Theo tìm hiểu, để việc phân lô diễn ra nhanh gọn, nhiều chủ đất “tự nguyện hiến đất làm đường” để tiện cho việc tách thửa đất diện tích lớn thành những lô nhỏ vài trăm m2. Như một cặp vợ chồng có đơn “xin hiến đất làm đường”, chia tách đất trên các thửa đất số 120, 121, tờ bản đồ số 9 (xã ĐamB’ri) tổng diện tích hơn 30.500m2.
Hiện trạng khu đất này đang trồng cà phê và có sẵn đường hẻm rộng 7m do hộ gia đình cá nhân tự mở (có đơn xin hiến đất làm đường đi chung do UBND xã xác nhận ngày 23/12/2020). Tuyến đường này đã rải đá dăm nhưng chưa được chỉnh lý trên giấy chứng nhận và hồ sơ địa chính.
Tương tự, một hộ khác đề nghị tách thửa trên thửa đất số 20, tờ bản đồ số 12 (xã ĐamB’ri) diện tích gần 7.000m2; một hộ xin tách thửa đất số 303, tờ bản đồ số 12 (xã ĐamB’Ri) với diện tích 3.500m2. Cả hai thửa đất này đều đã có đường hiện trạng rộng 6m do hộ gia đình tự mở (có đơn xin “hiến đất làm đường” và được UBND xã xác nhận), dọc theo đường hiện trạng cũng được đặt cống thoát nước và hiện đã san ủi, đang là đất trống.
Bằng hình thức “hiến đất mở đường”, rồi đề nghị tách thửa, nhiều hộ dân khác tại xã ĐamB’ri đã lập hồ sơ xin tách thửa những lô đất hàng chục ngàn m2 thành nhiều lô nhỏ khác nhau.
Theo báo cáo của UBND TP Bảo Lộc hồi tháng 1/2021, qua thông tin do Chi nhánh VPĐKĐĐ Bảo Lộc cung cấp, thời gian qua trên địa bàn TP có trên 40 trường hợp hộ gia đình, cá nhân đề nghị hiến đất mở đường để tách nhiều thửa đất. Một lãnh đạo UBND TP Bảo Lộc cho biết, việc tách thửa thuộc thẩm quyền của Sở TN&MT.
Việc triển khai các bước tiếp theo của hoạt động tách thửa đất, phải thực hiện đảm bảo đúng quy hoạch, đúng quyền sử dụng đất. Ví dụ đất nông nghiệp tách thửa phải đảm bảo trên 500m2/lô, đất ở thực hiện theo đúng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân khu đã được duyệt. Vì vậy, dù có “ôm” những lô đất đã tách thửa trên, người mua vẫn có thể không được chuyển mục đích sử dụng đất, không được xây dựng nhà ở.
Tại Bảo Lộc, "dự án" bất động sản 36ha tại xã ĐamB’ri đang là một “điểm nóng”. Theo báo cáo ngày 31/5/2021 của UBND TP Bảo Lộc, khu vực 36ha này thuộc quyền sử dụng của 4 hộ gia đình, cá nhân sử dụng do chuyển quyền sử dụng đất (SDĐ) thời gian gần đây.
Quá trình sử dụng, các hộ này đã thực hiện việc hợp và tách thửa biến động có đường giao thông, sau đó chuyển nhượng một phần diện tích 5,6ha cho 8 hộ gia đình, cá nhân; và thực hiện chuyển mục đích đất nông nghiệp sang đất ở với 2ha.
Sau khi chuyển mục đích sử dụng, các hộ đã được Sở TN&MT tách một số diện tích thành 72 thửa đất (trên thực tế, có dấu hiệu cho thấy các hộ đã chia thành hàng trăm lô). Hiện chưa cơ quan thẩm quyền nào cấp phép đầu tư dự án bất động sản với khu vực trên.
Trong báo cáo mới đây, UBND Bảo Lộc cũng “điểm danh” hàng loạt cái tên như ĐamB’ri Hill Village 1 Bảo Lộc (người SDĐ Đỗ Viết Thức); ĐamB’ri Hill Village 2 (người SDĐ Phan Đình Hưng); Ecovill (người SDĐ Hồ Thúy Loan); Jade Garden Hill Bảo Lộc tại phường Lộc Tiến (người SDĐ Nguyễn Ánh); Kiwuki (người SDĐ Trần Ngọc Tùng)... Các khu vực trên đều là do hộ gia đình, cá nhân thực hiện thủ tục tách thửa sau đó chuyển quyền người SDĐ với hộ gia đình, cá nhân khác có nhu cầu; nhưng được các đối tượng “cò” đất đặt tên thành "dự án bất động sản" nhằm thu hút người mua. Thực tế các khu vực này chưa được cấp phép.
Đến nay trên địa bàn Bảo Lộc chỉ có 6 dự án được cấp chủ trương đầu tư BĐS, trong đó 4 đã hoàn thiện hạ tầng và đang thực hiện giao dịch. Hai dự án còn lại gồm dự án khu nhà ở biệt lập đường Lý Thường Kiệt (phường 1) và dự án Khu dân cư trung tâm xã ĐamB’ri đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định chấm dứt hoạt động dự án với lý do chậm tiến độ so với giấy chứng nhận đầu tư.