Uống tăng lực hóa siêu nhân?
Những loại nước tăng lực như Red bull, Samurai hay Sting… có thực sự tăng lực, có thực sự “chinh phục thử thách” hay “thêm năng lượng để chiến đấu” giống như tivi đã quảng cáo hay không?
Bác sỹ Doãn Tường Vi - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện 19-8 cho biết: “Trong nước tăng lực có chất cafein, có tác dụng kích thích thần kinh vào đại não, làm cho con người thấy tỉnh táo và sảng khoái hơn”.
Ngoài ra, trong nước tăng lực đường cũng là thành phần không thể thiếu, lượng đường trong mỗi loại nước ngọt có ga này chỉ cung cấp năng lượng cho người sử dụng, nhưng không cung cấp kèm vitamin, không có tác dụng tốt cho người sử dụng nếu dùng nhiều và thường xuyên.
Những sản phẩm nước tăng lực này đều được nhà sản xuất khuyến cáo “ướp lạnh sẽ ngon hơn”. Khi vận động mệt mỏi uống vào có cảm giác “đã khát”, nó còn đánh lừa người tiêu dùng với cảm giác giúp “tiêu hóa tốt hơn”. Thực ra trong mỗi sản phẩm nước tăng lực thường được sục khí CO2, hiện tượng ợ hơi là do CO2 tách ra khỏi nước và thoát ra ngoài chứ không phải dấu hiệu của “dễ tiêu hóa”.
Những loại nước tăng lực trên chỉ có tác dụng giải khát thông thường và phần nào đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, nhưng lại được các nhà sản xuất đưa ra những thông điệp quảng cáo gây sốc, với những hình ảnh có phần “siêu nhân hóa”.
Clip quảng cáo của nước tăng lực Sting là một ví dụ. Với thông điệp “Sting năng lượng đột phá, thỏa chí tung hoành”, hình ảnh một nam thanh niên vừa uống Sting xong, ra tay giúp người đẹp bị lỡ taxi. “Siêu nhân” này đã không ngần ngại bế thốc người đẹp và nhảy qua hết chướng ngại vật này đến chướng ngại vật khác. Chưa dừng lại ở đó, anh lại tiếp tục nhảy từ đỉnh tòa cao ốc này, một tay bế người đẹp, một tay đu cần cẩu để nhảy lên đỉnh tòa cao ốc khác.
Một clip quảng cáo khác của Hãng Number one: Anh diễn viên đang ký tặng cho người hâm mộ, bỗng nghe tiếng hô “đứt phanh, đứt phanh”, tiếng tri hô “anh ơi cứu đi”, anh chàng diễn viên này thốt lên “tôi chỉ là diễn viên thôi mà”. Ngay lập tức anh nhận được một chai nước tăng lực, đã dũng cảm khoác lên mình một mớ dây xích, buộc dây vào thành cầu rồi nhảy từ trên cầu xuống chiếc xe khách đang chạy, vẫn bình thản “tự thưởng” cho mình một ngụm. Rồi móc xích vào rơ - mooc của xe, cứu mọi người “một bàn thua trông thấy”.
Nghèo nàn ý tưởng, nhạt nhẽo nội dung
Các doanh nghiệp khi đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng đều mong sản phẩm của mình thật ấn tượng trong những chương trình quảng cáo với kỳ vọng được khán giả nhớ đến sản phẩm của mình. Không ai có thể phủ nhận rằng, nếu một quảng cáo hay, có sức hấp dẫn thì hiệu quả về mặt thu hút khách hàng của quảng cáo đó sẽ rất lớn.
Theo PGS.TS Trương Đình Chiến - Trưởng khoa Marketing Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: “Quảng cáo hiện nay không đơn thuần là truyền tải thông tin từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, mà nó còn là sự đột phá về sáng tạo nghệ thuật, vừa tạo được sự chú ý cho khán giả, vừa mang tính giải trí cao”.
PGS.TS Trương Đình Chiến - Trưởng khoa Marketing ĐH Kinh tế Quốc dân. |
Sở dĩ nhiều clip quảng cáo ở Việt Nam không gây được ấn tượng, thậm chí bị độc giả “ném đá”, quảng cáo nhiều nhưng không để lại “dấu ấn” cho người xem vì không có sự đầu tư chiều sâu về ý tưởng, kịch bản nghèo nàn, thiếu chuyên nghiệp. “Nhiều tình huống vớ vẩn” – PGS.TS Trương Đình Chiến cho biết thêm.
Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, việc cung cấp thông tin chính xác, trung thực về hàng hóa cho người tiêu dùng là một trong tám quyền cơ bản của người tiêu dùng. Việc quảng cáo gây nhầm lẫn là vi phạm Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
Ngày 16/3/2012 Chính phủ ra Nghị định số 19/2012/NĐ-CP về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do vậy, việc quảng cáo không trung thực và gây hiểu lầm, ngộ nhận về hàng hóa cho người tiêu dùng là hành vi vi phạm pháp luật.