Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, trong 6 tháng cuối năm, một trong những nhiệm vụ mà ngành Xây dựng sẽ tập trung tới là nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện tại, đây quả là nhiệm vụ không dễ thực hiện.
Ảnh minh họa |
50% dự án phải tạm ngưng
Trong buổi họp giao ban triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2012 ngành Xây dựng do Bộ Xây dựng tổ chức sáng qua - 6/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định, trong 6 tháng cuối năm 2012, thị trường BĐS được dự báo là gặp nhiều khó khăn và chưa thể sôi động ngay.
Ông Nguyễn Phi Hùng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp. HCM cho hay, hiện trên địa bàn thành phố có 860 dự án phát triển nhà ở với tổng diện tích khoảng 8.600 ha, quy mô 325 ngàn căn hộ, tổng mức đầu tư hơn 285 ngàn tỉ đồng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, hầu hết các sự án đều chậm tiến độ so với quy định, trong đó khoảng 50% dự án chưa triển khai và tạm dừng vì nhiều lý do, như thiếu vốn, vướng mắc trong việc bồi thường giải phóng mặt băng, chống lấn ranh, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thay đổi mục tiêu đầu tư…
Theo khảo sát CBRE, hiện thị trường Tp. HCM đang tồn đọng 20.000 căn hộ chung cư trong tổng số 44.500 căn hộ chưa được bán. Ngoài nguyên nhân thiếu tiền, cơ cấu hàng hóa không phù hợp là một nguyên nhân khiến lượng hàng tồn đọng lớn, khi phân khúc chung cư cao cấp chỉ dành cho một số ít đối tượng, mà nhiều dự án chung cư bình dân và trung cấp lại phải tạm dừng thi công do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính.
Căn hộ giá thấp chiếm khoảng 70% lượng giao dịch thành công trên thị trường lại chỉ chiếm khoảng 30% số căn hộ đã được xây. Do thiếu vốn, thanh khoản thị trường trầm lắng, các DN đã chủ động giảm giá bán căn hộ, bán hòa vốn, bán lỗ với nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng như giãn tiến độ thành nhiều đợt thanh toán, hỗ trợ vay trả lãi và nhiều khuyến mại đa dạng nhưng vẫn cải thiện được tình hình hiện nay.
Loay hoay tìm lối thoát
Từ nay đến cuối năm, một trong những nhiệm vụ Bộ Xây dựng tập trung là tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý nhà nước đối với thị trường BĐS, xác định rõ chiến lược, định hướng và các giải pháp cho thị trường BĐS.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định sẽ tập trung đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với một phân khúc vốn chưa được quan tâm dúng mức trên thị trường – phân khúc nhà ở cho thuê, ông Dũng cho biết, tới đây, ngành Xây dựng sẽ tập trung nghiên cứu, hình thành hành lang pháp lý để phát triển loại hình nhà này
Còn vị đại diện ngành xây dựng Tp. HCM cũng đề xuất một loạt giải pháp hòng tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Liên quan đến chính sách thu tiền sử dụng đất, thay vì yêu cầu nộp 1 lần với số tiền rất lớn như hiện nay, Sở này đề nghị nghiên cứu giữ nguồn thu bền vững qua từng năm. Liên quan đến nhà ở xã hội, cho phép người mua nhà ở xã hội không phải đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước sau khi thanh toán hết tiền cho chủ đầu tư và đã đươc cấp sổ hồng thì được mua bán cho thuê sau thời gian 5 năm, thay vì 10 năm như quy định hiện hành.
Bên cạnh việc tích cực xúc tiến việc hình thành các định chế phi ngân hàng tạo vốn cho thị trường BĐS, Sở Xây dựng Tp. HCM cũng đề xuất cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ… được sử dụng quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn, cho các dự án này vay vốn ưu đãi từ Quỹ phát triển nhà ở thành phố với thời hạn hỗ trợ lãi vay lên đến 15 năm kể từ khi khởi công công trình.
Sẽ rà soát các dự án phát triển đô thị Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, từ nay đến cuối năm, đối với các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đang triển khai và đã giao dự án nhưng chưa triển khai, sắp tới sẽ thực hiện rà soát để phân loại dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. |
Hoàng Thủy