Lời dặn dò của Bác và ước mong cả đời của đôi vợ chồng già

Vợ chồng ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu tại một buổi giao lưu trực tuyến với bộ đội và thanh niên.
Vợ chồng ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu tại một buổi giao lưu trực tuyến với bộ đội và thanh niên.
(PLO) - Đôi vợ chồng ấy là Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu nổi tiếng với mối tình thủy chung, son sắt. Ông Lê Hồng Tư là tử tù bị đày ra Côn Đảo từ năm 1961, bà Nguyễn Thị Châu là nữ sinh, nữ Cộng sản nổi tiếng trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định. 

Khi phóng viên thực hiện bài viết này, bà Nguyễn Thị Châu kể ông Lê Hồng Tư vừa qua cơn nhồi máu, nhưng vừa khỏe là ông lại lấy xe máy đi làm công tác xã hội vì ông luôn mong muốn được làm việc, cống hiến đến hơi thở cuối cùng. Hiện hai vợ chồng ông bà Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu đang ở căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Duy Dương (P3, Q10, TP HCM). Như một nếp quen, vợ chồng ông bà vẫn cần mẫn học và hành qua sách, báo, qua những buổi nói chuyện chuyên đề như thời son trẻ. Bởi với họ, lời dặn của Bác Hồ vẫn còn nguyên đó, học để phục vụ cách mạng là hành trình dài cả một đời người…

Gác tình riêng để lo nợ nước

Còn nhớ ngày sinh nhật Bác Hồ năm 2017, nhiều người xem đứng tần ngần trước hiện vật món quà là chiếc khăn tay, quạt và lá thư của một đôi vợ chồng cán bộ cách mạng miền Nam gửi tặng Bác Hồ nhân sinh nhật lần thứ 78 của Người. Chiếc quạt giấy in hình đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc; chiếc khăn vuông lụa trắng phau, thêu hình hai đứa trẻ chơi đùa ở góc khăn. Kèm theo đó là lá thư viết ngày 17/5/1968: “Kính gửi Bác của hai cháu. Chúng cháu rất nhớ Bác và mong có ngày được đón Bác vào Nam. Anh Lê Hồng Tư của cháu vẫn ao ước ngày nước nhà độc lập, hai chúng cháu sẽ được dẫn nhau đi đón Bác. Những lúc gặp khó khăn nhất, chúng cháu đều nhớ đến Bác. Hôm nay chúng cháu gửi tặng Bác hai món quà kỷ niệm trong tù, có nhiều hình ảnh sâu đậm về Bác. Chúng cháu nhớ Bác nhiều lắm. Cả miền Nam đều mong nhớ Bác và mong gặp Bác. Kính nhớ Bác. Hai cháu Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu”. 

Xem xong hiện vật, nhiều khách tham quan băn khoăn với câu hỏi đôi vợ chồng này là ai. Cùng chung câu hỏi với họ, phóng viên đã có hành trình tìm hiểu. Nguyễn Thị Châu, sinh năm 1938, xuất thân từ một gia đình nghèo ở Biên Hòa, Đồng Nai, phải vay mượn tiền lên Sài Gòn ăn học. Anh chàng lớp trưởng mà sau này trở thành người bạn đời là Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Lê Hồng Tư, người đã giác ngộ cách mạng cho chị.

Ngày đầu chân ướt chân ráo đến trường, nhiều thứ còn bỡ ngỡ nên sự nhiệt tình của  lớp trưởng Lê Hồng Tư khiến Nguyễn Thị Châu bất ngờ và cảm động. Nhưng rồi những buổi trò chuyện về lý tưởng, về hạnh phúc xen giữa những buổi học, sinh hoạt ngoại khóa và sau này là những lần bặt vô âm tín hàng tuần, hàng tháng, Nguyễn Thị Châu lờ mờ hiểu rằng người con trai mà cô đang tin cậy như người anh, người bạn không giống như bao học sinh khác. Từ tình bạn dần dần Lê Hồng Tư cảm hóa Châu trở thành người đồng chí trong phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn mà Châu hoạt động rất tích cực.

Một chiều thứ bảy, năm 1958, Lê Hồng Tư lựa lời đề cập đến chuyện tình cảm. Không ngờ Nguyễn Thị Châu trả lời: “Em chưa nghĩ đến chuyện đó đâu. Em còn phải lo chuyện học, chuyện nuôi các em”.  Mãi đến năm 1959, sau khi đi thoát ly, Lê Hồng Tư mới có dịp gặp lại người mình yêu và anh lại hỏi về lời cầu hôn, nhưng Châu vẫn không trả lời. Phải đến hè năm 1960, trước khi đi công tác xa, anh mới có dịp hẹn gặp chị để trao đổi, giới thiệu người thay thế mới. Ông Lê Hồng Tư kể: “Tôi có linh tính lần gặp mặt đó là lần chia xa, nên có nói với Châu rằng: “Nếu còn sống trên đời này tôi vẫn còn giữ ý định thành hôn với Châu, dù phải đi hết một vòng trái đất để đến với Châu tôi cũng sẵn lòng”. Bà Châu nhớ lại: “Thực sự tôi rất thương anh Tư, nhưng lúc đó nợ nước chưa đền, nợ nhà chưa dứt làm sao tôi có thể nghĩ đến tình riêng”.

“Tôi đã xem anh Tư là chồng từ giờ phút này”

Ngày 8/7/1961, cả Sài Gòn lẫn Washington đều rúng động với thông tin: biệt động Việt cộng đánh bom vào xe Đại sứ Mỹ Frederick Nolting. Báo chí Sài Gòn gọi đó là “vụ án chấn động nhất đô thành Sài Gòn từ trước tới nay”. Đó chính là chiến công của “tiểu đội quyết tử quân” thuộc lực lượng biệt động Ban cán sự học sinh sinh viên Khu Sài Gòn - Gia Định mà Lê Hồng Tư, khi ấy mới 26 tuổi, phụ trách chỉ huy.

Đây cũng là những trận đánh Mỹ đầu tiên giữa Sài Gòn, mở ra phong trào sinh viên, học sinh đánh Mỹ khắp các đô thị miền Nam. Gần như toàn bộ lực lượng cảnh sát, cảnh sát đặc biệt, an ninh quân đội, quân cảnh của Sài Gòn được tung ra để truy bắt lực lượng biệt động ám sát đại sứ Mỹ. Cả tiểu đội quyết tử Lê Hồng Tư đều bị bắt. Ngày 24/5/1962, tòa quân sự đặc biệt tuyên bốn án tử hình bao gồm: Lê Hồng Tư, 27 tuổi, sinh viên; Lê Quang Vịnh, 26 tuổi, giáo sư; Lê Văn Thành, 20 tuổi, học sinh; Huỳnh Văn Chính, 27 tuổi, quân nhân. 

Ngày 9/2/1961, Nguyễn Thị Châu bị địch bắt sau khi vừa chuyển xong tài liệu cho cơ sở. Vào trại Lê Văn Duyệt, chúng ra sức dụ dỗ, mua chuộc nhưng không lay chuyển được cô nữ sinh bé nhỏ, địch chuyển qua tra tấn. Hết luân chuyển chị qua Quân lao Gia Định, hầm khói Thủ Đức, hầm tối P.42, cấm cố trong xà lim nhà tù Phú Lợi rồi lại quay trở về Tổng Nha, sau đủ các ngón đòn: tàu bay, tàu lặn, đóng đinh 10 đầu ngón tay... nhưng chị vẫn một mực trung kiên. Ngày 2/9/1961, Nguyễn Thị Châu được chi bộ nhà lao Gia Định kết nạp Đảng và sau trở thành Chi ủy viên Chi bộ Đảng ngay tại trại Lê Văn Duyệt. 

Tin Lê Hồng Tư cùng đồng đội bị kết án tử hình lan rất nhanh trong hệ thống lao tù. Ở trong tù, khi nghe tin dữ, chị Châu quyết định thông qua tổ chức, nhắn tin mình là vị hôn thê của anh. Chị muốn anh ấy trước khi ra pháp trường cũng mãn nguyện vì lời cầu hôn của anh đã được chấp nhận: “Tôi đã xem anh Tư là chồng từ giờ phút này”. Tuy nhiên, phải mất 4 năm sau, năm 1970, tin vui này mới chuyển được đến đúng địa chỉ. Sau bao năm chịu mọi cực hình đòn roi, tra tấn, Lê Hồng Tư đã ngỡ trái tim mình hóa đá. Thế nhưng, nhận tin chị, anh đã khóc. Khóc vì hạnh phúc, khóc vì cảm động. Niềm mong đợi bao năm nay đã trở thành sự thật. 

Luôn nhớ lời dặn dò của Bác 

Vào ngày 15/10/1964, cả Sài Gòn sục sôi sau sự kiện anh Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn. Học sinh, sinh viên xuống đường biểu dương lực lượng, tình hình chính sự rối ren như những con sóng ập vào các trại giam. Cơ sở của ta đã lợi dụng lúc này lo tiền đút cho bọn cai ngục để chúng nương theo tình hình nhốn nháo mà thả người của ta về.

Chị Nguyễn Thị Châu cũng được thả trong hoàn cảnh như thế. Sau khi được thả, chị lên chiến khu tham gia công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) giải phóng miền Nam. Đến giữa tháng 5/1969, chị Nguyễn Thị Châu cùng chị Phan Thị Quyên, vợ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi được vinh dự tham gia Đoàn đại biểu miền Nam ra thăm Thủ đô và tham dự Đại hội Liên hoan thanh niên – sinh viên thế giới. Những ngày ở miền Bắc, chị vinh dự 4 lần được gặp Bác Hồ. Trong những lần gặp mặt này, Bác Hồ đã dặn dò chị phải cố gắng học tập vì chỉ có kiến thức mới có thể làm việc tốt cho cách mạng. 

Ngày 30/4/1975, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, ngày 7/5/1975, những tử tù Côn Đảo đầu tiên đã được đưa trở về đất liền. Tử tù Lê Hồng Tư được gặp lại người con gái mà mình mong ước được sống trọn đời sau 15 năm chờ đợi. Ngày 17/8/1975, đám cưới của một huyền thoại về tình yêu Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu được diễn ra ngay vào đêm Trung thu năm 1975.  

Hẳn rằng khi đọc đến đây, bạn đọc sẽ thắc mắc đến năm 1975 ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu mới cưới nhau, vậy lá thư gửi Bác Hồ năm 1968 của vợ chồng Lê Hồng Tư – Nguyễn Thị Châu cùng hai món quà chiếc quạt và chiếc khăn tay là như thế nào? Câu hỏi này đã được phóng viên đặt ra với bà Nguyễn Thị Châu và được bà cho biết, năm 1968 khi nữ nhà văn, nhà báo người Ba Lan Monika Warnenska – người từng tuyên bố “Việt Nam là Tổ quốc thứ hai của tôi” gặp bà ở chiến khu, bà Monika Warnenska đã hỏi chuyện bà về những ngày ở trong tù và có nói với bà trong lần ra Bắc tới bà Monica sẽ gặp Bác Hồ. Nghe vậy, bà Nguyễn Thị Châu đã quyết định gửi tới Bác Hồ hai món quà đó là chiếc quạt và chiếc khăn tay. 

Cả hai món quà này đều có nguồn gốc rất cảm động. Chiếc quạt là do đồng chí ở hầm B42 Côn Đảo làm tặng bà Châu khi biết bà đã rất anh dũng trước những đòn roi của địch và được kết nạp Đảng trong tù. Khi tặng chiếc quạt này, các đồng chí còn nhắn bà Châu rằng nếu như được gặp Bác Hồ hãy thưa với Bác rằng sẽ đi theo lý tưởng cách mạng đến giọt máu cuối cùng. Còn chiếc khăn tay là  món quà của các nữ tù ở nhà lao Gia Định tặng bà Nguyễn Thị Châu nhân dịp bà được kết nạp Đảng trong tù.  Nói đến lá thư, bà Châu rưng rưng xúc động: “Lá thư là do tự tay tôi viết cho Bác Hồ, lúc đó xúc động quá nên không biết viết gì nhiều. Ngay từ khi nghe anh Lê Hồng Tư nhận án tử hình của giặc tôi đã coi mình là vợ của anh ấy, nên trong thư gửi Bác tôi cũng viết như đại diện cho cả hai vợ chồng”.

Từ 30/4/1975, bà Nguyễn Thị Châu làm Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời Q10. Sau đó, bà chuyển sang Hội LHPN TPHCM phụ trách mảng chăm lo đời sống phụ nữ, trẻ em. Dù ở cương vị nào, bà cũng kiên trì đi xuống cơ sở, vừa thăm nom, vừa sâu sát đời sống người dân để biết tâm tư, tình cảm, khả năng của từng người rồi bồi dưỡng, giúp đỡ. Còn ông Lê Hồng Tư về làm ở Sở VH-TT, Quận ủy Tân Bình, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM. 

Giờ đây tuổi đã cao, rời cương vị công tác để nghỉ ngơi nhưng hai vợ chồng ông bà Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu vẫn mong muốn được làm việc, cống hiến đến hơi thở cuối cùng đúng như lời dạy của Bác Hồ kính yêu năm nào.

Đọc thêm

Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh trong bài: quochoi.vn)
(PLVN) -   Ngày 4/11, tại phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội, các Đại biểu đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng thể chế thời gian qua; đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.

'Doanh nghiệp cần có hoài bão lớn và khát vọng phát triển'

'Doanh nghiệp cần có hoài bão lớn và khát vọng phát triển'
(PLVN) - Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn, doanh nghiệp có hoài bão lớn và khát vọng phát triển, trở thành hình mẫu của tinh thần doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính, nhân văn và có trách nhiệm. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác thông tin truyền thông; bảo vệ bản quyền, giá trị thương hiệu...

Cần các biện pháp mạnh mẽ ứng phó với thiên tai

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại phiên họp.
(PLVN) - Chiều 4/11, tại phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025…, một số ý kiến đại biểu đề cập đến những hậu quả nặng nề do thiên tai thời gian qua và đề nghị cần có các giải pháp mạnh mẽ để ứng phó.

Đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng văn bản pháp luật

Quang cảnh phiên họp.
(PLVN) - Để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm, Đại biểu Quốc hội cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất là cần tập trung rà soát ngay từ khâu xây dựng ban hành quy phạm pháp luật, trong đó cần đặc biệt chú trọng vào việc xin ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, các cơ quan, tổ chức vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và tổng hợp ý kiến góp ý.

Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên: Cần rà soát, đánh giá thêm về tính hiệu quả

Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. (Ảnh trong bài: quochoi.vn)
(PLVN) -  Tại phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) vừa qua, một số đại biểu đề nghị rà soát, đánh giá thêm về chi phí bỏ ra và tính hiệu quả xã hội của việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên để có quy định cho phù hợp.

Để pháp luật là 'điểm tựa' cho phát triển

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thảo luận, thông qua nhiều dự án luật. (Ảnh: Quochoi.vn).
(PLVN) - Nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, những chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật là hoàn toàn đúng đắn, là “điểm mốc” rất quan trọng, định hướng thay đổi cơ bản công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới; bảo đảm các văn bản luật khi được ban hành vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, vừa giúp khơi thông nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8, từ ngày 5-8/11 tại Trung Quốc

Thủ tướng dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8, từ ngày 5-8/11 tại Trung Quốc
Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8, từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.

Thủ tướng: Phát triển giáo dục, đào tạo phục vụ kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Thủ tướng: Phát triển giáo dục, đào tạo phục vụ kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Chiều 2/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo chủ trì Phiên họp năm 2024 của Ủy ban để thảo luận về dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”.