Những ngày biển lặng trong mùa mưa bão trên vùng biển Tây Nam Cà Mau, hoạt động khai thác, phơi khô con ruốc diễn ra khá nhộn nhịp khắp các vùng ven biển. Những giàn phơi hay diễn ra ngay trên mặt tuyến đê biển Tây, đã tạo nên nhịp sống rộn ràng, mang lại thu nhập đáng kể, cũng như tạo nên sức sống tươi vui cho cư dân vùng ven biển Cà Mau.
Con ruốc ở Cà Mau là loại ruốc trắng, được các phương tiện khai thác loại nhỏ, hay gọi là thủy gia dụng, hoạt động ven bờ với hình thức “đẩy te”. Mỗi buổi sáng, những chàng trai xứ biển cho xuồng “đẩy te” ra khơi, cách bờ chỉ độ trên dưới 1 km.
Họ cứ đặt “2 càng” được làm bằng cây có gắn lưới mịn trước mũi xuồng xuống mặt biển, phía sau là động cơ máy thủy, cứ thế đẩy dọc bờ biển, khi nào thấy nặng nặng là kéo lưới lên, cho sản phẩm vào những cần xé đựng ruốc.
Phương tiện thủy gia dụng tham gia khai thác ruốc ven bờ theo hình thức đẩy te. |
Vận chuyển ruốc tươi lên bờ sau chuyến đi biển về. |
Xuồng nào đẩy nhanh, thu lợi nhiều, phương tiện nào đầy thì vào bờ, lên sản phẩm rồi lại ra khai thác chuyến thứ 2. Mỗi buổi, 1 phương tiện khai thác hàng tấn ruốc, thu nhập vài triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Bèo (xã Khánh Tiến, huyện U Minh, Cà Mau) cho biết: Mùa ruốc hằng năm kéo dài đến khoảng tháng 9 âm lịch. Mỗi tháng thường có từ 1 - 2 con nước, Ruốc về đến bờ, chúng tôi sàn lại để phơi cho đều và loại cá tạp.
Những ngày nắng to thì phơi rất nhanh, cứ khoảng 3-4 tiếng đồng hồ thì đảo mặt ruốc. Đối với mắm ruốc, ruốc sau khi rửa sẽ được xay nhuyễn với muối phơi từ 2-3 ngày liền đến khi nào ngửi được vị chua chua, mặn mặn là ruốc đã đạt.
Mùa khai thác ruốc được xem là của lộc trời, chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn trong năm. |
Vận chuyển ruốc tươi đến sân phơi. |
Cùng lúc này, trong bờ, các chị em phụ nữ đã căng lưới phơi. Trước khi phơi, các chị dùng cái sàn - một loại dụng cụ được đan bằng tre, nhằm lọc cá tạp, cũng như rải đều ruốc lên lưới phơi, mau bắt nắng, dễ khô. Ngày nắng tốt, chỉ vài giờ là con ruốc đã khô, đạt yêu cầu.
Ruốc khô được gom lại và cho vào bao lớn, tập kết tại các vựa để vận chuyển lên xe tải của các thương lái, phần lớn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản… Với thị trường trong nước, con ruốc tươi được chế biến làm mắm, ruốc khô được trữ lâu để nấu canh với rau, hay chiên bột…
Vũ lưới chỉ sau vài giờ phơi ruốc. |
Ruốc là loài hải sản bé, ven bờ, vòng đời ngắn, nhưng có giá trị dinh dưỡng, thu lợi kinh tế khá khá cho ngư dân ven biển. |
Người dân gọi ruốc là lộc trời cho, mỗi năm chỉ được vài lần có ruốc, nhất là sau những lần biển động.