Loạt cầu tiền tỷ 'đắp chiếu' vì thiếu đường dẫn, Quảng Nam chỉ đạo khẩn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  UBND tỉnh Quảng Nam mới có văn bản chỉ đạo liên quan đến việc hàng loạt dự án xây dựng cầu trên địa bàn chậm hoàn thành đường dẫn, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Hàng loạt cầu trăm tỷ xây xong rồi "đắp chiếu"

Theo tìm hiểu, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang có nhiều dự án đầu tư xây dựng cầu nhưng chưa hoàn thành đường dẫn.

Điển hình, dự án cầu Tam Giang nối giữa thị trấn Núi Thành và xã Tam Giang (huyện Núi Thành) được xây dựng năm 2017, do Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện Núi Thành làm chủ đầu tư.

Công trình có chiều dài 200 m, rộng khoảng 12 m, với tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng. Dù công trình này có thời gian thực hiện dự kiến 1 năm, tuy nhiên đã 6 năm trôi qua mà dự án này vẫn chưa thể đưa vào sử dụng do đường dẫn còn dở dang.

Cầu Tam Giang chậm tiến độ gần 5 năm khiến người dân bức xúc.
Cầu Tam Giang chậm tiến độ gần 5 năm khiến người dân bức xúc.

Còn tại thị xã Điện Bàn, công trình cầu và đường dẫn vào đường ĐH14.ĐB (giai đoạn 1) được khởi công cuối năm 2017, tiến độ theo hợp đồng ký kết đến tháng 3/2019 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, sau khi làm xong phần thân cầu thì 3 năm nay vẫn chưa có đường dẫn.

Ngoài ra, dự án đường và cầu ĐH7 trên sông Vĩnh Điện (Điện Bàn), với số vốn đầu tư hơn 147 tỷ đồng, khởi công giữa năm 2021 và dự kiến hoàn thành trong 720 ngày. Thế nhưng, dự án này đang bị chậm tiến độ so với dự kiến ban đầu cũng bởi nguyên nhân vướng mặt bằng.

Cầu ĐH7 tại Điện Bàn chỉ để... "ngắm" vì không có đường dẫn.

Cầu ĐH7 tại Điện Bàn chỉ để... "ngắm" vì không có đường dẫn.

Tại huyện Quế Sơn, dự án cầu Trà Đình bắt qua sông Ly Ly (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn), được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt đầu tư xây dựng vào tháng 10/2016, với tổng mức vốn 62,5 tỷ đồng.

Đây là dự án nhóm C trọng điểm, công trình giao thông cấp III do UBND huyện Quế Sơn làm chủ đầu tư, với tổng mức vốn hơn 51,8 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 30 tỷ đồng, phần vốn còn lại do ngân sách huyện Quế Sơn cân đối.

Công trình nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ kết nối giữa xã Quế Phú với các xã Duy Thành và vùng Đông của huyện Duy Xuyên chạy ra TP Hội An. Đồng thời phục vụ việc cứu hộ, cứu nạn và đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương lân cận.

Tháng 6/2020, phần thân cầu Trà Đình đã được xây xong và nghiệm thu, nhưng đã 4 năm nay, phần đường dẫn hai đầu cầu vẫn chưa thi công, khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn, nhất là mùa mưa lũ.

Để người dân đi lại tạm thời, xã Quế Phú đã làm làn đường bê tông tạm lên hai bên đầu cầu cho xe máy lưu thông. Tuy nhiên, do được xây dựng cao hơn mặt đường cũ khoảng 7 mét, nên độ dốc từ hai bên cầu xuống mặt đường rất lớn và nguy hiểm.

Cuối tháng 4 vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất theo đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án cầu Trà Đình lên hơn 62,5 tỷ đồng (tăng hơn 10,6 tỷ đồng). Trong đó, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn ngân sách tỉnh 38 tỷ đồng, phần còn lại ngân sách huyện Quế Sơn đảm bảo. Thời gian thực hiện dự án cũng được điều chỉnh từ năm 2017-2025.

Tương tự, tại huyện Duy Xuyên, cầu Tây An 1 và Tây An 2 bắc qua sông Cầu Chìm, nối xã Duy Trung và thị trấn Nam Phước được đầu tư gần 250 tỷ đồng. Công trình được khởi công từ tháng 4/2020, dự kiến đưa vào hoạt động vào tháng 3/2023. Tuy nhiên, đến này dù đã hoàn thiện các hạng mục nhưng chưa thể đưa vào sử dụng vì thiếu đường dẫn.

Dự án cầu cầu Tây An 1 và Tây An 2 bị chậm tiến độ.
Dự án cầu cầu Tây An 1 và Tây An 2 bị chậm tiến độ.

Hay tại TP Hội An, dự án cầu Thanh Nam, bắc qua sông Thu Bồn, có tổng mức đầu tư hơn 337 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2020 và dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2023. Thế nhưng, đến nay dù đã làm lễ hợp long nhưng vẫn chưa thể sử dụng do chưa có đường dẫn.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An, dự án cầu Thanh Nam chậm tiến độ 1 năm là do vướng mặt bằng. Hiện nay người dân đã bàn giao mặt bằng để nhà thầu tiến hành thi công trở lại và đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ để có thể thông xe kỹ thuật cầu vào dịp lễ 2/9 sắp tới và dự kiến sẽ khánh thành dự án vào cuối năm nay.

Khẩn trương giải quyết tồn tại, vướng mắc

Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi các Sở: Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường; Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông; UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh và UBND cấp huyện theo nhiệm vụ được giao làm chủ đầu tư có trách nhiệm rà soát kết quả thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình cầu đường bộ và đường dẫn. Trong đó, báo cáo cụ thể các trường hợp đã xây dựng xong cầu nhưng chưa hoàn thành đường dẫn nên không thể đưa vào sử dụng, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Cầu Trà Đình ở Quế Sơn đã xây xong 4 năm nay nhưng cũng chưa có đường dẫn.
Cầu Trà Đình ở Quế Sơn đã xây xong 4 năm nay nhưng cũng chưa có đường dẫn.

Đồng thời tham mưu, đề xuất các giải pháp để tập trung phối hợp, khẩn trương giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án. Trong đó, Quảng Nam chỉ đạo tập trung vào các dự án cầu Tam Giang, cầu Tam Tiến, cầu Sông Ngang (huyện Núi Thành); cầu Thanh Nam (TP Hội An); cầu Tây An 1 và Tây An 2 (huyện Duy Xuyên); cầu Trà Đình (huyện Quế Sơn); cầu trên tuyến ĐH14 bắc qua sông Vĩnh Điện - từ xã Điện An đi xã Điện Minh, cầu trên tuyến ĐH7 bắc qua sông Vĩnh Điện (từ xã Điện Thắng Bắc qua phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn)...

Cầu Thanh Nam cũng chưa thể đưa vào sử dụng do thiếu đường dẫn.
Cầu Thanh Nam cũng chưa thể đưa vào sử dụng do thiếu đường dẫn.

Ngoài ra, Quảng Nam yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá tình hình thực hiện các thủ tục khai thác và khả năng cung ứng vật liệu xây dựng thông thường, nhất là đất san lấp phục vụ các công trình giao thông; đề xuất giải pháp giải quyết việc khan hiếm vật liệu xây dựng hiện nay để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ các dự án.

Sở Giao thông vận tải cần rà soát các công trình, dự án trên địa bàn đã xây cầu xong nhưng chưa thi công đường dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư báo cáo tình hình thực hiện, các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất, kế hoạch triển khai trong thời gian đến…

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên
(PLVN) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhận thức rõ điều này, Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số.