Quyết định của Thủ tướng không có hiệu lực?
Ngày 30/6/2014, hàng trăm doanh nghiệp sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman bị các cơ quan, ban ngành tỉnh Bình Dương niêm phong lò gạch, chấm dứt hoạt động sản xuất. Đến cuối tháng 9 này, UBND tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức cưỡng chế đối với cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman nào không chấp hành.
Trong khi các doanh nghiệp đứng bên bờ vực thẳm, phải chạy đôn chạy đáo kêu cứu khắp nơi thì Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Theo Quyết định này, Chính phủ cho phép chính quyền địa phương được quyền gia hạn cho những doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman được sản xuất đến sau năm 2018 và chậm nhất đến năm 2020, lộ trình này phù hợp với các quy định của pháp luật đã được ban hành trước đó.
Tuy nhiên, “bỏ qua” những chỉ đạo của cấp trên, tỉnh vẫn không nghĩ đến hậu quả mà các doanh nghiệp và hàng ngàn lao động phải gánh chịu. Bà Trương Thị Kim Ánh, chủ một cơ sở sản xuất gạch Hoffman ở huyện Phú Giáo cho biết: “Theo các văn bản nêu trên, UBND tỉnh Bình Dương đã bác bỏ hết nguyện vọng chính đáng của chúng tôi, áp dụng, trích dẫn văn bản pháp luật không đầy đủ, không có lợi cho doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman. Đáng nói là UBND tỉnh Bình Dương không quan tâm đến Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt quy hoạch tồng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, mà theo đó các doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman được phép hoạt động thêm vài năm nữa”.
Theo bà Ánh, trên thực tế, mặc dù không nằm trong quy hoạch nhưng các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Bình Dương từ trước đến nay vẫn thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của các doanh nghiệp, cơ sở này như cung cấp điện, thu các loại thuế, phí... Do vậy, UBND tỉnh Bình Dương bắt buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa và chấm dứt hoạt động khi chưa có các kế hoạch, định hướng, biện pháp giúp đỡ doanh nghiệp chuyển đổi để thu hồi vốn, xử lý tài sản, máy móc thiết bị, các nguyên, nhiên liệu tồn đọng và việc làm cho lượng lớn người lao động sẽ gây thiệt hại, lãng phí đến tài sản của xã hội và có nguy cơ gây mất an ninh trật tự.
Mặt khác, việc chấm dứt sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman, trong khi chưa xác định, thống kê, đánh giá được nguồn vật liệu xây dựng thay thế (trên thực tế, vật liệu xây dựng không nung chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng, chất lượng) sẽ gây thiếu nguồn cung cho hoạt động xây dựng tại địa bàn và các vùng lân cận, đẩy giá thành xây dựng lên cao, ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực kinh tế khác.
Ông Bùi Trí Dũng, đại diện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương chia sẻ: Đến nay, sau một thời gian cầm cự, cưu mang hàng chục ngàn công nhân có nơi ăn chốn ở, chờ cấp trên cứu xét, hầu hết các doanh nghiệp đã lâm vào cảnh vỡ nợ, phá sản. Hàng chục ngàn lao động đứng trước nguy cơ thất nghiệp và không biết phải tìm việc mới như thế nào vì hầu hết họ đều lớn tuổi, không có trình độ.
Ép dân để lợi ích nhóm “lên ngôi”
Thời gian vừa qua, khi xảy ra những sự việc nói trên, thị trường vật liệu xây dựng ở Bình Dương đã bị méo mó, giá gạch đất nung bị đẩy lên cao sau khi gạch sản xuất theo công nghệ Tuynel được độc quyền. Bà Bùi Thị Ngọc Ánh bức xúc: “Sự việc này kéo dài đến nay mà chính quyền tỉnh Bình Dương vẫn làm ngơ, theo chúng tôi, họ có lợi ích nhóm trong sản xuất gạch Tuynel trên địa bàn tỉnh. Sau khi tỉnh cưỡng chế, nay gạch Tuynel “một mình một chợ” tự làm giá, giá gạch ngày càng cao, những người dân nghèo không đủ tiền mua gạch để xây nhà ở”.
Theo bà Ánh, gạch Hoffman giá cả phải chăng, chất lượng thì tốt nên người dân rất ưa chuộng và chọn để xây nhà cũng như các công trình lớn. Lúc này, gạch Tuynel giá lại cao, chất lượng cũng không hơn gạch Hoffman là bao nên không ai đến đặt vấn đề mua hàng.
Bà Bùi Thị Ngọc Ánh chia sẻ: “Lò Hoffman hiện đang được sử dụng rộng rãi tại Tây Ninh, Bình Thuận và rải rác một số tỉnh miền Đông Nam bộ. Thực tế sản xuất đã chứng minh hiệu quả của công nghệ sản xuất gạch Hoffman. Quyết định do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký cũng ủng hộ và cho phép các doanh nghiệp duy trì hoạt động từ 3 đến 6 năm nữa. Do đó, hàng trăm doanh nghiệp, hàng ngàn công nhân lao động tha thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Bình Dương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch Hoffman được tiếp tục sản xuất đến hết năm 2018, chậm nhất là năm 2020, theo đúng lộ trình, định hướng của Chính phủ về sản xuất vật liệu xây dựng”.