Trong cuộc sống vợ chồng có câu “của chồng công vợ” được hiểu theo nghĩa ghi nhận công sức của cả hai người trong đời sống hôn nhân, sướng cùng hưởng, khổ cùng chịu. Thế nhưng, trong thực tế lại có những ông chồng/bà vợ lạm dụng khái niệm này để gieo rắc nợ nần cho bạn đời.
Tiền nào cũng là tiền
Chị Đ.H là cán bộ của Cục Thuế một tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Khi thi đỗ vào Cục Thuế chị Đ.H tưởng rằng cuộc đời của mình đã sang trang. Nào ngờ trong hai tháng chị đi học nâng cao nghiệp vụ ở Hà Nội, chồng chị thất nghiệp ở nhà đã sa vào lô đề cờ bạc, vay mượn lung tung. Khi chị Đ.H kết thúc khóa học ở Hà Nội cũng là lúc chồng chị phải chạy vào miền Nam trốn nợ.
Thương chồng, sợ hãi cảnh chủ nợ dọa nạt, chị cũng đành bỏ công việc ở Cục Thuế để ôm con theo chồng vào Nam với tâm trạng rối bời. Ở TP HCM, vợ chồng chị được họ hàng cho vay một khoản tiền để mở quán thịt chó mưu sinh. Sau ba tháng hoạt động, thấy quán có đồng ra đồng vào, bố mẹ chồng chị đã vào Nam với cái tiếng là để phụ vợ chồng con trai quản lý quán, nhưng thực chất họ nắm toàn bộ quyền điều hành vì sợ con trai lại sa vào cờ bạc nợ nần và không tin tưởng con dâu.
Thế nên, bỗng dưng chị Đ.H trở thành người thừa trong chính nhà, quán của mình. Chị không được tham gia bất kỳ việc gì liên quan đến quán, chỉ có mỗi việc lo cơm cho 5 miệng ăn từ khoản tiền bố mẹ chồng đưa hàng ngày. Còn lại các khoản tiền lời lãi từ quán bố mẹ chồng chị gửi tiết kiệm dưới tên họ, tiền học, tiền chữa bệnh cho cháu nội của họ là con trai chị Đ.H bố mẹ chồng chị cũng không chi, buộc chị phải xin bố mẹ đẻ.
Thương con gái, bố mẹ đẻ chị ở ngoài Bắc bán đất hương hỏa, gửi tiền vào để con mình tự mở một quán khác sinh sống nuôi con. Cũng đúng lúc này số tiền nợ người họ hàng vay mở quán thịt chó đến kỳ đáo hạn, cùng với sự ngấp nghé của vài chủ nợ vì chồng chị vẫn không bỏ được thói cờ bạc. Thấy con dâu có món tiền, bố mẹ chồng chị yêu cầu chị bỏ ra để trả nợ họ hàng và trả nợ cho chồng với lý lẽ tiền nào cũng là tiền, có trong lúc vợ chồng là tiền chung.
Bị ép buộc, chị Đ.H làm đơn xin ly hôn, nhưng chồng chị tuyên bố chỉ ký nếu chị đứng ra trả hết mọi nợ nần. Chị Đ.H nhất định không chịu vì đây là món tiền mồ hôi nước mắt của bố mẹ chị. Được sự “bật đèn xanh” của bố mẹ chồng và chồng chị Đ.H, người họ hàng cho vay nợ cùng các chủ nợ cờ bạc đe dọa sẽ kiện ra tòa nếu chị không trả nợ.
Chỉ liên đới vì mục tiêu gia đình
Trong những tình huống nhất định, người vợ/chồng có thể thẳng thừng từ chối việc chìa vai gánh nợ hộ bạn đời của mình, đó là một “lối thoát” về phương diện pháp luật mà ít người biết.
Luật Hôn nhân – Gia đình năm 2000 có điều luật quy định về trách nhiệm liên đới của vợ/chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện, cụ thể “vợ hoặc chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình”.
Như vậy, trong câu chuyện của chị Đ.H việc bố mẹ chồng chị dưới danh nghĩa quản lý hộ gia đình con trai nhưng đã sự thực chiếm dụng phục vụ mục đích riêng và chồng chị vay nợ cờ bạc là đáp ứng nhu cầu cá nhân, chứ không phải cho nhu cầu sinh hoạt gia đình. Thế nên, chị Đ.H không có nghĩa vụ phải dùng tiền của bố mẹ mình cho riêng để thanh toán các khoản nợ.
Mặt khác, tuy hiện diện trong thời kỳ hôn nhân, nhưng bố mẹ chị Đ.H cho riêng chị khoản tiền nói trên, nên đó là tài sản riêng của chị được tặng cho trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại Điều 32 của Luật HN-GĐ. Theo tư vấn của luật sư, chị Đ.H có quyền yêu cầu chồng thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân theo Điều 29 Luật HN-GĐ. Người chồng sẽ dùng phần tài sản của mình để tự trả nợ nần cờ bạc mà chị Đ.H không có trách nhiệm liên đới.
Linh Thụy