Loay hoay tìm lời giải cho chuyện mua, bán thuốc kháng sinh

Người dân dễ dàng mua được thuốc kháng sinh tại các nhà thuốc
Người dân dễ dàng mua được thuốc kháng sinh tại các nhà thuốc
(PLO) -Hiện nay, khoảng 90% số thuốc kháng sinh được bán tại Việt Nam không cần kê đơn, gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho việc kháng kháng sinh tại Việt Nam.

Siết chặt quản lý mua bán thuốc kháng sinh

Ngại đến bệnh viện, đặt niềm tin vào người bán thuốc, không quan tâm đến hậu quả của việc điều trị thuốc không đúng bệnh,… đó là tâm lý chung của nhiều người dân Việt Nam từ xưa đến nay. Trong khi ở các nước phải có đơn của bác sĩ và rất vất vả mới mua được thuốc kháng sinh thì ở Việt Nam, hầu hết người dân vẫn còn thờ ơ hoặc chưa hiểu nhiều về vấn đề này nên dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi, hễ đau đầu, cảm cúm đều tự ra nhà thuốc mua thuốc kháng sinh về dùng. 

Cùng với đó, mua thuốc kháng sinh ở nước ta ngày nay được ví dễ như mua rau, chỉ cần có tiền, ra hiệu thuốc nói về triệu chứng bệnh hoặc đọc tên thuốc là có thể mua được ngay với số lượng ít, nhiều đều được đáp ứng đủ cả. Trong hành trang cho con đi du học, rất nhiều gia đình nhét vào túi của con đủ các loại thuốc bổ, thuốc chữa đau đầu, thuốc đau bụng, thuốc hạ sốt, thuốc kháng sinh vì sang đó ốm là có thuốc uống, hạn chế phải đi khám bác sĩ và mất nhiều công sức đi mua thuốc kháng sinh. Thậm chí có không ít người bệnh thấy bác sĩ chưa kê kháng sinh hoặc kê kháng sinh nội còn chủ động yêu cầu bác sĩ phải kê kháng sinh ngoại liều cao vì cho rằng uống kháng sinh để nhanh khỏi bệnh. 

Theo quy định của Bộ Y tế, nhà thuốc tư nhân bán thuốc kháng sinh cần phải theo đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, hiện nay vì lợi nhuận mà hầu hết các nhà thuốc đều “phớt lờ” quy định này. Thuốc kháng sinh là một trong những loại thuốc nằm trong danh mục kê toa của Bộ Y tế nhưng thực sự người dân không gặp phải bất kỳ khó khăn gì khi mua loại thuốc này tại các nhà thuốc. Cùng đó, chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường chưa được kiểm soát chặt chẽ, việc người dân sử dụng kháng sinh chưa có ý thức, quen dùng thuốc giá rẻ, không kiểm soát được chất lượng làm giảm hiệu quả điều trị và tăng nguy cơ kháng thuốc. Hiện tại ở Việt Nam phần lớn kháng sinh được bán đều không có đơn, theo khảo sát gần đây của Bộ Y tế, tỷ lệ này ở thành thị là 88% và 91% ở nông thôn. 

Trong vai một người bệnh đi hỏi mua thuốc kháng sinh Amoxicillin và Ampicillin (một loại thuốc kháng sinh được dùng phổ biến để điều trị nhiễm khuẩn) tại 4 nhà thuốc lớn và nhỏ trên khu vực Hà Đông, không một nhà thuốc nào yêu cầu khách phải xuất trình đơn thuốc do bác sĩ kê. Hầu hết người bán thuốc chỉ hỏi “mua thuốc dùng cho người lớn hay trẻ nhỏ” rồi sau đó lấy thuốc bán cho khách hàng và chỉ dẫn liều dùng. Điều này được lặp đi lặp lại ở tất cả 4 nhà thuốc trên, mặc dù mua thuốc kháng sinh không có đơn thuốc của bác sĩ nhưng chúng tôi đều mua được một cách nhanh chóng và quá dễ dàng. 

Đã từ khá lâu, các chuyên gia y tế cảnh báo về tác hại với sức khỏe và gánh nặng về kinh tế do kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam đang ngày càng trầm trọng. Kháng thuốc kháng sinh không chỉ nguy hiểm đến sức khỏe mà còn tổn hại về kinh tế. Đơn cử như câu chuyện của anh Nguyễn Văn Minh (Hà Đông, Hà Nội) thường xuyên bị đau lưng, có những lần đau nhiều tới mức anh không thể cử động được người. Mỗi lần đau nhiều, anh đều tự ý ra hiệu thuốc kể bệnh và mua thuốc về uống.

Vài ngày đầu sau khi uống thuốc, căn bệnh đau lưng của anh được cải thiện rõ rệt. Từ đó, hễ cứ đau lưng là anh ra tiệm mua theo đúng loại thuốc mà anh vốn vẫn thường xuyên uống. Trong lần đau lưng mới đây, anh vẫn uống thuốc cũ nhưng  không thuyên giảm. Tới bệnh viện khám, khi đưa bác sĩ xem qua các loại thuốc anh thường uống thì được biết trong số thuốc anh vẫn dùng thường xuyên có 2 loại kháng sinh khiến bác sĩ cũng phải thốt lên: “Anh bị đau lưng, chưa rõ nguyên nhân tại sao đau sao lại đi uống nhiều kháng sinh đến vậy”? 

Cùng chung với thực trạng tương tự như cách dùng thuốc của anh Minh, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận không ít các trường hợp trẻ nhỏ nguy kịch về sức khỏe do việc cha mẹ tự ý cho trẻ uống thuốc mỗi khi trẻ đau ốm, dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Đáng lưu ý, qua các nghiên cứu sàng lọc bệnh nhi nhập viện, bệnh viện phát hiện có tới 30% bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc, đây là tình trạng rất đáng báo động vì việc điều trị cho trẻ sẽ rất khó khăn và nan giải. 

Chế tài xử phạt - dù khó vẫn phải làm đến cùng

Bộ Y tế đã đặt mục tiêu Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn phấn đấu đến năm 2020, 100% nhà thuốc bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc của bác sĩ.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, việc bán thuốc kháng sinh bừa bãi, không đúng bệnh sẽ để lại những hậu quả vô cùng nặng nề trong tương lai gần. Do đó, cùng với Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, sắp tới Bộ Y tế sẽ xử phạt thật nặng những nhà thuốc bán thuốc kháng sinh không có đơn.

Ngoài ra, mặc dù quy chế về kê đơn và bán thuốc theo đơn đã được Bộ Y tế ban hành, điều chỉnh nhiều lần vào các năm liên tiếp gần đây. Theo đó, trong các nhóm thuốc phải kê đơn và bán theo đơn có các loại kháng sinh nhằm đảm bảo dùng thuốc an toàn và hợp lý cho người bệnh. Năm 2005, Luật Dược ra đời, quy định việc bán thuốc phải đúng theo đơn, bán thuốc kê đơn không có đơn thuốc là 1 trong 13 hành vi bị nghiêm cấm nhưng luật cấm cứ cấm, cả người mua lẫn người bán vẫn ít người tuân theo.

Cụ thể, hành vi bán lẻ loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200.000 - 500.000 đồng, thế nhưng con số các nhà thuốc bị phạt vì bán thuốc kháng sinh không theo đơn chỉ rất ít. Trong khi đó tình trạng này xảy ra thường xuyên ở tất cả mọi nơi. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát hiện và xử phạt kịp thời các nhà thuốc cố tình vi phạm, khi mà số lượng nhà thuốc tư nhân ngày càng nhiều hơn trong khi thanh tra y tế, đặc biệt là thanh tra dược của mỗi địa phương chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tựu chung, những lỗ hổng trong quản lý dược phẩm, mua bán thuốc kháng sinh vượt tầm kiểm soát đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước có tình trạng kháng thuốc cao. Từ rất lâu, Bộ Y tế đã quy định về việc các nhà thuốc không được tự ý bán các loại thuốc kháng sinh khi không có đơn thuốc của bác sĩ nhưng việc giám sát thực hiện của các nhà thuốc hầu như vẫn bị bỏ ngỏ.

Thiết nghĩ, nếu quy định này được thực hiện triệt để trên khắp cả nước, các nhà thuốc không còn cơ hội bán thuốc kháng sinh quá dễ dàng thì người bệnh sẽ bỏ được thói quen đến nhà thuốc trước khi đến gặp bác sĩ. 

Do vậy, để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh, việc quan trọng hiện nay là ngành Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng cần sớm thực hiện ngay biện pháp hữu hiệu để có thể giám sát tình trạng bác sĩ kê toa không hợp lý, đồng thời siết chặt quản lý, xử lý nghiêm tình trạng mua, bán thuốc không theo đơn để tránh tình trạng có luật cấm nhưng vẫn chỉ là cấm trên trang giấy. 

“Nếu dùng thuốc kháng sinh thiếu cân nhắc, lạm dụng kháng sinh không những gây ra tình trạng kháng thuốc mà còn gây ra nhiều tác hại khác như gia tăng các biến cố có hại của thuốc không đáng có như dị ứng, sốc phản vệ, chảy máu đường tiêu hóa..., tăng tỉ lệ nhập viện cũng như tỉ lệ tử vong và gia tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình người bệnh và cho toàn xã hội. Nếu lạm dụng kháng sinh kéo dài mà không có kiểm soát, số lượng bệnh nhân tử vong do kháng thuốc sẽ tăng từ 700.000 người mỗi năm hiện nay lên hàng chục triệu người/vào năm 2050. Con người có thể bị tử vong chỉ vì một vết cắt chảy máu do nhiễm trùng vết thương mà kháng sinh không đáp ứng” - ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới WHO tại Việt Nam

“Hiện Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017- 2020 nhằm tăng cường thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn. Mục tiêu của Đề án là rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, tăng tỷ lệ tuân thủ việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, đặc biệt là siết chặt việc mua thuốc kháng sinh phải có đơn của bác sỹ. Cụ thể, giai đoạn 2017-2018, Bộ Y tế phối hợp Sở Y tế triển khai Đề án tại các tỉnh, thành phố gồm Nam Định, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Cần Thơ. Giai đoạn 2 từ năm 2018 đến năm 2020 sẽ mở rộng ra toàn quốc. Đến năm 2020 yêu cầu các quầy thuốc, nhà thuốc bán thuốc kháng sinh phải 100% có đơn thuốc” - PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh. 

“Thời gian tới Bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt Thực hành tốt (GPP). Bộ Y tế cũng yêu cầu Cục Quản lý Dược tiến hành thí điểm giám sát bán thuốc theo đơn tại một số nơi, đặc biệt là các thành phố lớn. Bên cạnh đó, Cục sẽ tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, siết chặt công tác chống nhiễm khuẩn ở khu hậu phẫu, rửa tay bằng xà phòng; sử dụng kháng sinh hợp lý trong chăn nuôi, nuôi trồng” - GS, TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Tin cùng chuyên mục

Bệnh nhân bị viêm phổi đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thanh Thanh

Hàng loạt ca viêm phổi nặng nhập viện cấp cứu

(PLVN) - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho gần 20 bệnh nhân viêm phổi, trong đó có những ca bệnh nặng phải thở máy và lọc máu liên tục. Các ca bệnh viêm phổi được ghi nhận ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ người già, người có bệnh nền đến những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch và trẻ em.

Đọc thêm

Thoát 'bụng bia' nhờ giảm cân chuẩn y khoa

Thoát 'bụng bia' nhờ giảm cân chuẩn y khoa
(PLVN) - Trong 3 tháng đầu tiên, Trung tâm Giảm cân BVĐK Tâm Anh đã đón tiếp hơn 1.000 khách hàng, trong đó nhiều nam giới đã không còn “bụng bia” nhờ giảm cân chuẩn y khoa quốc tế.

Những hiểm họa của đèn laser sân khấu với đôi mắt

Ảnh minh họa

(PLVN) - Hiện nay, đèn laser sân khấu ngày càng trở nên phổ biến trong các sự kiện giải trí do tạo hiệu ứng ánh sáng độc đáo. Song nếu tiếp xúc trực tiếp, quá lâu với loại ánh sáng này có thể gây ra những tổn thương, đặc biệt là thị lực.

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo về virus HMPV

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) -  “Đây là những loại virus bình thường, không phải loại nguy hiểm vì vậy người dân không nên quá hoang mang. Tuy nhiên, cũng cần chú ý phòng bệnh giống như các bệnh được hô hấp khác”, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay.

Ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan, bùng phát dịp Tết

Số ca mắc sởi gia tăng tại nhiều địa phương. (Bệnh nhi điều trị sởi tại Khoa Nhi, BV Thanh Nhàn - Ảnh: Hoài Giang)
(PLVN) - Tết cận kề, nhu cầu đi lại và giao lưu của người dân tăng cao, làm gia tăng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh. Để đón một cái Tết an lành, việc chủ động phòng ngừa bệnh từ sớm, từ xa không chỉ là trách nhiệm của ngành Y tế mà còn là nghĩa vụ của mỗi người dân.

Tử vong do ngộ độc cá nóc

Tử vong do ngộ độc cá nóc
(PLVN) - Chiều 6/1, UBND xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận xác nhận một vụ ngộ độc nặng do ăn cá nóc xảy ra trên địa bàn, khiến một người tử vong và bốn người khác phải nhập viện điều trị .

Nỗi lo ngại toàn cầu từ Virus HMPV ở Trung Quốc sau 5 năm dịch COVID-19?

Nỗi lo ngại toàn cầu từ Virus HMPV ở Trung Quốc sau 5 năm dịch COVID-19?

(PLVN) - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc gần đây đã báo cáo sự gia tăng các ca bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm cả HMPV, vào mùa đông. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa coi đây là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, nhưng sự gia tăng ca bệnh đã thúc đẩy các cơ quan chức năng tăng cường hệ thống giám sát.

Khi đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển ngành Y tế

Các bạn trẻ tham quan Triển lãm giới thiệu thành tựu công nghệ ngành Y tế năm 2024. (Ảnh: MOST)
(PLVN) - Tiến bộ trong công nghệ sinh học và chuyển đổi số không chỉ hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển thuốc, vaccine, mà còn giúp cải thiện việc chẩn đoán, điều trị bệnh, cũng như phát triển các phương pháp điều trị tiên tiến, nâng cao chất lượng sống cho người dân.