Như Dân trí đưa tin, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) - Trưởng phòng Quản trị (thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) đã bị tố cáo gian dối khi kê khai lý lịch. Cụ thể, bà Sa có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975). Bà Thảo mới chỉ học hết cấp 2 nhưng đã mượn bằng cấp 3 của chị gái mình là Trần Thị Ngọc Ái Sa (hiện công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng) để xin đi làm rồi học lên trung cấp, đại học.
Năm 2002, bà Thảo làm kế toán tại một khách sạn rồi chuyển qua làm kế toán tại Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk. Đến tháng 10/2009, bà Thảo được điều động về làm Kế toán trưởng tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Năm 2015, bà Thảo làm Phó Trưởng phòng Quản trị. Tới năm 2016 bà Thảo được bổ nhiệm lên làm Trưởng phòng này.
Qua xác minh, Tỉnh ủy Đắk Lắk xác nhận đơn tố cáo là đúng sự thật. Sau đó, bà Thảo đã chủ động làm tờ trình xin nghỉ việc và thừa nhận “do điều kiện khó khăn, tuổi đời còn trẻ nên nhận thức chưa đầy đủ. Việc dùng bằng cấp của chị chỉ nhằm mục đích kiếm một công việc để sinh sống chứ hoàn toàn không có một mục đích nào khác”.
Vụ việc càng “lùm xùm” hơn khi bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, hiện là nhân viên Khoa sản - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng đã có bản tường trình gửi lãnh đạo bệnh viện về việc bị em gái dùng bằng cấp III của mình để xin việc và làm việc tại Văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk.
“Em tôi tên thật là Trần Thị Ngọc Thêm, sinh năm 1975, tôi không cho em tôi mượn bằng tốt nghiệp. Hiện tại và trước đây giấy tờ quan trọng và các loại bằng cấp của bản thân đều để ở nhà mẹ đẻ nên sự việc em gái tôi lấy sử dụng bằng cấp III của tôi để xin việc tại Đắk Lắk tôi hoàn toàn không biết. Về phần xác minh lý lịch vào Đảng của em tôi, bản thân tôi cũng không hay biết”, bà Ái Sa viết trong bản tường trình.
Sau khi vụ việc của em gái bị phát hiện, bà Ái Sa đã về nhà mẹ đẻ để lấy hết giấy tờ, bằng cấp đem về nhà riêng cất giữ.
Việc bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) bị phát hiện gian dối khi kê khai lý lịch, dùng bằng cấp và họ tên của chị gái để xin việc, được xác định có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo; nhưng nay người chị gái lại khẳng định em mình tên là Trần Thị Ngọc Thêm, khiến vụ việc càng thêm “lùm xùm”, rắc rối.
Liên quan đến vụ việc này, bà Nguyễn Thị Minh Hiếu – Bí thư Đảng ủy phường 6 (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng, nơi gia đình bà Ái Sa sinh sống) cho biết, trong hồ sơ xác minh của đơn vị không có tên bà Trần Thị Ngọc Ái Sa.
Theo bà Hiếu, sau khi tiếp nhận thông tin vụ mượn bằng thăng tiến, đơn vị đã tiến hành xác minh. Thông tin từ ông Đoàn Ngọc Yên – Bí thư Chi bộ tổ dân phố 17 (nơi bà Ái Sa sinh sống) cho biết, Chi bộ này chưa từng xác minh lý lịch vào Đảng cho ai tên Trần Thị Ngọc Ái Sa. Ông Yên làm Bí thư chi bộ tổ dân phố 17 từ năm 2004.
“Để hoàn thiện thủ tục kết nạp Đảng viên thì việc xác minh lý lịch hết sức chặt chẽ. Cụ thể, sau khi Đảng ủy nhận được giấy yêu cầu xác minh lý lịch, đơn vị sẽ vào sổ rồi chuyển xuống Chi bộ nơi có gia đình hoặc chính người cần được kiểm tra lý lịch sinh sống để xác minh. Tiếp đó, Đảng ủy ký và gửi lại cho đơn vị yêu cầu xác nhận lý lịch”, bà Hiếu thông tin.