Vỡ quai hàm, mặt chảy máu, mất một mắt, bị thương ở chân hoặc tay…, hình ảnh một số người bị thương, được quay tại chỗ, tay ôm mặt dính máu, hoặc ngã gục, hoặc được một số người sơ cứu, liên tục được truyền tải trên phương tiện truyền thông và trên mạng xã hội.
Liệu lực lượng cảnh sát Pháp lạm dụng loại vũ khí tự vệ này hay do thiếu chuyên nghiệp? Súng LBD 40 gây nguy hiểm như thế nào? Liệu loại súng này sẽ bị cấm sử dụng? Súng bắn đạn cao su hiện trở thành tâm điểm tranh luận tại Pháp.
Hỏng mắt vì trúng đạn cao su của cảnh sát
Jim, biệt danh của một người Áo Vàng ở đảo Oléron, tham gia biểu tình tại Bordeaux hôm 8/12/2018, bị trúng đạn cao su của cảnh sát, thuật lại: “Chúng tôi không biết thành phố Bordeaux, những người Áo Vàng chúng tôi tập trung lại với nhau và chúng tôi muốn ra khỏi khu vực đó, nhưng bị kẹt giữa một bên là cảnh sát chống bạo động (CRS), còn bên kia là đám cháy.
Tôi muốn bảo vệ vợ mình nên tôi che cô ấy ở phía sau, và thế là tôi bị trúng một viên đạn cao su. Tôi bị hỏng mắt bên phải. Ba tháng nữa, bác sĩ sẽ phẫu thuật lắp mắt giả. Tôi biết là không còn con mắt phải nhưng vẫn chưa thật sự hết bàng hoàng”.
Lilian, một thiếu niên 15 tuổi sống ở ngoại ô Strasbourg, cũng bị trúng đạn cao su ở Strasbourg hôm 5/1/2019. Theo mẹ của Lilian, con trai bà không phải là một kẻ đập phá mà vô tình rơi vào đám đông Áo Vàng khi đi mua sắm ở trung tâm thành phố: “Con tôi bị trúng một viên đạn cao su. Có một lỗ rất lớn trên má phải của cháu, ngay phía trên cằm và hàm cũng bị thương hoàn toàn. Các bác sĩ đã phẫu thuật thành công. Cháu sẽ được khám lại trong 6 tháng nữa, rồi theo dõi xem tình hình ra sao.
Ngày 5/1, sau khi ăn trưa xong, con trai tôi ra khỏi nhà lúc 14h. Cháu để ý được một chiếc áo vét từ lâu và tranh thủ mùa giảm giá. Cháu quá hài lòng nên mặc ngay chiếc áo đó và tải ảnh lên mạng xã hội. Tôi vẫn còn giữ hóa đơn mua áo, ghi giờ thanh toán là lúc 15 giờ 56.
Ngay sau đó, cháu bắt đầu về nhà, đúng tuyến đường đi ra trạm tàu điện. Theo những gì bạn cháu kể, vì con trai tôi vẫn chưa nói được, đúng lúc đó, cháu và nhóm bạn thấy những người biểu tình Áo Vàng chạy về phía chúng và cả nhóm bị lẫn trong đoàn người Áo Vàng và chính lúc đó, cháu bị trúng đạn cao su”.
Một trường hợp khác góp phananf làm dấy lên cuộc tranh luận về việc sử dụng súng LBD 40 là một người biểu tình ở Bordeaux, có thể bị trúng đạn cao su vào đầu hôm 12/1/2019, phải gây hôn mê nhân tạo để điều trị.
LBD 40 là súng gì?
Từ năm 2016, lực lượng cảnh sát và hiến binh Pháp được trang bị loại súng LBD 40, súng bắn đạn cao su tự vệ (Lanceur de balle de défense), cỡ nòng 40 mm, dần thay thế loại súng Flashball, cũng bắn đạn cao su.
Được công ty Thụy Sĩ Brügger & Thomet (B&T) sản xuất ở Thoune, LBD có thể bắn đạn cao su, đạn mút, thả khói hoặc hơi cay. Ban đầu, đây là một loại súng tự động phóng lựu đạn trong quân sự, sau đó được cải tiến thành một loại vũ khí chống bạo động “không sát thương”.
Nếu như thế hệ Flashball có tầm bắn 10m, thì loại LBD có thể bắn từ xa 50m và có ống ngắm. Một thống kê cho rằng “776 lần bắn súng LBD” chỉ riêng ngày biểu tình 1/12/2018 tại Paris.
Với ông Jacques Toubon, chuyên viên bảo vệ quyền của công dân Pháp (Défenseur des droits), cả hai loại vũ khí đều gây nguy hiểm cho người biểu tình và yêu cầu ngừng sử dụng: “Từ 5 năm nay, chúng tôi luôn xác định rằng việc sử dụng loại súng bắn đạn cao su tự vệ gây nguy hiểm cho người biểu tình.
Tôi muốn nói thêm là loại súng kém hoàn thiện nhất là súng Flashball không có bộ phận ngắm bắn, hay loại súng LBD 40 X 46 có thiết bị ngắm điện tử và có thể được sử dụng từ rất xa, cả hai đều rất nguy hiểm cho những người biểu tình và tôi xin nhắc lại biểu tình là một quyền cơ bản. Vì vậy, rất nhiều lần, ngay cả trong báo cáo của tôi gửi lên chủ tịch Hạ viện vào tháng 1/2018, chúng tôi kêu gọi ngừng sử dụng loại vũ khí này”.
Dấu tích do súng LBD gây ra. |
Chủ tịch công ty B&T, khi trả lời một tờ báo, biện minh: “Đúng là súng LBD gây đau đớn nhưng không nghiêm trọng như vũ khí sát thương. Và nếu như những người Áo Vàng không ném bom xăng thì họ đã không bị nhắm bắn”. Vẫn theo bài báo này, dù việc sử dụng súng LBD gây tranh cãi từ vài năm gần đây, “Pháp vẫn muốn mua nhiều hơn loại vũ khí này. Thỏa thuận hợp đồng có thể lên đến 1,6 triệu euro”.
“Súng LBD là công cụ cần thiết”
Không phải bất kỳ nhân viên cảnh sát hoặc hiến binh nào cũng được sử dụng súng LBD. Những người được phép sử dụng phải qua quá trình đào tạo và cứ ba năm, họ phải theo khóa huấn luyện, tối thiểu là 6 tiếng.
Trên nguyên tắc, lực lượng cảnh sát chống bạo động (CRS) bị cấm bắn súng LBD dưới phạm vi 10m. Những lực lượng cảnh sát khác, được trang bị một số công cụ khác, phải tôn trọng khoảng cách tối thiểu 3m với người biểu tình. Tất cả đều bị cấm nhắm bắn vào đầu và bộ phận sinh dục.
Trước quy mô và mức độ bạo lực chưa từng có trong các cuộc biểu tình Áo Vàng trong hai tháng cuối 2019 và đầu 2019: Phía người biểu tình có 1.700 người bị thương, phía cảnh sát có 1.000 người, theo ông Nicolas Pucheu, đại diện nghiệp đoàn cảnh sát UNSA-Police khi trả lời báo chí, “biện pháp đáp trả, trong mắt công chúng, có thể là mạnh nhưng hoàn toàn phù hợp với mối đe dọa” vì “có những kẻ đập phá rất hung dữ, cố tình tấn công lực lượng cảnh sát và hiến binh”.
Về phía ông Stanislas Gaudon, phát ngôn viên nghiệp đoàn Alliance cảnh sát quốc gia, “súng LBD là công cụ cần thiết”. Trả lời báo chí, ông nhấn mạnh: “Súng bắn đạn cao su là một loại vũ khí trung gian, cần phải nhắc lại là chúng không sát thương. Súng LBD là cần thiết vì trong trường hợp biểu tình quá bạo động, nó cho phép sử dụng và đôi khi vô hiệu hóa những cá nhân không ngần ngại ném chất nổ vào lực lượng an ninh.
Nếu có những trường hợp sử dụng sai, họ sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc, vì cơ quan Thanh tra của Cảnh sát Quốc gia (IGPN) tiến hành điều tra và đưa ra các biện pháp trừng phạt sau đó. Trong Cảnh sát Quốc gia, không có trường hợp làm sai mà không bị trừng phạt”.
Cấm súng LBD, lấy gì thay thế?
Ông Jacques Toubon, chuyên viên bảo vệ quyền của công dân Pháp, không ngừng yêu cầu ngừng sử dụng súng LBD. Ngày 7/12/2018, khoảng 200 nhân vật, gồm nghị sĩ, một số nhà xã hội học, sử gia và nhà văn, cùng kêu gọi ngừng sử dụng “ngay lập tức” súng LBD trong các cuộc biểu tình vì “những vũ khí này hủy hoại những cuộc đời”.
Tuy nhiên, nếu bỏ súng LBD, lực lượng an ninh lấy gì thay thế, vì cảnh sát cũng cần có phương tiện để tự vệ? Câu hỏi này được bộ trưởng Nội Vụ Pháp Christophe Castaner đặt ngược lại khi trả lời báo chí: “Từ nhiều năm nay, những người bảo vệ quyền của người dân Pháp đã kêu gọi như vậy. Nhưng về thực tế thì như thế nào?
Nếu loại bỏ những công cụ tự vệ này trong lực lượng an ninh, thì họ còn gì? Họ chỉ còn cách xông vào đánh nhau, như vậy, chắc chắn sẽ còn nhiều người bị thương hơn. Hoặc phải dùng đến súng, giải pháp cuối cùng của họ. Vì vậy, chúng ta cần có thể được sử dụng hơi cay hoặc những công cụ như súng bắn đạn cao su. Mục tiêu là tiếp tục bảo vệ trật tự.
Sự khác biệt thực sự giữa một số người biểu tình, không phải là tất cả, đó là đôi khi họ mang theo cả thanh sắt, gậy bóng chày. Như mới đây chẳng hạn, chúng tôi đã tạm giữ một người mang theo gậy bóng chày đóng đầy đinh.
Đây là những vũ khí như thời trung cổ. Vì thế, phải cho phép lực lượng gìn giữ an ninh được trang bị vũ khí tự vệ. Ngược lại, đã xảy ra trường hợp là loại vũ khí tự vệ này, như súng bắn đạn cao su, bị sử dụng không đúng quy tắc”.
Tính từ đầu phong trào Áo Vàng đến ngày 11/1/2019, theo ông Eric Morvan, tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia, cơ quan Thanh tra của Cảnh sát Quốc gia (IGPN) đã nhận được 200 báo cáo về tình trạng bạo lực cảnh sát và đã thụ lý 78 hồ sơ.
Hiện nay, súng LBD vẫn tiếp tục được sử dụng. Tuy nhiên, điều kiện sử dụng được ông Eric Morvan nhắc lại trong một bản lưu ý ngày 15/1, theo đó súng LBD 40 có thể được sử dụng “khi có đám đông tụ tập (…) trong trường hợp bạo lực (…) chống lại lực lượng giữ an ninh” hoặc “nếu lực lượng an ninh không thể có cách tự vệ nào khác trên khu vực họ đang hoạt động”. Ông nhấn mạnh: “Súng LBD là phương tiện đáp trả phù hợp để ngăn chặn hoặc vô hiệu hóa một người hung hăng và/hoặc nguy hiểm”.