Mới đây, sự việc một lần nữa làm “nóng” nghị trường HĐND tỉnh trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XII.
Những “ông lớn” “ngâm” dự án
Theo ông Nguyễn Phong, Giám đốc Sở Xây dựng, có thể “điểm danh” một số dự án được giao đất nhưng chủ đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện chậm, gây lãng phí đất, ô nhiễm môi trường như Nhà máy bia Sài Gòn - Quảng Ngãi, Trường Đông Á, Khu đô thị mới Phú Mỹ, Dự án phim trường Vina (Tân Tạo), Dự án Công viên Thiên Bút và Khu đô thị mới Thiên Tân, Khu đô thị An Phú Sinh, các dự án đầu tư vào Khu du lịch Mỹ Khê...
Theo tìm hiểu, Dự án Khu Thương mại - Dịch vụ Vina Universal Paradise Sơn Tịnh do Công ty CP Đầu tư Khu Du lịch - Phim trường Vina làm chủ đầu tư, xây dựng tại thị trấn Sơn Tịnh và xã Tịnh Ấn Đông (nay thuộc phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi); tổng diện tích đất theo quy hoạch được duyệt 56,547ha, tổng mức đầu tư 1.196 tỷ đồng.
Dự án chậm tiến độ thực hiện 4 năm theo giấy chứng nhận đầu tư đã cấp. UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo liên quan.
Theo nguồn tin, hiện chủ sở hữu Vina đã thay đổi sang nhóm cổ đông mới là Công ty thành viên 100% vốn của PvcomBank (Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam).
Ngân hàng này chiếm 52% vốn điều lệ và là đơn vị có quyền, lợi ích liên quan đến Vina; đồng thời Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy xác nhận về thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp với Vina. Quảng Ngãi thừa nhận, với việc thay đổi chủ đầu tư, dự án có thể sẽ không được triển khai như báo cáo ban đầu.
Với Dự án Công viên Thiên Bút và Khu đô thị mới Thiên Tân đã được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án tại Quyết định số 1077/QĐ-UBND ngày 09/6/2017; phê duyệt kết quả lựa chọn Công ty CP Đầu tư xây dựng Thiên Tân làm nhà đầu tư thực hiện Dự án Công viên Thiên Bút theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT).
Nhà đầu tư được thanh toán bằng quỹ đất tại Khu đô thị Sinh thái Thiên Tân. Song quá trình triển khai thực hiện phát sinh một số vướng mắc, trong đó có việc sử dụng tài sản công để thanh toán.
Giám đốc Sở Xây dựng thông tin về sự việc. |
Dự án Khu nghỉ dưỡng sinh thái Ánh Vân của Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ - Du lịch Trúc Vân được tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 524/QĐ-UBND ngày 29/3/2017. Quy mô dự án khoảng 19ha (14,8ha mặt đất và 4,2ha đất mặt nước), tổng vốn đầu tư khoảng 402 tỷ; dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành giai đoạn 1, cuối năm 2021 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án. Nhưng đến nay, dự án chưa được triển khai thực hiện.
Tương tự, dự án Khu du lịch biển Mỹ Khê của Công ty Cổ phần Biệt thự Nghỉ dưỡng Mỹ Khê được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư (theo Luật Đầu tư 2005) cho Công ty CP Mỹ Khê Việt Nam thực hiện từ năm 2010.
Từ tháng 10/2012, dự án đã tạm ngừng triển khai xây dựng do khó khăn về tài chính khi ngành dầu khí thực hiện tái cơ cấu. Đến năm 2018, Mỹ Khê Việt Nam đề nghị chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty CP Biệt thự Nghỉ dưỡng Mỹ Khê (Công ty con của Công ty CP Đầu tư Phát triển Nguyễn Hoàng được thành lập tại tỉnh để thực hiện dự án).
Dự án Khu dịch vụ Khánh Long - Mỹ Khê của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Khánh Long được tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định số 863/QĐ-UBND ngày 18/5/2016 và điều chỉnh lần thứ nhất tại Quyết định số 1064/QĐ-UBND ngày 08/6/2017; dự kiến đến tháng 12/2018 dự án đi vào hoạt động chính thức.
Trong quá trình triển khai thực hiện, dự án gặp vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giao đất và tài sản công nên đến nay chưa triển khai thực hiện được. Dự án thuộc đối tượng thanh tra liên quan đến việc sử dụng tài sản công, UBND tỉnh đã ban hành Kết luận thanh tra số 05/KL-UBND ngày 7/6/2019. Hiện các cơ quan đang triển khai thực hiện theo Kết luận thanh tra.
Nói về chuyện quy hoạch treo, dự án treo, ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác quản lý nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và cuộc sống của người dân vùng dự án.
Vẫn nở rộ các dự án BĐS
Hiện tượng nở rộ đầu tư dự án BĐS tại địa phương này gây nhiều bức xúc trong dư luận. Ông Nguyễn Phong, Giám đốc Sở Xây dựng thông tin, hiện trên địa bàn tỉnh có 107 dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị, khu dân cư do các doanh nghiệp kinh doanh BĐS trong và ngoài tỉnh thực hiện trên địa bàn 8 huyện (Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Ba Tơ, Trà Bồng và Nghĩa Hành) và TP Quảng Ngãi, với tổng diện tích đất theo hoạch 1.526,79ha; tổng số lô đất nền 42.300 lô (đã gồm 2.524 lô đất chung cư, đất tái định cư và chỉnh trang).
Trong số này, có 14 dự án được UBND tỉnh quyết định chủ trương từ năm 2015 trở về trước và 93 dự án từ năm 2016 đến nay. Tổng diện tích đã được giải phóng mặt bằng 686,13ha/1.526,79ha (59 dự án); còn lại 840,66ha (48 dự án) chưa được triển khai giải phóng mặt bằng.
Một dự án treo khiến hàng trăm hộ dân ở tổ 14, phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi 22 năm sống cảnh chờ đợi. |
UBND tỉnh đã cho phép nhà đầu tư đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng 6.735 lô/10.439 lô thuộc các dự án đã cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và hoàn thành từng giai đoạn của dự án, còn lại 3.704 lô đang lập thủ tục đề nghị tỉnh cho phép chuyển nhượng theo quy định.
Trong số các lô đất đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, có 640 lô đã được nhà đầu tư xây dựng nhà ở rồi chuyển nhượng cho hộ gia đình, cá nhân như: Dự án Khu đô thị An Phú Sinh đã đầu tư xây dựng 317 căn nhà và chuyển nhượng 317 căn; Dự án Khu liên hợp Bến xe TP Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng 34 căn và chuyển nhượng 25 căn; Dự án Khu Đô thị dịch vụ VSIP Quảng Ngãi đã đầu tư 193 căn và chuyển nhượng 89 căn; Khu dân cư Bắc Lê Lợi đã đầu tư 96 căn, đã chuyển nhượng 52 căn.
UBND tỉnh Quảng Ngãi vẫn đang tiếp tục trình lên HĐND cùng cấp xin thu hồi hơn 5 hecta đất lúa để doanh nghiệp làm dự án BĐS. Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 6/12/2019 Chủ tịch tỉnh đã ký công văn đề nghị HĐND tỉnh xem xét thông qua việc thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất lúa năm 2020 với diện tích 5,1 hecta cho hai doanh nghiệp làm dự án.
Theo đó, dự án Khu dân cư Đông Sơn Mỹ của Công ty CP BĐS Ngọc Thanh (trụ sở phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi, hoạt động từ ngày 22/5/2018) được cấp quyết định chủ trương đầu tư ngày 31/10. Dự án nằm tại xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi có tổng diện tích 5,63 hecta; trong đó diện tích đất lúa chiếm tới 4,1 hecta. Dự án thứ hai là khu dân cư An Lộc Viên tổng diện tích 7,78 hecta tại xã Tịnh An được cấp quyết định chủ trương đầu tư ngày 31/10, trong đó diện tích đất lúa 1 hecta.
Giám đốc Sở Xây dựng thừa nhận, thời gian qua có các tổ chức, cá nhân giao dịch, huy động vốn, kinh doanh BĐS khi chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân, có khả năng tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến trật tự xã hội trên địa bàn.
Trước đó, trong báo cáo giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh được thông qua cuối năm 2018, Ban này đã đề xuất lên Thường trực Tỉnh ủy và HĐND đề nghị UBND cùng cấp chấn chỉnh rút kinh nghiệm trong việc tham mưu quyết định chủ trương đầu tư các dự án khu đô thị, khu dân cư chưa đảm bảo trình tự thủ tục quy định pháp luật; rà soát lại các dự án để kịp thời có định hướng phát triển phù hợp; thực hiện việc bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo đúng quy định, nhất là với diện tích đất trồng lúa nước trong quy hoạch. Tuy nhiên, từ đó đến nay các dự án BĐS ở Quảng Ngãi vẫn được tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư như đã nêu trên.
Trả lời trước cử tri vì sao cấp phép ồ ạt các dự án BĐS, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng TP Quảng Ngãi hiện đang là đô thị loại III, muốn lên đô thị loại II, các xã phải đủ điều kiện lên phường; để phấn đấu đưa TP lên đô thị loại II, tỉnh và TP phải tập trung chỉnh trang đô thị. Cũng như vậy tỉnh cũng tập trung điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với định hướng phát triển đô thị để phát triển Đức Phổ lên thị xã và nâng loại đô thị đối với một số thị trấn trên địa bàn các huyện.