Cụ thể, một tài khoản facebook có tên là “Đầm Bầu Thời Trang Mami” đã đăng tải thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội và kêu gọi “tẩy chay” thịt lợn vì có thể lây sang người. Thông tin thất thiệt trên không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn dồn người nông dân đang khó khăn vì bệnh dịch nay lại lâm vào bế tắc, phá sản.
Để ngăn chặn dịch bệnh tả lợn, các cấp, các ngành đang gấp rút triển khai các biện pháp phòng và chống dịch, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm và không thực hiện các biện pháp chống dịch dẫn đến dịch bệnh lây lan. Do đó, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã mời chủ trang facebook trên lên làm việc. Tại buổi làm việc, chủ nhân trang facebook này đã thừa nhận hành vi và ký vào biên bản vi phạm hành chính với mức xử phạt 20 triệu đồng.
Tương tự, cách đây không lâu, có trường hợp Công an TP Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng, gồm: Ngô Bá Sơn (SN 1984) và Vũ Văn Bằng (SN 1989) về hành vi “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet”. Đây được xem là một trong số những vụ hiếm hoi bị khởi tố hình sự.
Ngoài ra, những thông tin như cảnh báo gạo giả, hoa giấy có chứa chất gây ung thư, lan truyền dịch Ebola, vụ tung tin đồn các cô gái bị rạch đùi… là những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận trong thời gian qua, khiến không ít người hoang mang. Chính vì thế, người dân cần bình tĩnh, không tin vào những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội.
Một số người nghĩ rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn, tự do thông tin mà không phải chịu trách nhiệm. Có thể nói, với số lượng người dùng tăng nhanh chóng, sự lan truyền hay “lây nhiễm” của mạng xã hội đang khiến cho bất kỳ cá nhân nào, đặc biệt là những người trẻ buộc phải tham gia vào nếu không muốn đứng lại hay lạc hậu so với xã hội.
Chính vì sự phát triển của các mạng xã hội sẽ ngày càng ảnh hưởng tới hành vi của con người và toàn xã hội. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức, văn hóa của người sử dụng mạng xã hội, nhất là giới trẻ, để từng người sử dụng có ý thức, trách nhiệm hơn khi phát ngôn trên mạng xã hội.
Việc tung tin thất thiệt gây hoang mang là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung tin đồn, tính chất, mức độ, động cơ của hành vi và hậu quả của việc tung tin tác động đến xã hội như thế nào sẽ có hình phạt tương ứng. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nên vào cuộc để phản hồi thông tin, đồng thời xử phạt nghiêm đối với các đối tượng tung tin đồn thất thiệt nhằm tăng tính răn đe, trấn an dư luận.