Đại Hồng Bào khô có hình dạng giống như những sợi dây thừng thắt chặt hoặc dải hơi xoắn, có màu xanh và nâu. Nước trà sau khi pha có màu sánh vàng cam, trong vắt. So với các loại trà khác, Đại Hồng Bào có thể giữ được hương vị của nó trong 9 lần hãm.
Mức giá đáng kinh ngạc
Năm 2002, dư luận thế giới xôn xao trước thông tin một đại gia đã chi 180.000 NDT (tương đương với 28.000 USD tính theo thời giá lúc bấy giờ) để mua chỉ 20 gram trà Đại Hồng Bào huyền thoại của Trung Quốc. Ngay cả trong một nền văn hóa vốn coi việc uống trà như một loại hình nghệ thuật đã hình thành và phát triển từ suốt 1.500 năm qua thì mức giá đó cũng khiến người ta phải kinh ngạc.
Đại Hồng Bào cổ, xịn có mức giá không chỉ là tính theo trọng lượng vàng mà đắt gấp 30 lần trọng lượng vàng, tức là gần 1.400 USD cho 1 gram trà, tính ra hơn 10.000 USD một ấm trà. Đây là một trong những thứ trà đắt nhất thế giới. “Thứ trà này thoạt nhìn thì tưởng là thứ trà cho người ăn mày nhưng thực tế giá của nó bằng giá đồ uống cho hoàng đế”, bà Xiao Hui (một người chế biến trà ở Vũ Di Sơn, tỉnh Phúc Kiến) nói.
Vừa nói, người phụ nữ này vừa khoe những lá trà Đại Hồng Bào màu đen, quấn vào nhau do chưa qua chế biến, được thu hoạch từ vườn gia đình bà ở Vũ Di Sơn. Gia đình bà Xiao nhiều đời nay sống bằng nghề trồng trà và mùa xuân nào cũng vẫn lên núi cầu xin thần trà Lục Vũ phù hộ cho trà đâm chồi nảy búp.
Từ nhiều thế kỷ qua, những núi đá vôi hùng vĩ của Vũ Di Sơn đã nổi tiếng về trà. Mưa đổ xuống các hẻm núi đá vôi và các đỉnh núi, làm đầy các con suối trên núi và đổ ào qua thác, mang theo nhiều khoáng chất khiến hương vị của trà thêm đậm đà. Trong đó, trà Đại Hồng Bào được trồng ở khu bảo tồn Vũ Di Sơn - một di sản thế giới được UNESCO công nhận. Cây trà Đại Hồng Bào còn được gọi là “trà đá”, bởi đá núi cao bên dưới bồi đắp cho lá cây.
Truyền thuyết về Đại Hồng Bào
Cái tên Đại Hồng Bào (Áo choàng đỏ lớn) của thứ trà trên xuất phát từ một truyền thuyết, theo đó, người ta nói rằng loại trà trên sau khi chữa khỏi bệnh hiểm nghèo cho mẹ một vị Hoàng đế đã được ông khoác lên gốc những bụi cây trà bộ áo choàng màu đỏ sang trọng để bảo vệ khu đất mà chúng mọc trên nền đất đá.
Ngày này, vào ngày 1/5, ngay sau khi vụ thu hoạch trà bắt đầu, một tấm thảm đỏ vẫn sẽ được người dân địa phương trải ra để bắt chước món quà của hoàng đế. Những người phụ nữ xinh đẹp trong trang phục truyền thống khi đó sẽ bước lên những bậc thang rêu phong và thực hiện nghi lễ thu hoạch trà.
Trà Đại Hồng Bào. |
Song, không phải trà Đại Hồng Bào nào cũng đắt giá như trên. Hiện nay, loại trà này có nhiều mức giá khá phải chăng. Cụ thể, ở Vũ Di Sơn, trong khi loại trà cổ hoặc trà của những cây trà lâu năm tuổi có thể có giá cực kỳ cao thì nhiều loại trà khác có chất lượng khá tốt chỉ có giá khoảng 100 USD/kg. Trà Đại Hồng Bào thứ thiệt là trà được thu hoạch từ một nhóm cây trà mẹ có tuổi thọ hàng ngàn năm. Chính những cây thủy tổ này sản sinh ra thứ trà cực kỳ quý hiếm và được săn lùng gắt gao, giống như thứ trà được bán với giá đắt hơn vàng nói ở trên. Chỉ còn lại 6 cây mẹ trên vách đá ở dãy núi Vũ Di. Những cây này được coi là báu vật quý hiếm.
Vì sự khan hiếm và chất lượng trà hảo hạng, Đại Hồng Bào được mệnh danh là “Vua trà” và cũng cực kỳ đắt đỏ. “Trà Đại Hồng Bào chính gốc rất đắt vì đến nay gần như không còn cây trà nguyên thủy nào. Những trà cổ vì thế rất giá trị, gần như vô giá”, ông Xiangning Wu (một bậc thầy về trà ở Vũ Di Sơn) giải thích.
Trên thực tế, trà Đại Hồng Bào chính gốc gần như là thứ được mua bán độc quyền do những người môi giới chuyên nghiệp lùng sục trong giới các nhà sưu tập trà siêu giàu muốn mua trà để kết nối những người muốn bán. Và cũng không phải chỉ người Trung Quốc mới đánh giá cao trà Đại Hồng Bào. Năm 1849, nhà thực vật học người Anh Robert Fortune trong một chuyến đi bí mật để dò la về ngành nông nghiệp đã đến vùng núi Vũ Di Sơn để tìm hiểu về thứ trà này. Khi đó, người Anh luôn ám ảnh về trà và Trung Quốc là nơi duy nhất người Anh có thể mua thứ sản vật này.
Trong bối cảnh đó, người Anh tìm đến cách ăn cắp hạt giống (hoặc chiết cành) cây của Trung Quốc để đem đi trồng với mong muốn có thể sản xuất trà của mình tại Ấn Độ để giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc đối với mặt hàng này, từ đó góp phần tạo cân bằng thương mại. Song, người Anh đã không thành công với kế hoạch này. Bởi, những hạt giống trà mà họ lấy được ở Quảng Đông không mọc thành cây và giống trà của Ấn Độ không có hương vị mà họ mong muốn. Ông Fortune vì thế tới Trung Quốc để tìm hiểu về loại trà tốt nhất của Trung Quốc là Đại Hồng Bào và học cách trồng nó.
Vì khi đó Trung Quốc gần như đóng cửa hoàn toàn với người nước ngoài nên Fortune đã phải thuê một người hầu và cắt tóc, gắn đuôi sam để trá hình hòng tới Vũ Di Sơn tìm trà quý. Tại đây, ông ta sống trong một ngôi ngôi chùa, lân la tìm hiểu và mua được hạt giống, cây giống và bí quyết trồng trà. Khi tới được Ấn Độ, những hạt giống mà Fortune mang theo được lai tạo với giống trà bản xứ Ấn Độ, đưa đến sự khởi đầu của ngành công nghiệp trồng trà đáng giá hàng tỷ USD mỗi năm hiện nay.
Chế biến kỳ công
Ngày nay, các vườn trà Đại Hồng Bào bám vào sườn núi, tập trung ở những hẻm chật hẹp và cheo leo trên các sườn núi dốc nhất. Những bụi trà quý vắt vẻo trên thềm của vách đá vôi cao chót vót còn những cây Đại Hồng Bào cổ thụ nằm trên đất của chùa Tianxin Yongle. Việc sản xuất trà từ những cây này bị kiểm soát chặt chẽ, hàng năm, chỉ có vài trăm gram trà được thu hoạch từ những cây này. Đến năm 2005, việc hái trà bị dừng lại.
Do đó, việc sản xuất thêm trà từ những bụi cây này là không có. Điều đó có nghĩa là một vài gram trà mà những người thu gom đang nâng niu, gìn giữ, hàng năm làm khô chúng để tăng hương vị sẽ tăng giá trị hơn trước đây nhiều. Và cũng có thể sẽ tới lúc chúng đắt như kim cương.
Trà Đại Hồng Bào được hái mỗi năm một lần, thường vào tháng 5 và tháng 6. Tiêu chuẩn hái lá tươi là mỗi búp có 2-3 lá. Các lá trà sau khi hái về được trải đều dưới nắng, dùng ánh nắng và gió để phơi khô. Lá trà khi đã héo được chuyển vào bên trong và làm mát. Tiếp đó, lá trà được lắc và cuộn trong một cái cây tre lớn. Việc này được cho là có lợi cho quá trình oxy hóa polyphenol bên trong lá trà. Bước này là phần quan trọng nhất để hình thành nên hương, vị của trà và cũng là bước phức tạp và tốn thời gian nhất. Để xao trà, người ta có thể xao bằng tay hoặc bằng máy.
Cách để pha trà Đại Hồng Bào ngon nhất là sử dụng ấm trà bằng đất sét tím và nước 100 độ C. Nước tinh khiết được coi là lựa chọn tốt nhất để pha trà. Nước sau khi đun sôi nên dùng ngay. Nước đun lâu hoặc để lâu sau khi sôi sẽ ảnh hưởng đến hương vị của trà. Trà ở lần hãm thứ ba và thứ tư được coi có hương vị ngon nhất.