Giáp Tết, các hãng gas trong nước vù vù tăng giá. Miền Bắc thời tiết rét đậm, rét hại mà người tiêu dùng phát sốt khi một bình gas 13 kg tăng phải móc hầu bao tới 400.000 đồng.
"Nóng" không kém giá gas, những ngày này tại Hà Nội, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm đều tăng giá từ 15 - 20% so với ngày thường. Mỗi chợ một giá, thịt bò thăn có giá từ 180.000 – 190.00 đồng/kg; giá thịt lợn ba chỉ là 75.000 đồng/kg; thịt mông 80.000 đồng/kg; thịt lợn thăn 90.000 đồng/kg; thịt gà ta 120.000 đồng/kg; thịt vịt 80.000 đồng/kg; tôm to 150.000 đồng/kg, tôm sú 190.000 đồng/kg; cá chép 50.000 - 70.000 đồng/kg. Các loại rau, củ, quả cũng tăng giá chóng mặt: giá su hào dao động quanh mức 8.000 đồng/củ; cải bắp 11.000 đồng/kg; cải thảo 14.000 đồng/kg; khoai tây 16.000 đồng - 20.000 đồng/kg; hành lá 20.000 đồng/kg; súp lơ 12.000 đồng/kg; rau cải xanh 10.000 đồng/2mớ; rau cần 6.000 đồng/mớ…
Ảnh minh hoạ. |
Các mặt hàng khác tiêu thụ nhiều dịp Tết tất nhiên cũng không nằm ngoài “cuộc đua”, như: đường 23.000 đồng/kg; nước mắm Nam Ngư 16.000 đồng/chai nhỏ; dầu ăn 40.000đồng/lít; các loại bánh kẹo, trái cây, giá đều tăng và tăng.
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 1 là 1,74%. Con số này tuy đã giảm nhẹ so với 3 tháng trước đó, nhưng lại cao hơn rất nhiều so với cùng kì năm trước (là 1,36%).
Các chuyên gia cảnh báo, với đà này nhiều khả năng CPI tháng 2 sẽ tăng cao và có thể kéo sang cả tháng 3. Và như vậy, năm 2011, Việt Nam sẽ tiếp tục vất vả với việc kiềm chế lạm phát.
Chính Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng thừa nhận: "Dự báo giá thị trường tháng 2/2011 sẽ tăng cao hơn các tháng bình thường. Tăng cao nhất là nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống – chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng xã hội, nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm phương tiện đi lại và nhóm văn hóa thể thao giải trí".
Tuy nhiên, Cục này nhận định: "Trong tháng 2/2011 sẽ không có đột biến tăng giá xảy ra; chỉ số giá tăng khoảng 1,8-2,% - phù hợp với quy luật vận động của những tháng có Tết Nguyên đán".
Theo cơ quan này, trong tháng 2 có các yếu tố tác động tăng giá như: nhu cầu về hàng hóa dịch vụ của các tháng trước và trong Tết dự báo tăng 20% so với các tháng bình thường, nghỉ tết kéo dài, sau Tết lại có nhiều lễ hội; nhu cầu tiêu dùng vẫn tiếp tục tăng; sức mua có khả năng thanh toán trong dịp này của các tầng lớp dân cư cũng tăng mạnh do tăng lương tối thiểu vùng, tiền thưởng Tết; lượng kiều hối chuyển về tăng mạnh (lượng kiều hối được chuyển về Việt Nam năm 2010 đạt 8,3 tỉ USD, tăng 25,6% so với 2009, lượng kiều hối được dự báo sẽ tăng mạnh hơn trong tháng trước Tết Nguyên đán); lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và Việt Kiều về quê ăn Tết tăng (ước tính sẽ có trên 500.000 kiều bào về quê ăn Tết Tân Mão, Tết Canh Dần là 480.000 người)…
Tình hình đó làm cho quỹ tiêu dùng xã hội tăng, gây sức ép đẩy giá lên…..
Bên cạnh đó, tình hình thời tiết, dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tình hình rét đậm, rét hại, hạn hán tại Miền Bắc... sẽ gây sức ép làm tăng giá lương thực, thực phẩm. Mặt khác, giá hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục ở mức cao do nhu cầu mùa vụ và ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, tác động vào sản xuất và giá cả trong nước.
M.H.