Theo Reuters, trong tuần qua, các nhóm vận động hành lang về thực phẩm và đồ uống của Anh đã lên tiếng cảnh báo rằng nước này sẽ gặp phải tình trạng thiếu một số thực phẩm tươi sống nếu để xảy ra tình trạng Brexit vô trật tự.
Các công ty dược phẩm cũng đã bày tỏ mối quan ngại tương tự đối với mặt hàng thuốc men. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, tác động của một Brexit không thỏa thuận đối với các loại vật tư y tế cũng sẽ được cảm nhận không chỉ ở phạm vi nước Anh mà còn trên khắp châu Âu.
Theo một báo cáo của Quốc hội Anh, trong năm 2016, mỗi tháng có khoảng 45 triệu gói thuốc được vận chuyển từ Anh đến các nước còn lại trong Liên minh châu Âu (EU) với giá trị thương mại lên tới gần 12 tỷ bảng (14,5 tỷ USD). Anh cũng nhập khoảng 37 triệu gói thuốc mỗi tháng từ EU.
Các chuyên gia cho rằng, một số gián đoạn là không thể tránh khỏi nếu Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận. Lo ngại này càng gia tăng khi Thủ tướng mới Vladimir Johnson đã tuyên bố sẽ lãnh đạo nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31/10 kể cả trong trường hợp không có thỏa thuận nếu EU từ chối đàm phán về một “thỏa thuận ly hôn” mới.
Theo các dữ liệu của ngành dược phẩm, một số loại thuốc có thể sẽ không có được sự phê chuẩn theo quy định bắt buộc để tiếp tục được đưa vào từ Anh sau thời điểm Anh rời khỏi EU. Các cơ quan quản lý và đại diện của ngành công nghiệp dược phẩm cho biết, việc gia tăng kiểm soát hải quan tại các cảng và các đường biên giới khác giữa Anh và EU cũng có thể làm gián đoạn nguồn cung thuốc và các hợp chất hóa học cần thiết để sản xuất chúng.
“Mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ngành cho mọi kịch bản, nhưng một Brexit không có thỏa thuận có nguy cơ làm gián đoạn việc cung cấp thuốc trên khắp EU”, ông Andy Powrie-Smith - một quan chức tại Liên đoàn Công nghiệp và Hiệp hội Dược phẩm châu Âu – cho hay.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) - Cơ quan quản lý dược phẩm EU - cho biết khối này đã chuẩn bị tốt cho Brexit và đã hoàn tất việc cấp phép cho gần như tất cả 400 chủng thuốc mà cơ quan này đang quản lý để chuẩn bị cho việc Anh rời khỏi khối. Song, một quan chức EMA thừa nhận vẫn đang chờ giấy phép đối với 3 loại thuốc cần giấy phép trên toàn EU.
Ngoài ra, một số loại thuốc thiết yếu khác cũng có thể bị chặn vì các rào cản giám sát do Brexit. EMA là cơ quan duy nhất có thể cấp phép bán hàng đối với các loại thuốc mới để điều trị các bệnh phổ biến và nghiêm trọng nhất, bao gồm ung thư, tiểu đường và cúm trong khối EU gồm 28 thành viên.
Nhiều loại thuốc khác được cấp phép ở cấp quốc gia cũng có thể gặp rủi ro bởi gần 6.000 loại thuốc này cần phải trải qua quá trình cấp phép mới sau Brexit. Hà Lan hồi tháng 2 vừa qua cũng cho biết 50 loại thuốc “quan trọng” có nguy cơ bị thiếu hụt trong trường hợp Brexit không có thỏa thuận.
Một người phát ngôn Bộ Y tế Hà Lan cho biết, kể từ đó cho đến nay, những lo ngại về hầu hết các loại thuốc này đã được giải quyết. Tuy nhiên, một số vấn đề có thể phát sinh đối với các loại thuốc ít thiết yếu hơn. Nhiều nước EU cũng đã phải đối mặt với tình trạng thiếu một số loại thuốc do các vấn đề về sản xuất, quản lý hoặc phân phối.
Theo Nhóm Dược phẩm của Liên minh châu Âu - cơ quan thương mại của các dược sĩ, một cuộc khảo sát của 21 quốc gia châu Âu cho thấy tất cả các nước này đều đã trải qua tình trạng thiếu thuốc vào năm ngoái. Vắc xin là một trong những loại thuốc thường thiếu nhất. Do việc áp dụng các quy định trên khắp châu Âu hiện nay, Anh sẽ cần phải cấp phép cho hàng trăm loại thuốc mới khi rời khỏi khối.
Việc EU có thể tiếp tục thử nghiệm và cấp phép đối với các mặt hàng thuốc cho thị trường EU sau Brexit có thể dẫn đến nguồn cung hạn hẹp và chi phí cao hơn. Các nước EU phải đối mặt với những rào cản hậu cần tương tự đối với hàng nhập khẩu từ Anh.