Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến, năm 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 2.400. Trong đó, tuyển sinh đại học chính quy cấp bằng đại học thứ nhất là 1.950 chỉ tiêu; Tuyển sinh đại học chính quy cấp bằng đại học thứ hai là 450 chỉ tiêu.
Chương trình đào tạo được chia thành các nhóm, gồm: Nhóm 1 báo chí, nhóm 2 các ngành khối lý luận, nhóm 3 ngành Lịch sử, chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và nhóm 4 các ngành về truyền thông, quảng cáo, quan hệ quốc tế.
Nhà trường áp dụng các phương thức xét tuyển gồm: Xét học bạ (dự kiến 15% chỉ tiêu); Xét tuyển kết hợp (dự kiến 15% chỉ tiêu) và Xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT (dự kiến 70% chỉ tiêu).
Năm 2023, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiếp tục không tổ chức kỳ thi năng khiếu báo chí. Đây là năm thứ 3 liên tiếp trường không tổ chức kỳ thi này.
Học viện Ngoại giao công bố các phương thức xét tuyển vào hệ đại học chính quy năm 2023. Theo đó, trường tuyển sinh trong cả nước với tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến là 2.100.
Các ngành đào tạo và chỉ tiêu cụ thể như sau: Ngành Quan hệ quốc tế: 460; Ngành Ngôn ngữ Anh: 200; Ngành Kinh tế quốc tế: 260; Ngành Luật quốc tế: 200; Ngành Truyền thông quốc tế: 460; Ngành Kinh doanh quốc tế: 260; Ngành châu Á - Thái Bình Dương học: 160; Ngành Luật thương mại quốc tế: 100.
Học viện Ngoại giao dự kiến xét tuyển vào hệ đại học chính quy năm 2023 theo 4 phương thức gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT (dự kiến 3% tổng chỉ tiêu của mỗi ngành); Xét tuyển sớm dựa trên kết quả học tập THPT (dự kiến 70% tổng chỉ tiêu của mỗi ngành); Xét tuyển sớm dựa trên kết quả phỏng vấn (dự kiến 2% tổng chỉ tiêu của mỗi ngành); Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (dự kiến 25% tổng chỉ tiêu của mỗi ngành).
Năm 2023, Học viện Tài chính tuyển sinh theo 5 phương thức gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD&ĐT; Xét tuyển học sinh giỏi dựa vào kết quả học tập THPT; Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2023.
Năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học chính quy của Học viện Tài chính là 4.200, trong đó chương trình chuẩn là 3.000; chương trình đào tạo chất lượng cao là 1.080; chương trình liên kết đào tạo mỗi bên cấp một bằng cử nhân là 120.
Chỉ tiêu xét tuyển thẳng và xét tuyển học sinh giỏi THPT ít nhất chiếm 60%; xét tuyển dựa vào kết quả đánh giá năng lực, đánh giá tư duy tối đa 5%, số còn lại xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và xét tuyển kết hợp.
Thêm 1 trường đại học tại TP HCM tổ chức thi đánh giá năng lực
Năm 2023, Trường Đại học Sài Gòn tổ chức kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính.Dự kiến kỳ thi đánh được tổ chức vào tháng 4/2023.
Trường tổ chức thi tuyển sinh riêng với các môn Toán, Vật Lý, Hóa Học, Sinh Học, Lịch Sử, Địa Lý và Tiếng Anh. Riêng môn Ngữ Văn (nếu có) trong các tổ hợp xét tuyển sẽ lấy từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 (90% kiến thức thuộc chương trình lớp 12; 10% kiến thức thuộc chương trình lớp 10 và lớp 11).
Kết quả thi của kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính trường Đại học Sài Gòn cũng được ba trường Đại học khác tại TP HCM công nhận để xét tuyển vào ĐH năm 2023 gồm: Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, Trường ĐH Mở TP HCM và Trường ĐH Tài chính - Marketing.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 10 đơn vị trong cả nước công bố việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ công tác tuyển sinh gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP HCM, Trường Đại học Việt Đức, Trường Đại học Khoa học và Công Nghệ Hà Nội, Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, Trường Đại học Sài Gòn và Bộ Công an.