ Công Thương (theo Điều 9 Nghị định 02).
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Đông, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ đã từng vấp phải sự phản đối mạnh của tiểu thương do bà con quen bán tự do, không bị ràng buộc, quản lý nên vẫn chưa thể thực hiện.