Tính đến thời điểm Bộ GD&ĐT khóa chức năng xác nhận nhập học trên hệ thống, có 463.440 thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến trên tổng số 567.018 thí sinh trúng tuyển chính thức, đạt tỷ lệ 81,7% so với số thí sinh trúng tuyển. Như vậy, cả nước vẫn còn khoảng 100.000 chỉ tiêu cần xét tuyển bổ sung.
Đến nay, đã có hơn 116 trường đại học thông báo xét tuyển bổ sung với số lượng từ hàng chục đến hàng nghìn chỉ tiêu tuỳ từng trường.
Cụ thể, trường đại học tuyển sinh bổ sung nhiều như ĐH Hùng Vương (TP HCM) xét tuyển thêm khoảng 1.600 chỉ tiêu, do chỉ có khoảng 500 thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trong đợt 1. Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp xét tuyển bổ sung với tổng 880 chỉ tiêu tại hai cơ sở Hà Nội (6 ngành) và Nam Định (16 ngành).
Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 tại Hà Nội. Ảnh: Hà Nội mới. |
Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 tại Hà Nội. Ảnh Hà Nội mới.Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 tại Hà Nội. Ảnh Hà Nội mới.Trường ĐH Phenikaa cũng dành gần 500 chỉ tiêu xét tuyển bổ sung với 12 ngành đào tạo. Trường ĐH Giao thông vận tải TP HCM thông báo xét tuyển bổ sung theo hai phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 và xét học bạ. Ở đợt xét tuyển bổ sung này trường tuyển 500 chỉ tiêu cho 9 chuyên ngành. Thời gian đăng ký đến hết ngày 7/10.
Tương tự, trường ĐH Tôn Đức Thắng tiếp tục dành hơn 500 chỉ tiêu xét tuyển đợt bổ sung (đăng ký xét tuyển đến 17h ngày 8/10).
Xét tuyển bổ sung đợt 1, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 ở 12 ngành với 300 chỉ tiêu. Thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đến ngày 10/10.
Một số trường như ĐH Tây Nguyên, ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, ĐH Xây dựng Miền Tây cũng tuyển bổ sung với số lượng thí sinh từ 350 đến hơn 500 chỉ tiêu.
Trường ĐH Nông lâm TP HCM xét tuyển bổ sung 175 chỉ tiêu cho 4 ngành đào tạo hệ đại học ở cơ sở chính, 118 chỉ tiêu cho 5 ngành đào tạo đại học ở Phân hiệu tại Ninh Thuận và 90 chỉ tiêu cho 3 ngành đào tạo ở Phân hiệu tại Gia Lai.
Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng công bố xét tuyển bổ sung 4 ngành đào tạo tại 2 cơ sở ở Hà Nội và TP HCM. Trường Quản trị và Kinh doanh - ĐHQG Hà Nội thông báo tuyển sinh bổ sung 98 chỉ tiêu cho 4 ngành học.
Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định xét tuyển bổ sung đợt 2 với tổng 420 chỉ tiêu cho 2 ngành: Điều dưỡng, Hộ sinh. ĐH Nông lâm - ĐH Thái Nguyên xét tuyển bổ sung đợt 1 hệ chính quy năm 2022 với 23 ngành; ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế, ĐH Vinh xét tuyển bổ sung nhiều chỉ tiêu bằng 2 phương thức điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ...
Trường ĐH Đà Lạt xét tuyển bổ sung 32 ngành với 20 chỉ tiêu mỗi ngành. Thời gian nhận hồ sơ đến ngày 15/10, tính theo dấu bưu điện.
Năm nay, ĐH Phòng cháy chữa cháy cũng xét tuyển bổ sung hệ chính quy ngoài ngành Công an năm 2022 với 114 chỉ tiêu theo 2 phương thức xét học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở bậc học THPT (học bạ) là 55 chỉ tiêu; phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT là 59 chỉ tiêu.
Trước đó, Học viện An ninh nhân dân thông báo xét tuyển bổ sung 16 chỉ tiêu ngành Y khoa gửi đi đào tạo tại Học viện Quân Y, trong đó phía Bắc từ Thừa Thiên Huế trở ra 3 chỉ tiêu và phía Nam từ Đà Nẵng trở vào 13 chỉ tiêu.
Theo quy định, từ tháng 10/2022 đến tháng 12/2022, thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung của cơ sở đào tạo, thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của cơ sở đào tạo. Nếu cơ sở đào tạo xét tuyển bổ sung, thí sinh đã trúng tuyển và đã xác nhận nhập học không được xét tuyển bổ sung, trừ các trường hợp được thủ trưởng cơ sở đào tạo cho phép không nhập học.
Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 về cơ bản giữ được ổn định so với những năm trước. Trong đó, có một số điểm mới như thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ thực hiện theo hình thức trực tuyến.
Tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học của đợt xét tuyển 1 sẽ được đăng ký và ghi nhận vào hệ thống trong khoảng thời gian quy định. Nhờ vậy, thí sinh chủ động về thời gian và các nguyện vọng đăng ký xét tuyển; việc đăng ký và điều chỉnh thực hiện trong một đợt (thay vì hai đợt như trước đây).
Tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh trên toàn hệ thống sẽ được đưa lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT và cho kết quả thí sinh trúng tuyển ở một nguyện vọng cao nhất. Thí sinh không phải xác nhận nhập học trước đối với các phương thức khác, việc xác nhận nhập học trước có thể làm mất đi cơ hội được nhập học vào các trường và ngành mà thí sinh mong muốn, hoặc thí sinh phải nộp một khoản phí - phí giữ chỗ.
Các trường đại học không được tuỳ tiện giảm chỉ tiêu với các phương thức cũ; Các trường đại học phải đưa ra quy định phương án giải quyết các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tuyển sinh, làm rõ cam kết từ phía trường, từ đó giúp thí sinh có cơ hội tốt hơn dù có thể rủi ro xảy ra cũng đã có phương án.