Sáng kiến gây xôn xao
Nói đến nước Pháp, người ta sẽ nghĩ ngay đến Tháp Eiffel. Công trình này do kỹ sư Gustave Eiffel và các đồng nghiệp thiết kế, được khởi công xây dựng từ năm 1887 và hoàn thành vào năm 1889 để kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp và chào đón Triển lãm thế giới năm 1889. Tháp Eiffel giữ vị trí là công trình cao nhất thế giới trong suốt hơn 40 năm với 1.671 bậc thang, cao 324 m. Tòa tháp được làm từ 15.000 tấm sắt và 2.5 triệu chiếc đinh tán, nặng 8.092 tấn.
Đến nay, mỗi năm toà tháp này đón khoảng 7 triệu du khách ghé thăm, được xem là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới. Đây cũng là biểu tượng của “kinh đô ánh sáng” Paris nói riêng và của nước Pháp nói chung.
Thoạt nghe có vẻ như một trò đùa, nhưng kể từ mùa hè năm 2019, Ban quản lý Tháp Eiffel đã cho triển khai lắp đặt một “xưởng cất rượu” ngay ở tầng 1 của ngọn tháp để chế biến rượu vang tại chỗ. Theo kế hoạch này, Ban quản lý Tháp Eiffel đã hợp tác với Công ty La Winerie Parisienne để tự sản xuất rượu vang của họ.
Toàn bộ quá trình sản xuất rượu vang được thực hiện tại xưởng chế biến nằm ở trên tầng 1 của ngọn tháp. Với việc hợp tác như vậy, Ban quản lý tòa Tháp Eiffel chỉ đơn giản là bán lại logo Tháp Eiffel, cho phép các doanh nghiệp chuyên về ẩm thực gắn thương hiệu này lên các chai rượu vang của họ.
Về phía công ty sản xuất, để sản xuất được rượu ở địa điểm đặc biệt như vậy, La Winerie Parisienne đã phải đưa toàn bộ máy móc và dụng cụ lên tầng trên, bao gồm từ máy ép nho tươi, máy lọc nước ép để lọc bớt cặn, các thùng có cài bộ phận điều hòa nhiệt độ trong quá trình lên men tự nhiên ban đầu tới những thùng gỗ sồi để ủ rượu vang cho đợt lên men lần thứ 2. Hương và sắc của rượu vang được định hình chính trong giai đoạn quan trọng này.
Theo anh Adrien Pélissié (đồng sáng lập công ty La Winerie Parisienne), toàn bộ ê-kíp sản xuất đã buộc phải thích ứng với những hạn chế về mặt kỹ thuật. Ví dụ, Tháp Eiffel đã được xây dựng cách đây hơn 1 thế kỷ, chiếc thang máy của tòa tháp dù đã được hiện đại hóa nhưng vẫn chỉ cao và rộng 3m, buộc công ty phải thiết kế lại đa số các dụng cụ máy móc sao cho vừa với thang máy chở hàng.
Việc lắp đặt một xưởng rượu ở độ cao 57m cũng đặt ra một số vấn đề khác như khi thời tiết biến đổi thất thường, các thùng trữ rượu có bộ phận điều chỉnh nhiệt độ sẽ không bị ảnh hưởng nhưng các thùng gỗ sồi lại phải có độ dày lớn gấp đôi mức bình thường để đảm bảo duy trì nhiệt độ phù hợp trong toàn bộ quá trình sản xuất.
Nhiều dụng cụ cũng phải được cách nhiệt để tránh nguy cơ gió lạnh ở độ cao ảnh hưởng tới tiến trình ủ rượu. Nhà máy rượu của La Winerie Parisienne được đặt ngay bên cạnh nhà hàng 80 chỗ ngồi Thierry Marx vốn được đặt trong một mái vòm trong suốt khổng lồ ở tầng 1 của Tháp Eiffel.
Những ý tưởng mới lạ
La Winerie Parisienne là nhà máy rượu đầu tiên được mở cửa ở vùng thủ đô Paris của Pháp kể từ năm 1970. Công ty khởi nghiệp này do 3 chàng trai trẻ sáng lập và kể từ đó cho đến nay đã gặt hái được một số thành công. Xưởng rượu vang tại Tháp Eiffel không phải là lần đầu tiên công ty này lắp đặt các xưởng rượu ngay tại những địa điểm khác lạ ngay giữa chốn đô thị.
Vào năm 2015, La Winerie Parisienne đã thành lập một hầm sản xuất rượu ở quận 11 của thủ đô Paris. Sau đó, họ mở một vườn trồng nho nằm gần lâu đài Versailles, vùng ngoại ô phía Tây cách Paris khoảng 35km. Nhờ khí hậu ôn hòa, đất đai thuận lợi, những mùa nho đầu tiên của họ đã bội thu, được đánh giá cao về chất lượng.
Hiện, La Winerie Parisienne có một vùng đất rộng 10 hecta ở khu vực Ile-de-France (tức thủ đô Paris và các vùng phụ cận) chuyên trồng các giống nho hữu cơ để phục vụ cho việc sản xuất các loại rượu vang độc đáo của riêng họ.
Theo ông Patrick Branco Ruivo - Giám đốc của tập đoàn quản lý và khai thác Tháp Eiffel (SETE), kế hoạch sản xuất rượu vang ngay tại chỗ đã được xúc tiến từ tháng 10/2019. Sự hợp tác này cũng là một cách để quảng bá các ngành nông nghiệp, trong đó có việc trồng nho ở vùng Ile-de-France. Cùng năm, La Winerie Parisienne đã thuyết phục ban quản lý Tháp Eiffel dùng giống nho trồng tại vườn trái cây của nhà vua Domaine de la Bouche du Roi để chế biến ngay trên tầng một loại rượu vang mang thương hiệu chính gốc của Tháp Eiffel.
Khi đó, hai đối tác đã chọn loại rượu vang đỏ làm từ Merlot, khá dễ uống với nhiều món ăn khác nhau nhờ hương thơm thanh mát của các loài trái cây màu đỏ tươi, có mùi vị mượt mà nhờ đậm chất tannin ở đầu môi. Loại rượu này có thể dùng được ngay hay để cất giữ trong vòng vài năm.
Tương tự vườn nho ở đồi Montmartre, việc sản xuất rượu vang tại Tháp Eiffel mang tính biểu tượng hơn là chế biến một sản phẩm với mục đích kinh doanh đại trà. Điều đó giải thích vì sao loại rượu vang mang thương hiệu Tháp Eiffel có giá tương đối cao. Từ các thùng gỗ sồi, ban quản lý đã cho rượu vào trong 600 chai đầu tiên, mỗi chai được bán riêng với giá gần 40 euro, tức cao hơn gấp 5 lần giá của một chai rượu bình thường. Còn loại bán trong hộp thượng hạng “deluxe” dành cho giới sưu tầm có giá lên tới hơn 80 euro/hộp.
Ngoài rượu, những người mua còn có cơ hội có một buổi tham quan có người hướng dẫn và nếm rượu tại vườn nho Domaine de la Bouche du Roi. Nếu để so sánh, một buổi tham quan có nếm rượu champagne của hiệu Ruinart (một trong những hiệu sâm-panh nổi tiếng nhất của Pháp) rơi vào khoảng 70 euro/người.
Tuy nhiên, với lựa chọn này, thực khách được nếm thử 4 loại champagne ngon và đắt tiền, trong đó có 2 thương hiệu thượng hạng. Vì vậy, giá của những hộp rượu vang Tháp Eiffel được đánh giá là tương đối cao, phần lớn vì mức sản xuất bị hạn chế ngay từ đầu và hiện chỉ có vài trăm chai rượu vang được tung ra thị trường.
Để có thể sở hữu những chai rượu vang độc đáo này, hiện nay, khách hàng chỉ có thể đặt mua qua mạng chính thức của Tháp Eiffel và trang web của Domaine de la Bouche du Roi. La Winerie Parisienne dự kiến sẽ sản xuất khoảng 2.500 chai từ vụ thu hoạch đầu tiên từ nho trồng tại vườn nho của họ. Nếu việc thí điểm thành công, rất có thể cả hai đối tác sẽ bắt tay sản xuất nhiều hơn nữa trong những năm tới. Đến khi đó, thương hiệu rượu vang của Tháp Eiffel mới hy vọng được phổ biến rộng rãi, nhắm vào xuất khẩu hay bán cho khách nước ngoài hơn là thị trường nội địa.