Chuyện Nhà tù Hỏa Lò “thức đêm”
Mới đây, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết dự kiến sẽ mở cửa buổi tối từ tháng 7 nhân kỷ niệm tháng tri ân các anh hùng liệt sĩ. Theo đó, mỗi tối sẽ có 2 tour tham quan với thời lượng 45 phút/tour, tập trung vào các trải nghiệm với hình ảnh, hiện vật, sản phẩm đặc thù, gắn với những câu chuyện của những chiến sĩ cách mạng thời kháng chiến chống Pháp. Đầu tháng 7 sẽ áp dụng để đo lường hiệu quả và sẽ xem xét tiếp tục mở rộng hoặc kéo dài.
Ban Quản lý cũng cho biết, di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ quảng bá bằng việc sử dụng các logo, pano cùng những thước phim giới thiệu đặc trưng, đi kèm là những sản phẩm gắn với đặc thù của di tích như quả bàng khô, lá bàng khô, hay những chiếc bát sơn mài làm từ gáo dừa…
Di tích Nhà tù Hoả Lò mở tour ban đêm. |
Mặt khác, khách tới di tích Nhà tù Hỏa Lò những ngày này cũng được hưởng loạt ưu đãi về giá vé, dịch vụ miễn phí như trông xe, phục vụ dâng hương tại Đài tưởng niệm, nghe thuyết minh qua thiết bị hướng dẫn, được nhận phần quà lưu niệm gắn với di tích…
Du lịch di tích về đêm là một ý tưởng hay nhưng đây không phải là lần đầu tiên áp dụng tại Hà Nội. Trước đây, Văn Miếu – Quốc Tử Giám từng có thời gian thử nghiệm mô hình này nhưng chưa thành công.
Những di tích quốc gia đặc biệt ở Hà Nội khác như đền Ngọc Sơn hay Hoàng thành Thăng Long cũng đang hướng tới giải pháp này để thu hút du khách nội địa nhiều hơn sau dịch Covid-19, đồng thời khắc phục khó khăn về thời tiết nóng gắt của mùa hè. Đơn cử, Di tích quốc gia đặc biệt đền Ngọc Sơn cũng đang mở cửa đón khách tham quan tới 21h vào 3 buổi tối cuối tuần và ngày 30, mồng 1 Âm lịch hằng tháng.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc mở cửa di tích vào ban đêm không nên áp dụng tư duy từ các sản phẩm du lịch ban ngày, không đơn thuần chỉ là kéo dài thời gian tham quan về đêm mà cần có những ý tưởng, hoạt động mới mẻ, độc lạ, phù hợp với không gian, thời gian buổi tối.
Do vậy, người xây dựng sản phẩm du lịch di tích về đêm cần trả lời những câu hỏi như: Du khách thường làm gì vào buổi tối; Tại sao họ cần đến di tích, bảo tàng vào buổi tối để tham quan; Cần tạo ra những hiệu ứng gì về đêm để nêu bật câu chuyện của di tích; Điều gì khiến du khách quay trở lại; Giá cả nên tăng hay giảm so với ban ngày...
Cần tư duy sáng tạo, đột phá
Mô hình mở cửa di tích, bảo tàng ban đêm không mới lạ đối với nhiều quốc gia trên thế giới và được áp dụng một cách rất sáng tạo, linh hoạt, từ trong cách tổ chức đến quảng bá. Nếu nói đến du lịch bảo tàng, nước Mỹ chính là một hình mẫu lý tưởng bởi số lượng bảo tàng khổng lồ, đa dạng với rất nhiều ý tưởng hay về đêm cho các nước khác tham khảo nếu muốn phát triển loại hình này.
Nếu ai đã từng xem bộ phim “Night at the Museum” sẽ hiểu rõ hơn thế nào là một đêm trong Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ tại thành phố New York (Mỹ). Đáng nói, đối tượng của sản phẩm này hướng tới là các em nhỏ trong độ tuổi từ 7-13, có niềm yêu thích, đam mê với lịch sử, khoa học.
Một đêm khám phá ở bảo tàng là sản phẩm đặc sắc cho trẻ em của nhiều bảo tàng ở Mỹ. |
Du khách nhí tham gia tour đêm này có thể lăn mình trong chiếc túi ngủ dưới mô hình cá voi xanh trong Hội trường Động vật có vú Bắc Mỹ; xem thước phim “Những bí ẩn của hồ lớn” trong Nhà hát LeFrak IMAX và khám phá các mô hình động vật sống hoặc tìm hiều các hoá thạch động vật trong bảo tàng. Trọn gói tour còn bao gồm bữa ăn nhẹ vào buổi tối và buổi sáng hôm sau. Đa số những trẻ em ở New York đều mong muốn dành một đêm tại bảo tàng để khám phá những kì quan của thế giới tự nhiên.
Mặt khác, Bảo tàng Học viện Khoa học California (San Francisco, bang California) “biến mình” thành một hộp đêm từ 6-10h mỗi tối thứ Năm hàng tuần. Đối tượng chủ yếu là khách từ 21 tuổi trở lên. Theo đó, Bảo tàng được thiết kế để tạo cảm giác như một thị trấn thu nhỏ về đêm, với DJ, quán bar cocktail, trạm thực phẩm và những khu dành cho dân “hippy”.
Bên cạnh đó, du khách có thể tham quan đầy đủ các triển lãm trong bảo tàng, bao gồm cả thủy cung và rừng nhiệt đới 4 tầng hoặc hưởng thụ bầu trời thành phố trên mái nhà của bảo tàng. Các chương trình khoa học, bài giảng, buổi chiếu phim về đêm cũng được cung cấp hàng tuần như là một trải nghiệm khoa học toàn diện.
Còn tại Thủy cung Thái Bình Dương (Long Beach, California) có chương trình “Cuộc sống đêm của nhiếp ảnh gia” hướng tới chủ yếu là những nhiếp ảnh gia và người đam mê chụp ảnh. Không gian về đêm cung cấp cho người chụp ảnh một không gian làm việc độc lập để bắt được những tấm hình tự nhiên nhất về các loài động vật biển như sứa, lươn moray, cá đuối gai độc và cá mòi… (trừ rồng biển).
Tại bảo tàng cũng có một bộ phận trợ giúp làm việc qua đêm để cung cấp dịch vụ cho thuê ống kính và các phụ kiện máy ảnh khác khi du khách cần. Trước khi tham gia một đêm như vậy, du khách được yêu cầu tham gia một hội thảo nhiếp ảnh với diễn giả nhằm cung cấp thông tin cơ bản về nhiếp ảnh, cũng như về sơ đồ bảo tàng.
Trên đây mới chỉ là số ít trong rất nhiều ý tưởng về du lịch bảo tàng, di tích về đêm tại Mỹ, trong đó có nhiều hoạt động tập trung vào chuyên đề về đêm như nghiên cứu thiên văn học, loài động vật đêm, sáng tác nghệ thuật đêm…
Còn tại Việt Nam, dù đã có manh nha ý tưởng cho tham quan di tích về đêm nhưng có thể thấy những hoạt động này vẫn bị ảnh hưởng và chi phối chủ yếu bởi tư duy làm du lịch buổi sáng. Khi đêm xuống, hành vi và cảm xúc của du khách có sự thay đổi đáng kể. Điều này cần được cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng trong các kế hoạch phát triển du lịch di tích, bảo tàng ban đêm.