Mười lăm tuổi theo bố học nghề thuốc, đến nay ông Hồ Văn Sự (67 tuổi, ngụ thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã có hơn 50 năm chữa bệnh cứu người. Với tâm niệm “nhà nhà có vườn thuốc nam, người người biết dùng thuốc nam”, ông Sự không chỉ dày công sưu tầm lập ra vườn cây thuốc đầu tiên ở huyện miền núi Nam Đông giúp người bệnh, mà còn tìm ra những bài thuốc chữa một số căn bệnh như bệnh Gút – căn bệnh của người giàu.
Ông Sự với một cây thuốc |
“Quầy thuốc” tự nhiên miễn phí
Ngôi nhà nhỏ nằm khuất giữa vườn cây sum suê nhưng dễ gây ấn tượng với bất kể ai ngang qua. Đập vào mắt người xem là những chiếc bảng tên nhỏ nhắn được gia chủ gắn trên mỗi thân cây. Hỏi ra mới hay ông Sự “đeo” bảng tên cho cây phòng khi ông vắng nhà, ai cần hái thuốc vẫn có thể nhìn vào đó tự hái.
Ông Sự cho biết mình sưu tầm cây thuốc đã lâu và chính thức lập vườn thuốc cách đây 15 năm. “Hồi đó người dân đau ốm chỉ biết dựa vào rừng thôi chứ lấy đâu thuốc thang như bây giờ. Thấy bà con cực khổ mỗi lần đau lại chạy vào rừng tìm thuốc nên tôi mới tìm chúng đem về trồng giữa làng”, ông kể lại. Việc làm tốt bụng của ông lão miền núi rừng đơn giản chỉ xuất phát từ lòng thương người đơn thuần, không chút vụ lợi.
Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn thuốc rộng gần 500m2, ông lão người Cơ tu tự hào cho biết đến nay khu vườn có đến 300 cây thuốc nam khác nhau. Để có được vườn thuốc ông đã phải lặn lội vào tận rừng sâu, đến tận thác Ka-zan giáp đất Lào tìm kiếm. Chuyện băng rừng sang các tỉnh bạn như Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình săn tìm cây thuốc đều như “cơm ngày ba bữa”.
Hễ nghe tiếng vùng nào có thầy lang giỏi ông lại tìm đến xin học bằng được bài thuốc. Có những cây thuốc quý người ta không đồng ý tiết lộ, ông Sự lại dùng mẹo để “cướp bản quyền”: “Mỗi lần đến nhà các thầy thuốc, già luôn tìm đủ cách nhìn khu vườn nhà họ. Đã là thầy thuốc ắt phải trồng cây thuốc. Già đặc biệt chú ý đến những cây lạ, cây nào chưa biết thì ngắt trộm vài chiếc lá về xem sau đó vào rừng tìm hoặc hỏi các thầy thuốc khác”.
Ông bật mí thêm về bí quyết săn tìm cây thuốc nam rằng nên hỏi han những bậc già làng, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi bởi “người phụ nữ vùng cao thường có nhiều tài lẻ chăm sóc sức khỏe gia đình. Đặc biệt họ biết nhiều về cây thuốc hơn so với đàn ông. Đi đâu già cũng hỏi mấy cụ ông, cụ bà xem ở đó có cây thuốc gì có thể dùng chữa bệnh rồi xin về nhân giống”.
Theo lời ông thì vườn thuốc của ông trồng những cây có khả năng chữa khỏi nhiều bệnh thông thường như đau xương khớp, hen suyễn, ho khan, đau dạ dày hay các bệnh phụ nữ, bệnh đàn ông … “Cây Tà vấn có tác dụng bổ máu, thông huyết; cây Khôi tía có tác dụng chữa đau dạ dày, điều trị khớp. Hay như cây Địa liên này có tác dụng cứu sống đàn ông khi bị “thượng mã phong” bằng cách giã tươi cho uống kết hợp đả thông huyệt đạo”, ông Sự với tay ngắt lấy một lá cây ngẫu nhiên dẫn chứng.
Ông Sự tìm hiểu sách hướng dẫn sử dụng cây thuốc nam |
“Sở trường” chữa Gút
Lang y Sự cho biết ngoài các bệnh thông thường, ông có khả năng chữa bệnh Gút “đảm bảo khiến mầm bệnh đứt tiệt”. Ông cho biết trong dân gian có rất nhiều bài thuốc chữa Gút hoàn toàn bằng thảo dược đem lại hiệu quả cao, một trong những bài thuốc đó là dùng củ Một (có nơi gọi là củ Bình vôi vì có hình dáng giống chiếc bình vôi - PV) thái nhỏ sắc lấy nước uống. Ông hướng dẫn: “Điều trị bệnh Gút phải kết hợp cả trong lẫn ngoài. Vừa uống nước thuốc, vừa phải dùng củ tươi đã giã nát xoa bóp hoặc bó lên cơ thể đều đặn mỗi ngày, kiên trì điều trị trong vòng 3 tháng sẽ khỏi dứt bệnh”.
Theo lời khuyên của ông, trong suốt quá trình chữa trị Gút người bệnh đặc biệt chú trọng đến chế độ ăn uống, tốt nhất là ăn nhiều rau quả, kiêng né những thức ăn giàu chất béo. Ông lang vườn giới thiệu tỉ mỉ hơn về cách thức sử dụng củ Một như sau: Trước tiên phải chọn được củ lâu năm, ít nhất là củ có trọng lượng trên 2kg. Sau đó dùng dao thái mỏng củ phơi khô đem ngâm rượu hoặc sắc lấy nước uống hàng ngày. Mỗi thang thuốc chỉ nên sắc lấy nước tối thiểu hai lần thì bỏ.
Thầy lang Sự cho hay thêm, đa phần cây củ Một được sử dụng ở hai dạng khô và tươi, rất dễ thực hiện nên bất kể ai cũng có thể tự chế lấy thuốc. Trong quá trình điều chế thuốc cần lưu ý đến nguyên tắc hạ thổ: “Hạ thổ tức sau khi sao khô thuốc bằng lửa phải rải thuốc ra nền đất đảo trộn để lá thuốc hấp thụ khí đất, hiệu quả sẽ tốt hơn gấp nhiều lần”.
Một số căn bệnh khác có thể điều trị bằng cây thuốc nam theo lời ông dẫn chứng như sau: “Lá cây Khôi tía, Khôi trắng đem sắc lấy nước uống dùng chữa bệnh đau gan, viêm đường ruột, đau dạ dày. Cây Gà vượt có tác dụng cầm máu rất tốt hay như vỏ cây Chuông ủ lên men chiết nước uống giúp sáng mắt, bổ phổi, mát gan”. Cách thức lên men vỏ cây Chuông theo hướng dẫn của ông cần tuân thủ các khâu sau: Cạo sạch lớp da ngoài của vỏ cây sau đó cho vỏ cây vào lu chứa nước sạch và hòa thêm nước đường. Ít nhất sau 3 đêm đem lọc nước uống mới hiệu nghiệm. Vỏ cây càng lâu năm tác dụng thuốc càng cao.
Ông Sự phơi thuốc giữa nắng trưa |
Làm nghề thuốc “trả thù” bệnh tật
Ở thôn Dỗi hễ ai đau ốm là lại đến nhà nhờ ông Sự chữa giúp, không mất một đồng tiền nhưng vẫn nhận được sự chăm sóc ân cần. “Bố tôi làm nghề y đến cuối đời truyền nghề lại cho tôi. Bố căn dặn chữa bệnh không được nhận tiền của dân bản, có đạo đức mới làm được nghề thuốc”, ông nhắc lại lời cha dạy. Một nguyên tắc nữa cần biết là bệnh nhân đến chữa trị tại đây phải có bản kết luận, chẩn đoán của bác sĩ, ông sẽ căn cứ vào đó để lượng ước khả năng của mình tới đâu, những bệnh nan y quá tầm ông thẳng thắn từ chối ngay và khuyên người bệnh đến các trung tâm y tế, bệnh viện giỏi hơn.
Tuy nhiên nếu người bệnh muốn hỗ trợ điều trị bổ sung bằng thuốc nam, ông sẵn sàng tìm giúp thuốc, hướng dẫn kĩ lưỡng cách dùng thuốc. Những ai ở xa chỉ cần gọi điện là ông nhiệt tình tìm thuốc sao khô đem ra bưu điện gửi giúp, mỗi thang thuốc có giá 30 ngàn đồng, với người tìm đến tận nhà thì ông không lấy đồng nào. “Tiền đó dùng để thanh toán cước cho nhân viên Bưu điện. Già không lấy tiền công hay tiền thuốc”, ông phân trần.
Một điều đáng khâm phục khác là trước khi sử dụng bất kì cây thuốc nào, ông lão đều… lấy bản thân mình làm thử nghiệm, nếu cây thuốc có hiệu quả và không gây tác hại gì ông mới cho người khác uống. “Làm nghề thuốc cần đặt tính mạng người bệnh lên cao nhất, mình có mất mạng cũng không sao chứ chữa bệnh làm người ta chết thì tội lỗi nặng lắm”, ông quan niệm.
Tại sao cụ lại nghĩ đến việc lập vườn thuốc giúp người? Giọng ông bất chợt trầm xuống, nhớ về người vợ quá cố đã bị bệnh tật cướp đi mạng sống năm 41 tuổi: “Vợ già mất do bệnh tim. Già đã tìm mọi loại cây thuốc nhưng cũng chỉ giúp bà ấy sống thêm được 10 năm kể từ khi phát bệnh”. Chính hình ảnh người vợ quằn quại trên giường bệnh đã thôi thúc ông tìm tòi cây thuốc chống lại bệnh tật quái ác làm khổ dân bản; dành hết thời gian, công sức cho vườn thuốc nam như một nghĩa cử tiêu diệt bệnh tật.
Được biết vườn cây thuốc nam của lang y Hồ Văn Sự còn là địa chỉ thực nghiệm, tham quan của sinh viên các trường cao đẳng, đại học liên quan đến y dược trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhiều trường học, trạm y tế cũng đến xin đem cây thuốc từ khu vườn về trồng tại cơ sở phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy.
Mai Long