Lo ngại tình trạng mạo danh bác sĩ

Lo ngại tình trạng mạo danh bác sĩ
(PLVN) - Thời gian qua nhiều bệnh viện lớn, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành liên tục bị lợi dụng tên tuổi, hình ảnh nhằm mục đích quảng cáo khám chữa bệnh, bán thuốc, thực phẩm chức năng, sản phẩm làm đẹp..., gây ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh các bệnh viện cũng như thời gian điều trị, tính mạng người bệnh.

Hàng loạt bệnh viện, cá nhân bị mạo danh

Ngày 9/10/2019, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk ban hành Văn bản số 2514/SYT – VP gửi các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh thông báo các hành vi mạo danh, giả danh y, bác sĩ, tổ chức của ngành y tế để lừa đảo một số đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, Sở Y tế đã nhận được một số phản ánh của đơn vị và người dân trong tỉnh về tình trạng mạo danh, giả danh y, bác sĩ, các tổ chức của ngành y tế để quyên góp, kêu gọi, ủng hộ, bán sách chuyên ngành về y tế, phòng, chống bệnh ung thư, đồng thời, tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh khi chưa được cấp phép. 

Giám đốc Sở Y tế cho rằng đây chính là việc mạo danh, lợi dụng danh nghĩa của ngành Y tế làm mất uy tín, tổn hại hình ảnh của ngành và ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe của người dân. Vì vậy, Sở Y tế Đắk Lắk khuyến cáo các đơn vị, cơ quan, người dân trên địa bàn cần đề cao cảnh giác với các thủ đoạn trên.

Việc mạo danh người khác để trục lợi là hành vi vi phạm pháp luật và tùy thuộc vào hình thức vi phạm, tính chất nguy hiểm, mức độ hậu quả gây ra mà đối tượng mạo danh có thể bị xử phạt hành chính, bị khởi kiện dân sự hoặc xử lý trách nhiệm hình sự.

Trường hợp đối tượng dùng thủ đoạn mạo danh người khác để gian dối, chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự, với hình phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc chung thân.

Nếu hành vi vi phạm không đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo các điều trên thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự xã hội theo quy định Nghị định 167/2013/NĐ-CP đối với hành vi này.

Sở Y tế Đắk Lắk cũng đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, TP trên địa bàn tỉnh tuyên truyền đến các tổ chức, người dân nhằm cảnh giác các hành vi trên. Các đơn vị, cơ quan, người dân trên địa bàn tỉnh khi phát hiện các đối tượng, tổ chức mạo danh, giả danh y, bác sĩ, tổ chức của ngành y tế để lừa đảo thì kịp thời thông tin cho ngành Y tế và các ngành liên quan để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Tại Hà Nội, tình trạng mạo danh, lợi dụng danh nghĩa của ngành Y tế cũng xuất hiện không ít. Nhiều người giật mình trước số lượng các cơ sở làm đẹp có con số 108, người tự xưng bác sĩ có liên quan đến Bệnh viện 108.

Hay thậm chí xuất hiện hàng loạt cái tên giống hoặc gần giống với bệnh viện 108 ví dụ có thể kể tên như: TMV 108, TMV QĐ 108, TMV108 Hà Nội, Thẩm Mỹ Quốc Tế 108…, dù vô tình hay hữu ý đều khiến người dân nhầm tưởng có sự liên quan giữa những cơ sở thẩm mỹ này với Bệnh viện 108.

Thế nhưng, theo lãnh đạo Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 thì đơn vị cũng nhiều lần thông báo về tình trạng lợi dụng, giả mạo thương hiệu của Bệnh viện trên mạng xã hội để quảng cáo cho các cơ sở khám chữa bệnh và sản phẩm dược phẩm, mỹ phẩm.

Trên nhiều trang fanpage, phòng khám tư, cơ sở thẩm mỹ đã sử dụng những từ khóa “bác sĩ Viện 108” để quảng cáo và thu hút bệnh nhân. Đây là một hình thức giả mạo có thể gây ra những rủi ro và thiệt hại về kinh tế cho người sử dụng dịch vụ.

Lãnh đạo Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 khẳng định bệnh viện chỉ có cơ sở khám, điều trị duy nhất tại địa chỉ số 1A và 1B đường Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Tất cả cơ sở khám chữa bệnh ghi “Bệnh viện 108” ngoài khuôn viên Bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh, thành khác đều là giả mạo. Bệnh viện cũng chưa triển khai kiểm nghiệm các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Vì vậy thông tin quảng cáo của các nhà sản xuất, các cá nhân quảng cáo dược phẩm điều trị bệnh, hay mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp (làm đẹp da, thẩm mỹ nhũ hoa, thuốc trị nám... ) được kiểm nghiệm tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đều là những thông tin không chính xác.

Bệnh viện Bạch Mai cũng phải phát đi thông báo về việc  nhận được nhiều cuộc điện thoại xác minh thông tin Khoa Tiêu hóa đang có chương trình hỗ trợ 3.000 hộp trà thảo dược cho bệnh nhân dạ dày.

Theo đó, một bệnh nhân phản ánh trang fanpage tên Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Bạch Mai đăng thông tin: “Nhân dịp 100 năm thành lập, Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Bạch Mai quyết định hỗ trợ chi phí 3.000 hộp trà thảo dược trị đau dạ dày trên cả nước. Chỉ 5 ngày hết trào ngược. Chỉ 30 ngày khỏi dứt điểm”. Fanpage này đề nghị người có dấu hiệu trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP, viêm hang vị, ợ hơi ợ chua khó tiêu... thì nhấn “đăng ký” để được hỗ trợ. 

Bệnh nhân cho biết bị bệnh dạ dày nên khi nhận được thông tin này rất vui mừng, đã nhấn nút “đăng ký” và để lại số điện thoại cùng thông tin cá nhân. Một lúc sau, chị nhận được điện thoại của một người lạ tự xưng là bác sĩ của khoa Tiêu hóa xác nhận lại thông tin chị đã đăng ký. Ngay sau đó, chị nhận điện thoại của một người lạ khác tự xưng là nhân viên Khoa Dược của bệnh viện hỏi địa chỉ để chuyển trà đến cho chị. Với mức giá 1,3 triệu đồng.

Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh - Trưởng Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định khoa không sử dụng fanpage và cũng không triển khai hoạt động này. “Đây là dấu hiệu lợi dụng hình ảnh, thông tin của bệnh viện để lừa đảo người dân”, ông Khanh nói.

Việc xử phạt chưa đủ sức răn đe

Theo ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế, quy định của Bộ Y tế nêu rõ các bác sĩ không được phép bán thuốc trên mạng xã hội. Do đó, tất cả đối tượng xưng danh là bác sĩ để bán thuốc trên mạng là giả mạo. “Ngành Y tế đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, có dấu hiệu lừa đảo người dân”, ông Nguyễn Văn Nhiên nhấn mạnh.

Còn theo PGS-TS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, việc mạo danh bác sĩ, người nổi tiếng chữa bệnh bán thuốc hiện đang là một thực trạng nhức nhối. “Hiện Thanh tra Sở Y tế đang phối hợp với Thanh tra Sở TT-TT tăng cường kiểm tra xử lý trong lĩnh vực này. Nếu phát hiện sai phạm sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý”, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho hay. Để bảo đảm an toàn cho chính bản thân và gia đình, PGS-TS Tăng Chí Thượng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác để không bị các đối tượng mạo danh bác sĩ hay bệnh viện điều trị, kê đơn, bán thuốc…

Hiện tại một số địa phương sau khi phát hiện những người mạo nhận là bác sĩ, quảng cáo khám chữa bệnh khi không có giấy phép sẽ bị lập biên bản, vi phạm hành chính về các hành vi “quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ hàng hóa đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định”. Tuy nhiên, mức phạt với lỗi này còn rất khiêm tốn chưa đủ sức răn đe thậm chí khiến họ nhờn luật, chấp nhận xử phạt để tồn tại.  

Người dân lo ngại

Chị Nguyễn Thị Loan ở Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết từ sau khi có tin về một ekip dàn dựng cả chương trình thời sự tương tự chương trình của đài truyền hình để quảng cáo cho các tiệm thuốc đông y chị không còn tin vào những quảng cáo, tư vấn trên mạng xã hội.

“Giờ đây người ta có thể làm đủ thứ để có thể kiếm tiền và bán hàng. Thế nên thay vì đơn thuần xem trên mạng xã hội về sản phẩm hay thông tin về bác sĩ đó, tôi thường vào Google để kiểm tra cơ sở đó cũng như bác sĩ nếu thấy nhiều phàn nàn quá hoặc báo chí phản ánh thì thôi không mua, không giao dịch  nữa”, chị Loan nói.

Chị Nguyễn Hồng Ly ở Từ Liêm (Hà Nội) cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình: “Lần đó tôi có tìm mua mầm đậu nành và một số thực phẩm chức năng với mong muốn tăng vòng 1. Sau khi loay hoay tìm kiếm trên mạng tôi có đặt mua  lọ mầm đậu nành.

Tính tôi tò mò hay mua trực tiếp chứ không mua online thế nên khi đến địa chỉ quảng cáo là xưởng sản xuất của cơ sở, tôi giật mình khi đó là căn nhà lộn xộn, ngổn ngang gói hộp chờ đóng gói để giao cho khách. Ít hôm sau tôi thấy báo chí đăng tải đơn vị này không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm tôi mua chưa hề được cấp phép lưu hành.

Có lẽ từ nay, mọi việc liên quan đến sức khỏe tôi phải đến bệnh viện thăm khám cho tử tế, không chủ quan được. Ra ngoài khám, phẫu thuật thẩm mỹ không biết thế nào không cẩn thận bị lừa vào các thẩm mỹ viện không đủ chuyên môn, nghiệp vụ rất dễ xảy ra sai sót nặng thì chết người, nhẹ thì mù mắt như các trường hợp ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) rùng mình”.  A.Tuấn  (ghi)

Đọc thêm

Cứu cô gái 26 tuổi viêm cơ tim biến chứng nguy kịch

Cứu cô gái 26 tuổi viêm cơ tim biến chứng nguy kịch
(PLVN) - Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯ CT) mới cứu sống bệnh nhân 26 tuổi bị viêm cơ tim biến chứng choáng tim – suy đa cơ quan bằng kỹ thuật ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể - PV).

Thận trọng khi ăn hạt sen

Hạt sen bổ nhưng một số người nên thận trọng khi ăn (Ảnh: Internet)

(PLVN) - Hạt sen là một loại nguyên liệu được yêu thích trong ẩm thực Việt Nam bởi hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, một số người thận trọng khi ăn hạt sen - cần hạn chế hoặc không ăn loại hạt này để tránh những vấn đề sức khỏe không mong muốn.

Để tai nạn thương tích không còn là gánh nặng

Trẻ em - đối tượng rất dễ bị tai nạn thương tích. (Ảnh: BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ)
(PLVN) - Tai nạn thương tích là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng có ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân trên toàn thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ các cơ sở y tế cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1,1 triệu trường hợp bị tai nạn thương tích đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.

Lưu ý các biện pháp phòng bệnh mùa đông xuân cho trẻ

Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ. (Ảnh: CDC Hà Nội)
(PLVN) - Thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp ở trẻ em, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội khuyến cáo người lớn cần lưu ý các biện pháp sau để bảo vệ sức khỏe cho con em mình.

Hiểm họa từ các cơ sở thẩm mỹ 'chui'

Trên thực tế, thực trạng hành nghề thẩm mỹ trái phép, hành nghề “chui” vốn đã xuất hiện từ lâu và gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. (Ảnh minh họa - Nguồn: LĐ)
(PLVN) - Thực trạng hành nghề thẩm mỹ trái phép không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân mà còn là thách thức lớn đối với ngành Y tế trong việc đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ.

Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ

Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ
(PLVN) - Chiều 26/10, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu tổ chức Hội thảo sinh hoạt khoa học chuyên đề: “Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ trong cộng đồng và tại cơ sở y tế” nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn về bệnh lý đột quỵ cho đội ngũ y tế của bệnh viện cùng các đơn vị y tế trong và ngoài tỉnh.

Thay 'chân mày phong thuỷ đổi vận', đề phòng tiền mất tật mang

Thay 'chân mày phong thuỷ đổi vận', đề phòng tiền mất tật mang
(PLVN) - Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân thận trọng trước những thông tin quảng cáo thay tướng đổi vận, cải thiện vận may... của các cơ sở chân mày phong thủy khi chưa có những kiểm chứng khoa học, để tránh sa vào hoạt động mê tín dị đoan gây ra hệ lụy nghiêm trọng.