Tranh minh họa. Nguồn Internet |
Lại “thắt hầu bao”
Bên cạnh những nhà máy sử dụng gas làm nguyên vật liệu đang lo lắng cho giá thành sản xuất của mình bị ảnh hưởng còn có rất nhiều người lao động nghèo, công nhân, sinh viên, người có thu nhập thấp cũng “choáng váng”. Giá gas thiết lập kỉ lục lên đến 485 ngàn đồng/ bình 12kg khiến họ thấy… ngộp thở. Một số người tích cực nhóm bếp than tổ ong, số khác sắm thiết bị điện đun nấu để giảm bớt việc đụng chạm đến bếp gas.
Anh Hoàng Văn Thành (phường Vĩnh Tuy - quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) cho biết: “Thời gian trước, giá mỗi bình gas là 380 ngàn đồng đã khiến chúng tôi lo ngại rồi, nay tăng khủng khiếp như thế sẽ kéo biết bao thứ khác cùng tăng theo, như giá thực phẩm. Gia đình tôi đông người, đã sắm bếp than tổ ong rồi. Chịu khói một tí, nhưng đun nấu rẻ hơn”.
Còn chị Lê Thị Mây (đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) buồn rầu: “Mỗi đợt tăng giá là mỗi đợt thắt hầu bao. Hàng xóm chúng tôi ai cũng kêu, sống trong khu tập thể, họ nhóm bếp than khói mù mịt. Mà cũng phải thông cảm cho họ chứ, ai chẳng muốn đun gas cho sướng. Nhưng tăng đến 80 ngàn/bình thì sốc quá. Tôi chẳng để ý gì, nhưng sáng nay gọi gas, khi trả tiền thấy hoảng. Là người nội trợ, chỉ cần mỗi thứ tăng một chút thôi, cộng vào số tiền cũng rất nhiều”.
Giá gas cộng thêm những chi phí khác đều tăng nên công nhân là đối tượng ảnh hưởng nhiều nhất. Nhiều công nhân bị chậm lương, nợ lương, bị trốn đóng bảo hiểm, tiền nhà trọ rục rịch tăng giá, nay lại phải mua gas với giá “cắt cổ”. Rất nhiều công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, dù cố gắng “cày” – làm tăng ca được chừng hơn 400 ngàn đồng/tháng, nay thêm hoảng khi phải đi chợ và gọi gas.
Không để dân lo lắng dịp cuối năm
Theo lý giải của các công ty gas, gas trong nước tăng giá đột biến do giá gas thế giới nhập khẩu trong tháng 12 tăng 267,5 USD/tấn (lên mức 1.162,5 USD/tấn). Theo một số chuyên ra, dù giá gas thế giới tăng nhưng các doanh nghiệp chưa hề nhập số lượng gas tăng giá, mà thực chất vẫn còn lượng tồn kho. Và khi chưa nhập hàng tăng thì họ đã tăng luôn giá từ hàng tồn kho và ôm lời rất lớn.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chỉ ra: “Cách vận hành thị trường gas không minh bạch. Ở đây đang có biểu hiện của mối liên kết thầm lặng mà pháp luật không kiểm soát đến”.
Đa số người dân khi được hỏi đều nêu nguyện vọng chung rằng cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn sự biến động của thị trường, nhất là cuối năm. Đối với giá gas, việc tăng giá theo sự biến đổi của thế giới là hợp lý, nhưng ở trong nước mỗi lần điều chỉnh đã tăng thì đều vượt xa với giá thế giới. Người dân có quyền đặt câu hỏi về nhóm lợi ích của một số doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực nhập khẩu gas.
Trong tâm trạng lo lắng, vào các chợ đầu mối cũng như chợ cóc, đâu đâu người dân cũng bàn tán về chuyện giá cả, nhất là giá gas. Bởi thế, việc làm ăn đối với các doanh nghiệp nhỏ sẽ trở nên khó khăn, đồng thời mọi sinh hoạt khác của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Ví như giá các mặt hàng đồ khô, rau củ quả đều tăng, do chi phí vận chuyển tăng.
Tiểu thương Lê Thị Hưởng (chợ đầu mối Yên Sở) cho hay: “Hễ giá xăng dầu hay gas tăng là các mặt hàng, dịch vụ khác cũng nhấp nhổm tăng, dù đến thời điểm này thị trường hàng cho dịp Tết vẫn chưa sôi động mà phải chừng nửa tháng nữa. Nhưng nỗi lo của người dân thì đã hiện hữu, và chúng tôi bán hàng cũng khó khăn”.
Hơn lúc nào hết, trong những ngày cuối năm này, việc bình ổn, kiểm soát giá tất cả các mặt hàng là vô cùng cần thiết, cần được các cơ quan chức năng triển khai một cách thực chất hơn, nhất là khi nguy cơ lạm phát có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.